Thị trường

Diễn Đàn: Cơ chế và điều kiện kinh doanh xăng dầu không phù hợp?

Kinh doanh và điều kiện kinh doanh xăng dầu đã có những bước tiến dài hữu ích cho DN và người dân, nay bộc lộ trước thực tiễn nhiều bất cập. Nhằm phản ánh điều đó, Tạp chí doanhnghiepvn.vn mở diễn đàn “Cơ chế và điều kiện kinh doanh xăng dầu không phù hợp?”.

BẢN TIN TÀI CHÍNH-KINH DOANH: Xăng dầu bước vào kỳ tăng mạnh, cà phê rớt giá kỷ lục / Khan hiếm xăng dầu vì mưa lũ cô lập, tư nhân bán đắt gần gấp đôi

Ngày 3/9/2014 Chính phủ ban hành Nghị định 83/NĐ-CP quy định về kinh doanh xăng dầu và điều kiện kinh doanh xăng dầu tại thị trường Việt Nam (Nghị định 83). Cần khẳng định rằng, trong 4 năm thực hiện Nghị định 83, hoạt động kinh doanh xăng dầu tiếp tục vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, phát huy quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; bảo đảm thực hiện tốt vai trò kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, góp phần hài hòa lợi ích người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước. Thứ nữa, Nghị định 83 quan tâm đến tăng cường tính cạnh tranh, công khai, minh bạch trong kinh doanh xăng dầu; quản lý chặt chẽ hệ thống phân phối xăng dầu, bảo đảm cung ứng ổn định xăng dầu trong hệ thống, bảo đảm chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường; giá xăng dầu trong nước phản ánh kịp thời diễn biến giá xăng dầu thế giới, không làm ảnh hưởng lớn tới tâm lý người tiêu dùng…

Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Đầu tư)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Đầu tư)

Tuy nhiên, thời gian gần đây, Tạp chí Điện tử Doanh nghiệp Việt Nam (doanhnghiepvn.vn) nhận được nhiều phản ánh từ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là khối các doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng: Không ít cơ chế và điều kiện kinh doanh xăng dầu được quy định tại Nghị định 83 và các văn bản liên quan đã không còn phù hợp với thực tiễn; Cản trở hoạt động kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp; Yếu tố cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bị hạn chế; Phát sinh lợi ích nhóm…Cụ thể: Nghị định 83 quy định đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được lấy hàng từ một nguồn làm phát sinh và duy trì lợi ích nhóm, rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không đồng thuận; Tiêu chuẩn được cấp Giấy chứng nhận Đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu còn rườm rà, không sát thực tiễn; Việc các cửa hàng đại lý đã có Giấy đủ điều kiện kinh doanh, nay lại thêm “giấy phép con” cho Thương nhân phân phối và Tổng đại lý là không cần thiết; Thủ tục xin cấp đất để xây dựng một cửa hàng xăng dầu mới tại Hà Nội thường mất khoảng 2 - 3 năm và hệ thống khoảng 28 con dấu các loại, qua 7 Sở và 2 - 3 cấp Uỷ ban gồm UNND phường, UBND quận và UBND thành phố; Quy định về việc cửa hàng xăng dầu sử dụng đất ở (có sổ đỏ) để xây dựng cửa hàng kinh doanh xăng dầu, hiện đang kinh doanh ổn định phải chuyển mục đích sử dụng đất sang kinh doanh xăng dầu là chưa hợp lý…
Từ những phản ánh đang dấy lên nêu trên, Tạp chí Điện tử Doanh nghiệp VN mở diễn đàn bàn về “Cơ chế và điều kiện kinh doanh xăng dầu không phù hợp?”. Mục đích của diễn đàn là tập hợp những ý kiến đóng góp, phản biện của thương nhân kinh doanh xăng dầu, chuyên gia kinh tế và nhà quản lý…nhằm đưa ra thông điệp: Đảm bảo an ninh năng lượng; Hoạt động kinh doanh xăng dầu tiếp tục vận hành theo cơ chế thị trường; Phát huy quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp; Hài hòa lợi ích người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước; Tăng cường tính cạnh tranh, công khai, minh bạch trong kinh doanh xăng dầu; Hạn chế tối đa thủ tục hành chính rườm rà…
Những ý kiến đóng góp của thương nhân kinh doanh xăng dầu, chuyên gia kinh tế và nhà quản lý…được thể hiện dưới dạng bài viết phân tích, phản ánh, phản biện…sẽ được Ban Biên tập xem xét đăng tải trên Tạp chí Điện tử Doanh nghiệp Việt Nam (doanhnghiepvn.vn). Ban Biên tập xin cảm ơn và trân trọng ý kiến của quý độc giả!
Những ý kiến của quý độc giả xin được gửi về địa chỉ E-mail của Tạp chí điện tử: [email protected] hoặc địa chỉ tòa soạn: Phòng 1005, nhà D, Khách sạn Thể thao, số 15 Lê Văn Thiêm, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội. BBT đề ghị tác giả của bài viết ghi rõ họ tên, địa chỉ (E-mail, số điện thoại) để tòa soạn tiện liên hệ.
Thư ký tòa soạn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm