Đà Nẵng: Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ UAC (Mỹ) hoàn thành giai đoạn 1
Đà Nẵng: Hai Sở Kế hoạch Đầu tư và Công thương phản bác số liệu thẩm tra đo mức độ hài lòng của công dân với công chức / Dự kiến hụt thu ngân sách hơn 4.600 tỉ đồng, Đà Nẵng chọn kịch bản nào cho tăng trưởng kinh tế năm 2020?
Hoàn thành giai đoạn 1, giao các lô hàng mẫu đầu tiên cho đối tác quốc tế
Ngày 9/7, ông Liviu Lese, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Universal Alloy Corporation (UAC) Việt Nam cho hay, Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine do Tập đoàn UAC (Mỹ) đầu tư tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng với tổng vốn 170 triệu USD đã hoàn thành giai đoạn 1.
Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine do Tập đoàn UAC (Mỹ) đầu tư tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng đã hoàn thành giai đoạn 1.
“Chúng tôi vui mừng thông báo sau hơn 1 năm triển khai, đến nay dự án đã xây dựng hoàn thành giai đoạn 1 và đang hoạt động sản xuất theo đúng chất lượng, tiến độ cam kết. Hiện Công ty đã hoàn thiện dây chuyền gia công và đã giao những lô hàng mẫu đầu tiên, đạt tiêu chuẩn chất lượng đến khách hàng là các đối tác quốc tế” - ông Liviu Lese nói.Là một trong những dự án trọng điểm được thu hút vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng từ Chương trình “Tọa đàm Mùa xuân 2019”, Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine được xây dựng trên diện tích 16,7ha, công suất thiết kế 12.470 tấn/năm, xuất xuất khẩu đi các thị trường châu Âu, Malaysia, Bắc Mỹ.
Trong đó, giai đoạn 1 có diện tích 10,9ha, mặt bằng khu sản xuất 4,7ha, quy hoạch thành các phân khu sản xuất các bộ phận chi tiết dùng trong ngành hàng không vũ trụ, sản xuất nguyên liệu thô và lắp ráp bằng vật liệu hợp kim nhôm.
Giám đốc điều hành UAC Việt Nam cũng khẳng định, ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt trên toàn cầu, theo kế hoạch, Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine trong Khu Công nghệ cao Đà Nẵng sẽ tăng số lượng lắp đặt máy móc, thiết bị công nghệ cao và tiếp tục tiến hành đầu tư cho giai đoạn 2, dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2023.
Theo đó, Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine sẽ mở rộng sản xuất bộ phận chi tiết dùng trong ngành hàng không và sản xuất nguyên liệu thô bằng vật liệu composite. Mục tiêu mà nhà máy đặt ra là đến năm 2021, giá trị xuất khẩu đạt 25 triệu USD, năm 2022 đạt 82 triệu USD và từ năm 2026 đạt hơn 180 triệu USD.
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Ông Liviu Lese cho hay, để đảm bảo nhân lực cho Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine, thời gian qua Công ty UAC Việt Nam đã hợp tác đào tạo với Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng và tuyển dụng 95 kỹ sư (68 kỹ sư chuyên ngành cơ khí chế tạo, 14 kỹ sư cơ điện tử và 13 kỹ sư kỹ thuật điện).
Trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục triển khai đào tạo kỹ thuật lập trình gia công 5 trục cho một số kỹ sư vừa mới tốt nghiệp thuộc chuyên ngành cơ khi chế tạo (Đại học bách khoa Đà Nẵng), bố trí thực tập cho các sinh viên ở các trường: Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Cao đẳng GTVT… góp phần định hướng các em để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai.
UAC đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt của Nhà máy.
Trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam vào chiều 9/7, ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cũng cho biết, UAC đã tuyển dụng, gửi nhiều cán bộ, nhân viên đi đào tạo ở nước ngoài nhằm tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt của quy trình sản xuất. Họ cũng đề xuất Đại học Bách khoa Đà Nẵng mở thêm ngành cơ khí hàng không tại trường, làm nền tảng để TP Đà Nẵng từng bước thâm nhập vào ngành hàng không.“Đây sẽ là thế mạnh của Đà Nẵng khi có cơ hội tiếp nhận các nhà đầu tư danh tiếng, uy tín trong các ngành công nghệ cao để được chuyển giao các bí quyết và công nghệ!” – Ông Phạm Trường Sơn nói. Đồng thời ông cho biết trong thời gian qua các sở, ngành TP Đà Nẵng thường xuyên làm việc với UAC để tìm hiểu, hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình khởi động và triển khai dự án cũng như đáp ứng nguồn nhân lực.
Hỗ trợ UAC đưa chuyên gia cấp cao nước ngoài vào chuyển giao công nghệ
Theo ông Liviu Lese, do ảnh hưởng dịch Covid-19, UAC Việt Nam đang gặp một số khó khăn khi đội ngũ chuyên gia chưa thể quay trở lại nhà máy. Để tháo gỡ vấn đề này, với sự hỗ trợ của BQL Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng, Công ty đang tiến hành các thủ tục nhập cảnh cho các chuyên gia quốc tế sang Việt Nam để đánh giá dự án và vận hành hoạt động sản xuất.
“Trong thời gian qua, Công ty đã nhận được sự hỗ trợ lớn, tích cực từ UBND TP Đà Nẵng, BQL Khu Công nghệ cao và các Sở ban ngành TP trong việc giải quyết, chấp thuận danh sách chuyên gia. Hiện nay Công ty đang tiến hành các thủ tục tiếp theo để đặt chuyến bay cho các chuyên gia vào Việt Nam kịp tiến độ triển khai dự án” – ông Liviu Lese cho biết, và bày tỏ hy vọng, tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ TP Đà Nẵng để dự án đáp ứng yêu cầu, cam kết đề ra.
Về vấn đề này, ông Phạm Trường Sơn, Trưởng BQL Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng cho biết đang đề xuất với các cơ quan liên quan để nhà đầu tư sớm đưa các chuyên gia cấp cao nước ngoài vào chuyển giao công nghệ và kiểm định dây chuyền. Ông hy vọng với danh tiếng và thế mạnh của UAC, sau đại dịch Covid-19, UAC toàn cầu nói chung và UAC Đà Nẵng nói riêng sẽ tiếp tục ổn định và duy trì các mục tiêu đã đề ra.
UAC không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào để quảng bá về TP Đà Nẵng
Theo ông Phạm Trường Sơn, UAC là nhà sản xuất linh kiện máy bay hàng đầu thế giới cho các công ty hàng không như Boeing, Airbus, Embraer, Bombardier... Đây cũng là một trong ba tập đoàn hàng đầu thế giới về cung cấp nhôm đặc chủng cho sản xuất máy bay. Quá trình đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng được UAC triển khai đồng bộ, đáp ứng tiến độ, thẩm mỹ, chất lượng và an toàn tuyệt đối.
Bày tỏ sự hài lòng và vinh dự được cộng tác với lãnh đạo và các nhân viên với kỹ năng chuyên nghiệp, tư duy toàn cầu của UAC tại nhà máy ở Đà Nẵng, ông Phạm Trường Sơn cho hay, trong các chuyến công tác hoặc hội thảo, lãnh đạo UAC luôn giới thiệu các công ty công nghệ cao là đối tác của họ với TP Đà Nẵng.
“Họ không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào để quảng bá về Đà Nẵng, nhờ vậy rất nhiều công ty công nghệ cao đã biết và đến tìm hiểu về TP, hoặc bày tỏ ý định đến đây tìmhiểu. Đây là kênh xúc tiến đầu tư tại chỗ vô cùng hiệu quả. UAC đã bày tỏ ý định mở rộng sản xuất tại Đà Nẵng trong kế hoạch dài hạn. Chúng tôi hy vọng Covid-19 sẽ không thể hạn chế công ty duy trì ý định này và sẽ tham mưu lãnh đạo TP có chủ trương hỗ trợ UAC một cách hữu hiệu nhất!" – ông Phạm Trường Sơn nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo