DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ tiếp tục là trụ cột của nhiều nền kinh tế Châu Á
Chiều 17/10, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản (Keidanren) tổ chức họp báo nhằm thông tin về Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Châu Á (ABS) lần thứ 10 diễn ra trước đó cùng ngày.
ABS lần thứ 10 được tổ chức với mục đích để Châu Á phát huy hết tiềm năng tăng trưởng của mình, giải quyết được những thách thức của khu vực, các nền kinh tế Châu Á cần tăng cường hợp tác, thúc đẩy hội nhập kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng mạnh hơn nữa. Cộng đồng doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế Châu Á sôi động hơn bằng cách sử dụng năng lực của khu vực tư nhân thông qua hợp tác ngày càng chăt chẽ cả về chiều rộng và chiều sâu.
ABS được Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản (Keidanren) khởi xướng từ năm 2010 và được tổ chức luân phiên hàng năm tại các nền kinh tế lớn của châu Á.
Tại hội nghị lần này, lãnh đạo cấp cao của các phòng thương mại, tổ chức hiệp hội kinh tế, lãnh đạo các tập đoàn lớn của khu vực trao đổi, chia sẻ quan điểm về thúc đẩy quan hệ đối tác kinh tế, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng khu vực, giải quyết các vấn đề môi trường và các vấn đề khác mà tất cả các nước Châu Á đang phải đối mặt.
ABS lần thứ 10 đề cập tới hai nội dung chính, đó là "Châu Á kỹ thuật số: thu thập để phát triển bền vững" và "Châu Á toàn cầu: đối tác để phát triển bao trùm".
Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo cấp cao của 12 tổ chức kinh tế chủ chốt đến từ các nước Châu Á gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, và Việt Nam.
Tại cuộc họp báo chiều 17/10, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, đồng Chủ tịch ABS lần thứ 10 cho biết, ABS đã thành công tốt đẹp với việc kết thúc hội nghị, lãnh đạo các tổ chức kinh tế đã thông qua bản tuyên bố chung.
Ông Vũ Tiến Lộc khẳng định, Tuyên bố chung là tiếng nói của cộng đồng châu Á và slogan của hội nghị lần này là "Châu Á siêu kết nối vì sự phát triển bền vững".
Về nội dung Châu Á kỹ thuật số, Tuyên bố chung nêu rõ: Khi thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những thách thức về số hóa và sáng tạo đang ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực trong xã hội theo nhiều cách khác nhau. Các nền kinh tế châu Á cần cam kết xây dựng một khung chính sách mở và tìm kiếm các cơ hội đến từ cuộc cách mạng đổi mới kỹ thuật số, thúc đẩy việc thực hiện các tiến bộ công nghệ trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người.
Các cộng đồng doanh nghiệp châu Á cũng cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa, nhất là với những doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội liên quan tới vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và công nghệ xanh cũng như phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Cộng đồng doanh nghiệp châu Á cũng đã nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề an ninh mạng và nhu cầu tăng cường hợp tác ở cấp độ khu vực và toàn cầu, từ cấp độ doanh nghiệp đến Chính phủ.
Về nội dung xã hội thông minh, Tuyên bố chung nhấn mạnh: Các doanh nghiệp cần chung tay với Chính phủ để hợp tác trong việc thiết lập các tiêu chuẩn sản xuất xanh và sử dụng nguồn nước tại các dòng sông. Đây là yếu tố quan trọng trong nỗ lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh. Cộng đồng doanh nghiệp kêu gọi các thành phố châu Á tăng cường giao lưu kết nối và sẻ chia kinh nghiệm trong thực tiễn để xây dựng và phát triển xã hội thông minh.
Liên quan tới nội dung "Châu Á toàn cầu: Quan hệ đối tác để phát triển toàn diện", Tuyên bố chung cũng nêu rõ, dù có một số bất ổn được đưa ra bởi chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc, song cộng đồng doanh nghiệp Châu Á cam kết thương mại tự do và cởi mở là lựa chọn tốt nhất để mang lại sự tăng trưởng bền vững và toàn diện, dẫn tới sự thịnh vượng cho tất cả các nền kinh tế trong khu vực Châu Á.
"Các hiệp hội doanh nghiệp Châu Á đồng ý rằng, các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSME) tiếp tục là trụ cột của nhiều nền kinh tế châu Á. Do đó, chúng tôi sẽ khuyến khích các MSME vận hành các DN xuyên biên giới thành công và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời mở rộng khả năng đổi mới và sự hiện diện toàn cầu thông qua nền kinh tế kỹ thuật số, Internet và nền tảng thương mại điện tử", Tuyên bố chung có đoạn viết.
Cộng đồng doanh nghiệp ở Châu Á cũng ủng hộ mạnh mẽ và nhận ra vai trò quan trọng của WTO và hệ thống thương mại đa phương dựa trên các quy tắc, khuyến khích tăng trưởng thương mại, đặc biệt là đối với các MSME....
Tuyên bố chung cũng cho rằng, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực là rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cộng đồng doanh nghiệp Châu Á kêu gọi một cơ chế hiệu quả để hỗ trợ hợp tác công - tư trong phát triển cơ sở hạ tầng. Mặt khác, xây dựng năng lực và nguồn nhân lực cũng là những vấn đề chủ yếu trong chương trình hợp tác khu vực. Sự hợp tác hiệu quả về nguồn nhân lực giữa các nền kinh tế sẽ tăng cường khả năng cạnh tranh chung của khu vực.
End of content
Không có tin nào tiếp theo