Định hình lại ngành xuất khẩu nông sản
Thép tấm Việt không còn ‘rào cản’ xuất khẩu sang Thái? / Gần 12.000 đồng cho 1 quả vải thiều Việt tại Nhật
Thời gian gần đây, những thị trường xuất khẩu (XK) nông sản lớn của Việt Nam liên tục đưa ra những thay đổi về yêu cầu đối với nhập khẩu nông sản.
Thị trường khắt khe, xuất khẩu thêm khó
Đơn cử, Trung Quốc đang đẩy mạnh hơn công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, kiểm nghiệm kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc... đối với hàng hóa nhập khẩu. Đặc biệt là các mặt hàng nông sản, các loại thịt, thủy sản (đông lạnh, tươi sống và chế phẩm liên quan tại các cảng/cửa khẩu nhập khẩu) nhằm phòng chống dịch Covid-19.
Trong khi đó, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) đã có thông báo về phương thức kiểm tra hồ sơ đối với cơ sở sản xuất thực phẩm XK sang Hàn Quốc. Đây là phương thức kiểm tra lâm thời thực hiện trong năm 2020 do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới.
Theo đó, bên cạnh phương thức nộp hồ sơ theo hướng dẫn trước đây của các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm Việt Nam, các DN có thể tự chuẩn bị và nộp hồ sơ theo danh sách yêu cầu của MFDS.
Nếu không đáp ứng được các yêu cầu cầu trên chắc chắn XK nông sản, thực phẩm Việt Nam sang các thị trường này sẽ khó khăn. Hơn nữa, vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm vốn là luôn điểm yếu của nông sản Việt Nam.
Nafood là doanh nghiệp (DN) chuyên chế biến và XK trái cây đến 60 nước trên thế giới.Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Nafoods, nhận định DN này nói riêng và DN Việt Nam nói chung phải có chiến lược vượt qua khó khăn từ các rào cản thị trường, từ đó nắm bắt cơ hội.
Ông Hùng nêu vấn đề, Việt Nam đang mong muốn là nơi cung cấp hậu cần cho thế giới. Để làm được việc này chúng ta phải xây dựng được hệ thống chuỗi giá trị liên kết giữa các mắt xích với nhau. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, công nghệ chế biến của Việt Nam còn lạc hậu, tỷ lệ nông sản chế biến sâu hạn chế, rất ít DN tham gia sâu vào vấn đề này.
Đặc biệt, vấn đề đặt ra là phải xây dựng được những vùng nguyên liệu sản xuất gắn với số hóa có thể truy xuất được nguồn gốc? Muốn làm được việc này, ông Hùng cho rằng, làm sao phải thay đổi tư duy làm nông nghiệp một cách thô sơ của người nông dân. Làm nông nghiệp theo tư duy công nghiệp.
"Dù 1 ha, hay nửa ha, sản xuất 1 cây giống, 1 triệu hay 10 triệu cây giống, cuối cùng chất lượng đầu ra phải giống nhau", ông Hùng nói.
Để hỗ trợ nông dân, HTX, ông Hùng cho rằng, DN lớn phải đi đầu trong vấn đề chuẩn hóa quy trình. Từ trải nghiệm sau những lần thất bại, ông cho rằng nếu làm được những điều trên nông nghiệp Việt Nam sẽ cất cánh.
Xây dựng vùng nguyên liệu, tạo ra sản phẩm sạch
Trước bối cảnh mới, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T, cho biết, không chỉ DN này mà nhiều DN khác đang đẩy mạnh xây dựng những vùng nguyên liệu. Tạo ra sản phẩm sạch, tạo hướng đi riêng để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng trong nước, đồng thời đây cũng là nền tảng để các DN có thể XK với giá trị cao sang nhiều thị trường thế giới.
Ông nói rằng, trước đây, bà con rất e dè phối hợp với DN do sợ phải tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt, chịu sự giám sát chặt chẽ của đội ngũ kỹ thuật của DN. Họ cũng gặp nhiều khó khăn trong khi đó việc trồng theo phương pháp thông thường vẫn có thể XK sang thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, sau thời gian hợp tác, người nông dân nhận thấy lợi ích, giá cả ổn định hơn. Vì vậy, khi làm ăn với DN giúp giảm thiểu rủi ro, thậm chí không có rủi ro. Người dân từ đó nhận thấy nên làm và trồng thế nào. Chúng ta có được nền nông nghiệp có thể XK sang các thị trường lớn, thị trường khó tính, cạnh tranh tốt tại thị trường trong nước, thậm chí bán tại các thị trường lớn ở Trung Quốc.
"Sau này, Trung Quốc có đòi hỏi cao thế nào, mình cũng vẫn đáp ứng được. Việc này giúp chúng ta sàng lọc, cải tạo, nuôi dưỡng, xây dựng vùng nguyên liệu chỉ có một chuẩn, chứ không còn phân biệt là khó tính, dễ tính, nội địa hay XK.", ông Tùng chia sẻ.
Trong khi đó, TS. Đặng Kim Sơn, chuyên gia về nông nghiệp, nhận định, thị trường nông sản vẫn có nhu cầu rất cao và sẽ quay lại tăng nhanh nhu cầu trong thời gian tới. Vấn đề là làm thế nào để duy trì sức sản xuất của DN và nông dân liên kết với DN vượt qua được thời điểm nguy nan này, có thể kịp thời khôi phục sức sản xuất và kinh doanh ngay khi dịch bệnh kết thúc trên thế giới.
Ông Sơn khuyến nghị: Các DN cần tập trung đầu tư xây dựng liên kết giữa các nhà máy chế biến, các DN kinh doanh với nông dân sản xuất tại các vùng nguyên liệu để đảm bảo chất lượng trên cơ sở áp dụng kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao sẽ là giải pháp chiến lược, tạo sức cạnh tranh cao, kịp thời chiếm lĩnh thị trường trong thời gian tới.
Về phần mình, Bộ NN&PTNT cho biết, sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, các cơ quan, DN theo dõi sát sao diễn biến giá cả, cung cầu các mặt hàng nông sản thiết yếu trong nước để cân đối cung cầu, đảm bảo an ninh lương thực trong nước và duy trì XK nông sản. Nâng cao chất lượng dự báo thị trường và kịp thời thông tin tới các địa phương, DN để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp.
Đặc biệt, Bộ NN&PTNT khẳng định sẽ thường xuyên cập nhật diễn biến, tình hình tại các thị trường trọng điểm bị ảnh hưởng bởi dịch, kịp thời tham mưu, báo cáo, đề xuất giải pháp ứng phó.
200 tấn vải thiều Việt Nam sẽ xuất sangNhật Bản trong năm nay
Ngày 22/6, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết những lô vải thiều tươi đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đã được tiêu thụ rất tốt ở các siêu thị bán lẻ. Một DN xuất khẩu cho biết, giá bán lẻ vải thiều tại Nhật Bản sau khi cộng thuế và các khoản phí lên tới 8-12 USD/kg, tương đương 180.000 -270.000 đồng/kg. Theo Sở NN&PTNT Bắc Giang, toàn tỉnh hiện có 19 mã số vùng trồng vải thiều được cấp để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, với diện tích 103 ha. Theo quy định, những vùng trồng vải thiều này phải được chăm sóc đặc biệt, đạt các tiêu chuẩn của phía Nhật Bản đưa ra về dư lượng kháng sinh, thuốc trừ sâu, chất lượng, màu sắc... Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, năm nay dự kiến khoảng gần 200 tấn vải thiều tươi sẽ XK thành công vào thị trường Nhật trong năm nay.
Thương vụ đã và đang phối hợp với một số đầu mối nhập khẩu của Việt Nam như AEON, VIENT Corporation, Yufruit, Sunrise Farm… và đầu mối XK của Việt Nam như Công ty Red Dragon, Chánh Thu, Ameii… để xúc tiến XK các lô hàng vải thiều sang Nhật Bản trong vụ mùa năm nay. Tại Nhật Bản quả vải được Hiệp hội nhập khẩu hoa quả của Nhật Bản giới thiệu như là một loại quả có giá trị. Đây là một loại quả quý do số lượng bán ra thị trường rất ít, được trồng chủ yếu tại Okinawa và Kagoshima. Trước khi vải thiều Việt Nam có mặt tại Nhật Bản. Quốc gia này đã nhập khẩu quả vảinhiều nhất từ Trung quốc khoảng 256 tấn (chiếm khoảng 60%), đứng thứ 2 là Đài Loan khoảng 127 tấn (chiếm khoảng 30%), đứng thứ 3 là Mexico là 29,7 tấn, đứng thứ 4 là Hoa Kỳ khoảng 1,3 tấn. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Nhờ đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, vải thiều Việt Nam bán được giá tại thị trường Nhật Bản