Thị trường

Doanh nghiệp FDI "khát" nhân lực chất lượng cao

DNVN - Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) bày tỏ lo ngại trước việc thiếu cục bộ lực lượng lao động có kỹ năng nghề, nhân lực chất lượng cao để phục hồi và mở rộng sản xuất - kinh doanh, nhất là trong các ngành công nghiệp.

Công ty xe điện Pega nợ hàng tỷ đồng bảo hiểm, quyền lợi người lao động bị ảnh hưởng / Ngân hàng Agribank nợ đóng bảo hiểm xã hội cho 1250 lao động

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài luôn cần nguồn nhân lực chất lượng cao để ứng dụng công nghệ mới.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ lo ngại trước việc thiếu cục bộ lực lượng lao động có kỹ năng nghề để phục hồi và mở rộng sản xuất - kinh doanh, nhất là trong các ngành công nghiệp.

Điều này thể hiện ở số lượng lao động có trình độ kỹ năng nghề cao còn ít, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường lao động.

Cùng với đó, năng lực cạnh tranh quốc gia còn thấp, chưa tận dụng được hết cơ hội của thời kỳ dân số vàng để thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lo ngại thiếu cục bộ lao động có kỹ năng.

Theo Báo cáo Tổng chỉ số lao động Việt Nam 2022 (Total Workforce Index 2022), lao động có kỹ năng tay nghề cao của Việt Nam hiện chỉ đạt khoảng 11,6%.

Đây là một điểm yếu của lao động Việt Nam khi so sánh với các thị trường khác trong khu vực ASEAN. Tỷ lệ lao động tay nghề cao của Thái Lan khoảng 15%, Philippines là 18,5%, Malaysia là 28,24%...

Nếu không cải thiện tình trạng này, Việt Nam sẽ mất dần sức hấp dẫn thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.

“Trình độ kỹ năng thấp chính là một trong những yếu tố khiến Việt Nam hiện là một trong những nước có năng suất lao động thấp nhất khu vực, làm giảm hiệu suất công nghiệp và khả năng cạnh tranh của đất nước trong bối cảnh hội nhập toàn cầu”, ông Dung nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thị trường lao động Việt Nam đang tồn tại tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế. Đáng chú ý, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.

Dự báo của Tổng cục Thống kê cho biết, đến năm 2038, nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm trên 20% tổng dân số. Già hóa dân số nhanh sẽ tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có vấn đề quan trọng, như thị trường lao động, an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi...

“Trong năm 2023, tình trạng thiếu lao động cục bộ vẫn kéo dài trong quý I và quý II. Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, nhưng tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt 26,1%; cơ cấu lao động phần lớn có kỹ năng hạn chế, thu nhập thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và thị trường”, ông Dung cho biết.

Trước thực trạng này, theo ông Dung, chuyển đổi nhân lực là yếu tố quan trọng thúc đẩy xu hướng chuyển đổi số và thiết lập thị trường việc làm bền vững, từ đó thu hút thêm các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, phải đưa ra giải pháp đào tạo mới, đào tạo lại lực lượng lao động, đặc biệt là đào tạo đội ngũ có chất lượng - những người có kỹ năng cao đủ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm