Điện mặt trời phát triển nhanh và cục bộ đang gây khó cho truyền tải
ADB: Kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ / Xuất khẩu cà phê đón đầu ưu đãi từ EVFTA
Góp phần thúc đẩy thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW về Định hướng Chiến lược phát triển Năng lượng Quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, ngày 17/9, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2020. Diễn đàn thúc đẩy hoạt động nghiên cứu làm chủ, ứng dụng và phát triển công nghệ với mục tiêu tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, đồng thời trao đổi về thách thức và giải pháp công nghệ trong phát triển ngành năng lượng.
Nhiều ý kiến cho rằng, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, ngành năng lượng nước ta vẫn còn nhiều hạn chế khi các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi; cơ sở hạ tầng ngành năng lượng còn thiếu và chưa đồng bộ; trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực thuộc ngành năng lượng chậm được nâng cao,…
Đòi hỏi bổ sung quy hoạch năng lượng
Ông Lê Hải Đăng, Trưởng ban Chiến lược phát triển, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông tin, trong nghiên cứu phát triển lưới điện thông minh, EVN đã thực hiện các Đề án thành phần (theo Quyết định 4602/QĐ-BCT ngày 25/11/2016 Bộ Công Thương), nghiên cứu mô hình tổ chức các Trung tâm điều khiển đóng cắt thiết bị từ xa cho lưới điện của các Tổng công ty; nghiên cứu phát triển công tơ điện tử và hệ thống thu thập số liệu đo đếm từ xa; nghiên cứu phát triển hệ thống SCADA trong hệ thống điện Việt Nam.
Kết quả đến tháng 9/2020, Tập đoàn EVN đã thiết lập và đưa vào vận hành 61/63 trung tâm điều khiển xa tại các tỉnh/thành phố. Số trạm biến áp điều khiển xa 220 kV là 80 (đạt 63,5%), 110 kV là 590 (đạt 82%). Tỷ lệ lắp đặt công tơ điện tử đạt gần 54%. Hệ thống SCADA/EMS thuộc Dự án Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia mới vận hành ổn định, hiệu quả từ năm 2016 đến nay, tỷ lệ kết nối gần 96%, tỷ lệ tín hiệu đạt yêu cầu 81%.
Tuy nhiên, EVN cũng thừa nhận, hiện điện mặt trời phát triển nhanh và cục bộ tại một số địa phương đã và đang gây khó khăn trong truyền tải công suất. Cùng với đó, công suất phát của nguồn điện này không ổn định, khó dự báo chính xác sản lượng và chỉ phát huy hiệu quả vào ban ngày, khiến hệ thống điện phải có dự phòng điều tần lớn.
Từ thực tế này, ông Đăng đề xuất, thời gian tới nhà nước cần đẩy nhanh, bổ sung quy hoạch và thực hiện đầu tư mạnh vào lưới truyền tải điện. Ngoài ra, ngành điện cần phải tiến hành thuê tư vấn nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật cần có ứng với các mức độ tăng dần của tỷ trọng năng lượng tái tạo trong hệ thống điện; ứng dụng AGC (tự động điều chỉnh công suất) để khai thác tối đa công suất phát các nguồn năng lượng tái tạo theo khả năng tải của đường dây.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Thư ký Hiệp hội Năng lượng thế giới (World Energy Council), tiến trình phát triển các dạng năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, hydrogen…) đang và sẽ là xu thế tất yếu của thời đại, nhằm tạo ra các nguồn năng lượng sạch, giá rẻ, ổn định và bảo vệ môi trường.
Theo khảo sát, hiện nay trên thế giới đã có hơn 100 nước trên thế giới đã chọn biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả, bao gồm các lĩnh vực tiết kiệm điện trong sản xuất và trong sinh hoạt; đổi mới công nghệ trong sản xuất để tiết kiệm điện; áp dụng kỹ thuật số/blockchain trong sản xuất, truyền tải và phân phối điện.
“Việc lưu trữ năng lượng sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi cho ngành năng lượng vào năm 2040. Hệ thống này có thể xử lý các biến động khác nhau của nhu cầu tiêu thụ điện, đặc biệt là khi có sự thay đổi lớn về nguồn cung khi làm hài hòa cung và cầu một cách hiệu quả. Ngoài ra, cần quan tâm đến sự phát triển tự động hóa và các máy móc; nguồn Hydro sạch và năng lượng gió sẽ góp phần đáng kể vào việc sản xuất năng lượng”, ông Tuấn nói.
Phát triển năng lượng cần đồng bộ
Đồng tình với nhận định này, ông Đinh Thế Phúc, Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, thế giới ngày nay đang đặt ra yêu cầu lớn về chuyển dịch năng lượng bền vững, do nguồn năng lượng sơ cấp suy giảm cũng như nguy cơ về ô nhiễm môi trường. Nhiều nhà máy nhiệt điện than tại nhiều quốc gia đã phải xem xét lại, cùng với việc hướng tới đa dạng hóa nguồn năng lượng để tránh phụ thuộc vào một nguồn năng lượng chính.
“Những năm gần đây ở Việt Nam đã có sự chuyển dịch rất lớn và rõ về cơ cấu nguồn năng lượng. Những nguồn nguyên liệu hóa thạch suy giảm mạnh đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối. Hiện nay, các dự án điện gió và mặt trời phát triển rất mạnh với hàng loạt các dự án được đưa vào khai thác đã hỗ trợ tích cực cho các dự án năng lượng khác đang chậm tiến độ”, ông Phúc nói.
Theo ông Phúc, chiến lược phát triển năng lượng theo tinh thần Nghị quyết 55 đã được đề cập rất rõ, nhưng cần được triển khai đồng bộ để đảm bảo phát triển năng lượng quốc gia. Hiện quy hoạch lưới điện truyền tải đang tắc nghẽn do phát triển ồ ạt các dự án điện gió, mặt trời nên cần có quy hoạch đồng bộ giữa phát triển nguồn và lưới truyền tải. Do đó, trong tổng sơ đồ điện tới đây sẽ mang tính định hướng mở, trong đó nêu rõ các cơ cấu nguồn điện nhằm phát triển hài hòa, tránh tắc nghẽn trong giải tỏa nguồn điện.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế chính sách về giá điện cũng như xây dựng cơ chế đấu giá điện tạo nên sự cạnh tranh, minh bạch trong đầu tư. Ngoài ra, cần tận dụng tốt nhất suất đầu tư vào các dự án điện mặt trời khi giá thành đang giảm rất nhanh khi điện mặt trời ứng dụng tốt thành quả của khoa học công nghệ, giảm tác hại đối với môi trường.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh