Để xuất khẩu bắt nhịp xu thế mới
Xuất khẩu chuyển động theo xu hướng xanh đã hình thành nên những “luật chơi” mới. Các thị trường nhập khẩu quan trọng triển khai áp dụng thuế suất cao đối với các sản phẩm có "dấu chân carbon" lớn.
5 vấn đề cần giải quyết để xây dựng khung giá đất chính xác, hiệu quả / Gần 60% doanh nghiệp Nhật Bản sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam
Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận phát triển trồng thanh long theo quy trình sản xuất nông nghiệp tiêu chuẩn châu Âu EUREPGAP, xuất khẩu sang các thị trường châu Á, châu Âu, Mỹ… Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN.
Nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn với hàng hóa nhập khẩu.
Vậy doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để bắt nhịp xu hướng mới, giữ được thị trường xuất khẩu?
Để giải đáp vấn đề này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương.
Xin ông cho biết, điều kiện xuất khẩu hàng hóa xanh sang thị trường các nước đã có thay đổi thế nào trong thời gian qua?
Từ năm 2015, tại Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu 2015 hay còn gọi là COP 21 hàng loạt các quốc gia và nền kinh tế lớn trên thế giới như Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ, Nhật Bản… đã có cam kết mạnh mẽ trong việc giảm phát thải khí carbon gây ô nhiễm tạo ra hiệu ứng nhà kính.
Theo đó, hàng loạt chính sách điều chỉnh phát thải khí nhà kính đã ra đời, từ năm 2017 thỏa thuận xanh của EU với 28 nền kinh tế của khu vực này đã ban hành luật pháp cụ thể trong từng lĩnh vực để có thể giảm phát thải khí carbon. Tương tự như vậy, Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng có rất nhiều quy định mới về hàng hóa xuất nhập khẩu.
Đối với EU, sau thỏa thuận xanh năm 2017, đến tháng 11/2021 đã ban hành luật liên quan đến minh bạch hóa và cấm nhập khẩu những sản phẩm có liên quan đến nạn phá rừng. Theo luật này, 12 ngành hàng nông sản của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng và chịu tác động.
Đặc biệt, trong lĩnh vực đồ gỗ thì những nguyên liệu dùng chế biến đồ gỗ xuất khẩu vào EU không được liên quan đến gỗ hay nguyên liệu có nguồn gốc từ nạn phá rừng. Như vậy, có thể thấy những quy định về xuất khẩu xanh đã trở thành xu hướng mạnh mẽ.
Cùng với đó, thị trường của những sản phẩm có chứng chỉ liên quan đến phát triển bền vững cũng tăng tới 30 lần. Ví dụ, chứng chỉ phát triển bền vững, chứng chỉ hữu cơ, chứng chỉ trách nhiệm xã hội… đã tăng theo chiều dựng đứng.
Những quy định này đã trở thành xu hướng tất yếu của kinh tế thế giới hay còn gọi là kinh tế xanh, tăng trưởng xanh và cùng đó xuất hiện cụm từ mới là thương mại xanh và xuất khẩu xanh.
Theo ông, những điều kiện này có tác động thế nào đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam và ngành hàng nào sẽ chịu tác động lớn nhất?
Chi phí tuân thủ những quy định xanh tăng lên sẽ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Trong bối cảnh Việt Nam chủ yếu gia công hàng xuất khẩu và nằm trong chuỗi cung ứng của các công ty toàn cầu thì đặt ra yêu cầu tăng chi phí, từ đó làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa.
Những ngành hàng có liên quan đến việc sử dụng nguyên liệu từ thiên nhiên sẽ bị ảnh hưởng và chịu tác động với những quy định mới về tăng trưởng xanh, kinh tế xanh hay thương mại xanh của các nền kinh tế nhập khẩu.
Ở đây, rõ ràng ngành hàng nông sản của Việt Nam sẽ chịu sự ảnh hưởng, tiếp theo là những sản phẩm từ gỗ. Còn trong lĩnh vực dệt may, chi phí tuân thủ những quy định về tăng trưởng xanh rất khắt khe, không chỉ là tăng trưởng xanh mà còn cả phát triển bền vững, đó là xử lý môi trường, trách nhiệm xã hội, lao động trẻ em… rõ ràng sẽ chịu tác động.
Bên cạnh đó, những sản phẩm khác nếu có nguồn gốc từ dầu mỏ, khí hóa thạch cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ.
Để không bị loại khỏi “cuộc chơi” thì doanh nghiệp cần có thay đổi và chuẩn bị gì để có thể đáp ứng với những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe từ phía nhà nhập khẩu, thưa ông?
Có thể thấy, những tiêu chuẩn này là thách thức, nhưng nếu doanh nghiệp chủ động, quan tâm và có sự chuẩn bị nhanh chóng, kịp thời thì sẽ trở thành cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Với những quy định xanh, đối với công ty lớn hay các tập đoàn đa quốc gia của EU hay Hoa Kỳ thì chi phí chuyển đổi sang thương mại xanh, sản xuất xanh, tiêu dùng xanh lớn và tốn thời gian. Tuy nhiên, với doanh nghiệp Việt Nam là quy mô nhỏ và vừa thì chi phí thấp và cạnh tranh hơn so với các tập đoàn đa quốc gia.
Nếu như doanh nghiệp nhanh chóng thay đổi tư duy, bắt nhịp được với xu thế của thế giới thì việc hoàn thiện và được cấp chứng chỉ công nhận là thương mại xanh, sản xuất xanh sẽ trở thành tấm vé vào cửa đối với thị trường nhập khẩu. Ở đây, thời gian để thực hiện chuyển đổi sang sản xuất xanh, thương mại xanh đối với doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn ngắn hơn so với các tập đoàn đa quốc gia.
Một vấn đề nữa, với quy mô nhỏ và vừa thì việc đào tạo nguồn nhân lực, hoàn thiện hệ thống quản trị xanh rõ ràng đơn giản hơn và hiệu quả hơn so với các tập đoàn lớn.
Vì vậy, các doanh nghiệp cần chủ động tìm đến các chuyên gia liên quan đến vấn đề thương mại xanh, sản xuất xanh để có thể cập nhật và chuyển đổi mô hình sản xuất sang thương mại xanh một cách nhanh và sớm nhất.
Xin trân trọng cảm ơn Cục trưởng!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo