Doanh nghiệp bảo vệ quan điểm nâng trần giờ làm thêm
DNVN - Tại Hội nghị người sử dụng lao động quốc gia năm 2019 với chủ đề Đóng góp ý kiến Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức chiều 14/10, tại Hà Nội, đại diện nhiều hiệp hội doanh nghiệp bảo vệ quan điểm nâng trần giờ làm thêm.
Quảng Ninh: Du học ở Úc 4 năm, chàng trai về nước nuôi chim / Không mua trái phiếu doanh nghiệp chỉ vì lãi suất cao
Theo bản cập nhật Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), về làm thêm giờ, dự thảo chỉnh lý quy định 2 phương án. Phương án 1: giữ như hiện hành, sửa đổi giới hạn tháng) không quá 50% số giờ làm việc bình thường/ngày + 40 giờ/tháng + 200 giờ/năm hoặc 300 giờ/năm trong 5 loại công việc quy định tại Điều 107. Phương án 2: như dự thảo Chính phủ trình) 200 giờ/năm hoặc 400 giờ/năm do Chính phủ quy định.
Ông Trương Văn Cẩm - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, thực tế ở Việt Nam cũng như riêng ngành dệt may, đặc biệt là giờ làm thêm thì 82% doanh nghiệp (DN) vi phạm giờ làm thêm theo quy định hiện nay.
"Khi khách hàng đánh giá DN vi phạm pháp luật Việt Nam thì khách hàng sẽ cắt đơn hàng. Do vậy, mức giờ làm thêm 300 giờ/năm áp dụng với ngành dệt may đã là rất khó đảm bảo được rồi. Tuy nhiên, giờ làm thêm theo tháng rất là ngặt nghèo. Cũng như thủy sản, dệt may cũng làm theo thời vụ, số tháng nhất định trong năm có những đơn hàng dồn dập cần hoàn thành, nếu không sẽ bị cắt hợp đồng.
Ngoài ra, việc yêu cầu trả lương làm thêm giờ lũy tiến đối với giờ thứ 3, thứ 4, theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam là không phù hợp với thực tiễn. Đối với DN, không thể thống kê sản phẩm vào giờ thứ 3, giờ thứ 4 bao nhiêu để tính lương cho người lao động, mà sẽ mất rất nhiều thời gian để có thể làm được điều này.
Bảo vệ quan điểm thực tế Dn rất cần làm thêm giờ, ông Chu Văn An - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Minh Phú phát biểu: Hiện nay luật Lao động quy định thời gian làm thêm giờ như sau: tại Điểm b, khoảng 2 điều 106 luật lao động 2012 nêu: “Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm”.
Tuy nhiên, ông Chu Văn An cho rằng, trong thực tế, doanh nghiệp rất cần làm thêm giờ khi: Ngành tôm, cá nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung đều có tính chất thời vụ. Nếu sản xuất để giao hàng đúng hẹn cho khách hàng, thì phải tăng ca làm việc dẫn đến vi phạm thời gian làm thêm. Nói thật, doanh nghiệp cũng chẳng mặn mà với làm thêm giờ vì phải chi trả ít nhất 150% cho làm thêm giờ bình thường, 200% cho làm thêm giờ vào ban đêm; 300% làm thêm giờ cho những ngày Lễ và 200% làm thêm vào ngày nghỉ. Làm thêm giờ phải trả lương thêm mà DN không thể bán giá cao được. Qua thực tế hàng chục năm nay, ngành Tôm chỉ nhiều nguyên liệu nhất từ 3-5 tháng thì cần làm thêm giờ.
Ảnh minh họa.
Từ đó, đại diện Tập đoàn Minh Phú đề nghị sửa lại: Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày và không quá 500 giờ trong 01 năm (bỏ quy định ràng buộc giờ làm thêm theo “tháng”).
Lý giải lý do cần phải làm thêm giờ, bà Phan Thị Thanh Xuân - Hiệp hội Da giày & Túi xách Việt Nam cho biết: Ngành da giày tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và sử dụng nhiều lao động.
"Câu chuyện làm thêm giờ chính là giải bài toán về năng suất lao động. Cần làm thêm giờ vì năng suất lao động hiện nay của Việt Nam rất thấp so với các nước. Đối với ngành da giày, năng suất lao động so với các nước, đặc biệt so với Trung Quốc, kém rất xa. Mức năng suất của ngành da giày Việt Nam hiện nay chỉ đạt 0,5 đôi/giờ, trong khi đó ở Trung Quốc đạt 1,2 - 1,5 đôi/giờ và năng suất lao động của họ đang được cải thiện rất tốt", bà Phan Thị Thanh Xuân nói.
Với việc ngành da giày dùng nhiều lao động và năng suất thấp như vậy đã có ý kiến cho rằng cần sử dụng thêm ứng dụng khoa học công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại.
Tuy nhiên, bà Xuân cho rằng, ngành thời trang có đặc thù nên khó có thể áp dụng được máy móc thiết bị thay thế con người.
"Sự thay đổi về thời trang rất nhanh với việc 6 tháng ra một bộ sưu tập. Trong khi đó, 1 DN có thể sản xuất hàng trăm mã hàng khác nhau. Do vậy, việc ứng dụng máy móc, thiết bị, công nghệ trong ngành này thời trang không phải là dễ. Ngành thời trang không thể dùng robot thay con người. Lao động vô cùng quan trọng đối với ngành này. Không chỉ tại Việt Nam, nhiều nước khác cũng sử dụng nhiều lao động trong ngành thời trang. Vì yếu tố con người tạo nên giá trị sản phẩm", bà Xuân chia sẻ.
Ủng hộ tăng 100 giờ làm thêm cho 5 ngành đặc biệt
Cho rằngViệt Nam có năng suất lao động chưa cao, lương tăng nhanh hơn năng suất lao động, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội ủng hộ nâng giờ làm thêm nhưng chỉ tăng 100 giờ làm thêm đối với 5 ngành đặc biệt được quy định tại Điều 107. Theo ông, không nên bàn giảm 48 giờ xuống còn 44 giờ làm việc/tuần.
"Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đánh giá, về cơ bản dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) lần này không có một điều, 1 điểm nào trái với các tiêu chuẩn lao động quốc tế và công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, thậm chí cả hai công ước chưa ký kết. Do vậy, dự thảo được ILO đánh giá cao", ông Bùi Sỹ Lợi cho biết.
Tổng kết 240 điều của dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), có 10 điểm có lợi cho NLĐ, chỉ có 6 điều có lợi cho người sử dụng lao động. Nếu đáp ứng được yêu cầu này thì chúng ta đảm bảo được quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, chủ - thợ bằng nhau. Chúng ta phải phấn đấu để chủ - thợ gắn bó với nhau như răng với môi và NLĐ phải bảo vệ người chủ sử dụng lao động.
Đồng quan điểm, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, những lĩnh vực như thủy sản, chế biến nông sản có tính mùa vụ không thể để nông sản, thủy sản chờ thời gian làm việc bình thường để làm, bắt buộc phải chế biến ngay. Ngoài ra, người lao động cũng muốn tăng giờ làm thêm và sẵn sàng làm thêm để tăng thêm thu nhập.
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14/8 thảo luận về vấn đề mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa của người lao động và cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, "giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ, mong muốn của chúng ta, ta chưa làm được sao còn tính tăng giờ làm thêm. Xã hội tiến bộ, phát triển văn minh mà chúng ta ngồi đây bàn tăng thời gian làm thêm cho người lao động thì phải cân nhắ".
Bà băn khoăn liệu người lao động làm thêm giờ có thực sự được hưởng lương làm thêm giờ như luật quy định hay không. Bởi đa số doanh nghiệp trả lương cho người lao động theo sản phẩm, nên dù người lao động làm thêm giờ, họ cũng không được trả theo giá trị làm thêm.
Trong khi đó, doanh nghiệp muốn tăng đơn hàng, tăng doanh thu nhưng lại không muốn tăng thêm chi phí đầu tư cho mở rộng sản xuất và chi phí thuê thêm người lao động. Như vậy là bóc lột người lao động.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh người lao động luôn ở thế yếu. Cả thế giới này đều đấu tranh để tăng lương, giảm giờ làm, nâng cao đời sống người lao động cả về vật chất và tinh thần. Còn người sử dụng lao động thì luôn muốn tranh thủ, tận dụng người lao động.
Nguyệt Minh (Tổng hợp)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá ngoại tệ ngày 26/12: Tỷ giá đồng USD và NDT biến động cùng chiều
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao
Cột tin quảng cáo