ĐBSCL: Doanh nghiệp bảo đảm cung ứng hàng hóa trong thời gian giãn cách xã hội
Bộ trưởng Công Thương: Không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu / Bộ NN-PTNT thành lập tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng nông sản phía Nam
Hiện, phần lớn các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đều đang trong thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Trong những ngày đầu tiên giãn cách xã hội có xảy ra tình trạng người dân đổ xô mua hàng tích trữ, khiến nguồn cung lương thực, thực phẩm khan hiếm cục bộ. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Doanh nghiệp Việt Nam, hầu hết các tỉnh, thành đã chủ động lên phương án làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn, bảo đảm nguồn hàng dự trữ, cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu cho người dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Mặt hàng rau củ quả đầy ấp tại các siêu thị.
Bằng nguồn vốn tự cân đối, 9 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã tham gia công tác bình ổn thị trường, với tổng số lượng hàng hóa hơn 8.150 tấn, tương đương khoảng 200 tỷ đồng. Lãnh đạo siêu thị Co.opmart Vị Thanh cho biết, đã nhập đầy đủ nguồn hàng về dự trữ, bảo đảm nguồn cung ổn định cho địa phương nhất là các mặt hàng rau, củ, quả. Sắp tới các tổng kho và kho vệ tinh của toàn hệ thống Co.opmart sẽ được tăng cường nên nguồn cung rất ổn định. Siêu thị đang đẩy mạnh bán hàng trực tuyến qua điện thoại, online giao tận nơi cho khách hàng vừa tiện lợi vừa bảo đảm phòng, chống dịch bệnh.
Tại 8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cũng đã triển khai xây dựng các phương án dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường, nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân với số lượng hàng hóa gần 26.870 tấn, tương đương trên 377 tỷ đồng. Hậu Giang bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân trong thời gian gian giãn cách, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, khẩu trang vải kháng khuẩn, thiết bị bảo hộ, dung dịch vệ sinh, sát khuẩn...
Giám đốc siêu thị Co.opmart Vĩnh Long - Văn Quốc Hoàng cho biết, hiện mỗi ngày siêu thị nhập khoảng 50-60 tấn hàng hoá là thực phẩm, hàng thiết yếu để cung ứng cho người dân, không để thiếu hàng hoá. Lượng hàng hoá hiện tại tăng gấp ba lần ngày bình thường mà vẫn bình ổn giá.
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gentraco (tại Q Thốt Nốt, TP Cần Thơ), Nguyễn Trung Kiên cho biết, hưởng ứng lời kêu gọi của TP Cần Thơ, doanh nghiệp đã tham gia đăng ký cung ứng gạo trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Theo đó, Gentraco đăng ký cung ứng 3.000 tấn gạo, đáp ứng nguồn cung lương thực trên địa bàn. Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ Hà Vũ Sơn nói, tổng số lượng gạo các doanh nghiệp trên địa bàn đăng ký cung ứng trong thời gian giãn cách lên đến 260.000 tấn. “Tổng giá trị hàng hóa cam kết dự trữ hơn 570 tỷ đồng. Đây là số lượng hàng hóa thiết yếu dự trữ sẵn tại hệ thống kho của các doanh nghiệp, còn lượng hàng hóa nhập về hằng ngày là chưa tính đến. Các doanh nghiệp này kết nối với nguồn cung ứng hàng hóa ngay trong nội tỉnh, thành phố Cần Thơ để đảm bảo khâu vận chuyển và cung ứng”, ông Hà Vũ Sơn thông tin thêm.
Nguồn thực phẩm tại các siêu thị luôn bình ổn và bảo đảm cung ứng đủ cho người dân trong thời gian thực hiện giãn cách.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ cho biết, tổng đàn lợn toàn thành phố là 132.285 con; 4.461 con bò, 261 con trâu và 1.951.665 con gia cầm. Trong tháng 7/2021, tổng sản lượng thịt gia súc 3.165 tấn, 821 tấn thịt gia cầm, 7.931.200 quả trứng. Số lượng xuất chuồng khoảng: 28.250 con heo /tháng, khoảng 128 con trâu bò /tháng, khoảng 526.600 con gia cầm/tháng.
Theo ông Trần Chí Hùng- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hậu Giang, sau khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16, trung bình một đêm các cơ sở giết mổ khoảng 600 đến 650 con heo, 1.600 con gia cầm, 1 con trâu, bò để phục vụ nhu cầu của người dân. Số lượng sản phẩm khoảng 48 tấn thịt heo, 3,5 tấn gia cầm, 175 kg thịt trâu bò.
Thời điểm này nhiều tỉnh, thành ở ĐBSCL đang bước vào thu hoạch nông sản nên sản lượng trong dân rất lớn. Từ đây đến cuối tháng 7 trên địa bàn TP Cần Thơ sẽ thu hoạch dứt điểm 75.194 ha lúa với sản lượng cả vụ là 438.125 tấn; 7.533 tấn rau các loại; 455 tấn bắp (ngô), khoảng 59 tấn đậu các loại và hơn 10.000 tấn trái cây các loại. Còn tại tỉnh Sóc Trăng, trong tháng 7 và tháng 8 thu hoạch 352.000 tấn lúa; 7.000 ha rau củ, sản lượng hơn 106.000 tấn. Trong khi sản lượng lúa tiêu thụ trong nội tỉnh Sóc Trăng chỉ hơn 90.000 tấn lúa và nông sản các loại, số lượng có nguy cơ tồn đọng, khó tiêu thụ rất lớn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
Một mặt hàng xuất sang Philippines tăng mạnh, đạt 2,6 tỷ USD
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024