Doanh nghiệp chạy đua đầu tư để hưởng lợi từ các FTA
Đơn hàng nhiều doanh nghiệp tăng mạnh
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Như Tùng - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP dệt may Thành Công (TCM) cho biết, các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết trong thời gian qua đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp trong việc tăng trưởng đơn hàng. Chỉ tính riêng tại thị trường EU, từ 2018 đến nay, số lượng đơn hàng của TCM đã tăng trưởng 60%.
Cũng tại thị trường EU, ông Nguyễn Chí Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Gia Định cho biết, so với năm 2018 số lượng đơn hàng từ Châu Âu cũng như giá trị đơn hàng của Gia Định đã tăng từ 25 đến 30%.
Không chỉ dệt may, da giày mà các doanh nghiệp trong ngành thủy sản, gỗ, nông sản… cũng đang nhận được những tín hiệu tích cực nhờ các FTA ký kết gần đây. Tuy nhiên, năng lực, quy mô của doanh nghiệp lại có hạn nên ở thời điểm này nhiều đơn vị đang nỗ lực đầu tư cho công nghệ, mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, chất lượng để đáp ứng những yêu cầu cao mà các FTA đưa ra.
“Để đáp ứng yêu cầu đơn hàng, hiện tại chúng tôi đã có những kế hoạch như mở rộng quy mô sản xuất, tăng dây chuyền để đáp ứng các đơn hàng từ phía Châu Âu" - ông Nguyễn Trí Trung chia sẻ.
Tương tự, ông Mai Văn Minh - Phó TGĐ Công ty CP kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn - cho biết, thời gian tới công ty sẽ đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại, thay đổi quy trình sản xuất để đáp ứng điều kiện mà các thị trường FTA yêu cầu.
Cần cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Có thể thấy, lợi ích mà các FTA mang lại cho doanh nghiệp Việt là rất lớn nhưng ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh - nhận định: Doanh nghiệp trong nước có tới hơn 90% doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ hoặc siêu nhỏ nên thường gặp khó khăn về vốn, mặt bằng sản xuất. Những điểm yếu này khiến việc khai thác các lợi thế xuất khẩu từ các FTA của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Bởi dù thuế suất có thể giảm về 0% nhưng không phải doanh nghiệp muốn sản xuất sản phẩm gì cũng có thể bán được mà cần tìm hiểu thị trường đối tác trong FTA để sản xuất sản phẩm phù hợp.
Về vấn đề này, ông Phan Hải - Giám đốc Công ty giày BQ thừa nhận, BQ là doanh nghiệp nhỏ, nên vấn đề đầu tư trang thiết bị theo tiêu chuẩn của các đối tác nhập khẩu là vô cùng khó. Thứ hai là nguồn nguyên liệu còn phải phụ thuộc. Các doanh nghiệp quy mô nhỏ chưa được sự hỗ trợ cụ thể từ hiệp hội, nhà nước là chưa đủ. Một vấn đề nữa là việc liên kết giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ với nhau vẫn còn chưa đủ chắc chắn. Chính vì vậy để doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được các cơ hội từ hiệp định thương mại là không dễ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Thái - Giám đốc công ty TNHH Sản xuất Thương mại giày Uy Thái - cho hay, nội việc tìm mua vật tư từ nước ngoài đã khó, việc xuất khẩu càng khó hơn. Muốn xuất khẩu cần có nguồn vật tư dồi dào và chất lượng, chúng tôi rất khó tiếp cận các nguồn vật tư, tài chính cũng vậy. Nếu xuất khẩu tự cá nhân doanh nghiệp đưa sản phẩm của mình ra nước ngoài cũng rất khó khăn và mất rất nhiều thời gian. “Chúng tôi rất cần những công ty lớn đại diện, hoặc hiệp hội hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong vấn đề này” - ông Thái bày tỏ.
Theo các chuyên gia, để doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận và hưởng lợi từ các FTA, về chính sách quản lý vĩ mô, Nhà nước cần sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn việc thực hiện các FTA cụ thể nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp có căn cứ xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.
Ông Trần Như Tùng - Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP dệt may Thành Công:
Khi một hiệp định thông qua, không đơn thuần là cơ hội mà có những yêu cầu cao hơn về điều kiện làm việc, cách quản trị của doanh nghiệp cũng như những cam kết cao hơn. Vì thế các doanh nghiệp Việt phải nỗ lực cải thiện đầu tư nhiều hơn về máy móc thiết bị con người thì mới có cơ hội tăng trưởng xuất khẩu vào những thị trường mà Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại.
Theo Ngọc Thảo/Công thương
loading...
End of content
Không có tin nào tiếp theo