Thị trường

Đề xuất đưa thịt lợn vào danh sách mặt hàng bình ổn giá

DNVN - Tại cuộc họp về bình ổn giá thịt lợn giữa Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Tổng cục Thống kê vào16/3, nhiều ý kiến đề xuất đưa thịt lợn vào mặt hàng kê khai giá và kiểm soát yếu tố hình thành giá để bình ổn giá.

Đảm bảo chất lượng thịt lợn nhập khẩu để bình ổn thị trường / Thịt nhập khẩu đã về, giá thịt lợn giảm nhiệt

Thời gian qua, nguồn cung thịt lợn đã dần ổn định khi lượng tái đàn ở nhiều địa phương đạt từ 50-70%, người chăn nuôi heo đã có lãi. Thế nhưng giá thịt heo vẫn đứng yên, thậm chí chực chờ tăng cao khi dịch bệnh. Thủ tướng phải yêu cầu 3 bộ báo cáo trách nhiệm và hạ ngay giá thịt heo.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tuyên bố yêu cầu dứt khoát 17 tập đoàn, doanh nghiệp lớn phải hạ giá thịt heo xuống mức hợp lý theo yêu cầu của Chính phủ. Lí do được bộ trưởng đưa ra là nếu doanh nghiệp chăn nuôi bán giá 75.000 đồng/kg thì đã có lãi rất cao, khi giá thành sản xuất trong tình hình dịch bệnh chỉ xoay quanh 40.000 đồng/kg heo hơi.
Tuy vậy, giá thịt lợn trong những ngày gần đây vẫn ở mức cao. Trong ngày 16/3, giá thịt lợn hơi ở miền Bắc đạt mức kỉ lục 90.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại miền Trung và miền Nam, giá heo hơi trong khoảng 78.000 - 80.000 đồng/kg. Liên tục từ tháng 7/2019 cho đến tháng 1/2020, giá thịt lợn liên tục tăng, kéo theo chỉ số giá tiêu dùng CPI ở mức cao.

Thịt lợn CP được bày bán tại một siêu thị ở Hà Nội. (Ảnh: VNE)
Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu giá thịt lợn giảm từ 8% đến 10% trong tháng 3 sẽ giúp CPI bình quân cả năm ở mức 4,22%. Để thực hiện được mục tiêu này, các Bộ, ngành chức năng cần làm tốt các biện pháp điều hành cung - cầu giúp giá thịt lợn hơi giảm về mức 60.000-65.000 đồng/kg thịt lợn hơi và các tháng tiếp theo giá bình ổn hoặc tiếp tục giảm về mức 45.000-50.000 đồng/kg thịt lợn hơi, mức bình thường trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, tăng cường chỉ đạo các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy khâu phân phối, bán lẻ.
Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê cho rằng, giá thịt lợn hiện nay đang ở mức rất cao và tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng. Hiện nay, Meat Deli bán thịt lợn ba chỉ với mức giá 236.000 đồng/kg, trong khi đó giá của công ty CP trong siêu thị là 212.000/kg, ngoài chợ bán lẻ là 150.000-160.000 đồng/kg.
“Tại sao khi thịt lợn đến tay người tiêu dùng giá chênh lệch như thế? Vì mặt hàng này không thuộc diện bình ổn theo Luật giá, cũng không phải mặt hàng kê khai giá nên doanh nghiệp sẽ tự chịu trách nhiệm. Các bộ nên có những giải pháp quản lý về giá, để không những có sự chia sẻ về lợi ích của doanh nghiệp, lợi ích của người dân mà còn là ổn định kinh tế vĩ mô”, bà Ngọc chia sẻ.
Về vấn đề này, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương cho biết, vừa qua đoàn liên ngành kiểm tra thực tế tại một số doanh nghiệp, dù ảnh hưởng bởi dịch tả heo châu Phi, chi phí sản xuất có cao hơn nhưng bình quân giá thành vào khoảng 45.000 đồng/kg và với giá bán 72.000-74.000 đồng/kg, doanh nghiệp lãi 2,5-3 triệu đồng/ con.
Cho rằng thịt lợn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu của người dân, chiếm khoảng 60 - 70% trong tiêu dùng thịt của người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng, ông Hoàng Anh Tuấn cũng đề xuất cần có cơ chế chủ động điều chỉnh giá thịt lợn, cần đưa thịt lợn vào danh sách mặt hàng bình ổn theo Luật giá 2012.
Với đề xuất này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương sẽ xem xét và phân tích để có những đề xuất phù hợp.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa, kết nối với các tham tán thương mại ở nước ngoài tìm kiếm nguồn nhập khẩu hiệu quả để cung ứng nhu cầu trong nước và kiểm soát việc xuất khẩu lợn qua biên giới Trung Quốc. Với các doanh nghiệp, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục có các văn bản yêu cầu doanh nghiệp tham gia bình ổn giá thịt heo.
PV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm