Doanh nghiệp kiến trúc cần làm gì để xây dựng thương hiệu?
DNVN - Lĩnh vực kiến trúc, thiết kế, xây dựng Việt Nam được cho là có nhiều tiềm năng nhưng bản thân nhiều cá nhân hay đơn vị trong ngành chưa ý thức được tầm quan trọng việc làm thương hiệu nổi bật để thu hút khách hàng, từ đó trực tiếp thúc đẩy doanh số, tăng trưởng kinh doanh.
Chính sách kinh tế mới hiệu lực từ tháng 3/2023 / Giá nông sản ngày 27/2/2023: Cà phê và tiêu trụ vững ở mức cao
Nhiều doanh nghiệp chưa "mặn mà"
Tại tọa đàm “Đặt gạch xây thương hiệu cho kiến trúc sư Việt” do Tổ chức Giải thưởng châu Á (AAO) và Vietnam Design & Build Center tổ chức ngày 26/2 tại Hà Nội, ông Dylan Yip - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Chiến lược AAO cho biết, năm 2023 là một năm khó khăn với tất cả các lĩnh vực, ngành hàng. Lĩnh vực kiến trúc, thiết kế, xây dựng Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.
Năm 2023, lĩnh vực kiến trúc, thiết kế, xây dựng Việt Nam dự báo đối mặt với tình trạng nhu cầu xây dựng thấp, cạnh tranh cao cả với các đối thủ nội và ngoại… buộc các doanh nghiệp phải tìm định hướng phát triển mới.
Trong khi đó, bản thân nhiều cá nhân hay đơn vị trong ngành chưa ý thức được tầm quan trọng trong việc làm thương hiệu nổi bật để thu hút khách hàng, từ đó trực tiếp thúc đẩy doanh số, tăng trưởng kinh doanh.
Theo ông Dylan Yip - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Chiến lược AAO, nhiều cá nhân hay đơn vị trong ngành kiến trúc chưa ý thức được tầm quan trọng của việc làm thương hiệu.
Có ý kiến cho rằng, những người kiến trúc sư, nhà thiết kế nội thất… là những người làm nghề, quan tâm đến chất lượng công trình hơn là làm tên tuổi cho mình, cho công ty hay chính công trình đó. Cũng bởi vậy, tạo ra tình trạng: kiến trúc sư Việt “xây nhà người thì giỏi, làm thương hiệu mình thì dở”.
Nêu câu hỏi "xây dựng thương hiệu để làm gì?", ông Nguyễn Tiến Huy - CEO Pencil Group cho biết, với ông, xây dựng thương hiệu để được lựa chọn khách hàng.
"Càng có thêm sự lựa chọn thì cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn. Khách hàng có nhu cầu không giống nhau: người làm hoàn toàn vì tiền, người làm vì danh tiếng, nhưng có người lại làm để thỏa mãn đam mê sáng tạo. Làm sao để thỏa mãn tệp khách hàng, qua đó mang lại sự bền vững về doanh thu và gìn giữ sự đam mê cho kiến trúc sư (KTS) và nhà thiết kế? Điều này cần thương hiệu", CEO Pencil Group nhấn mạnh.
KTS Tan Quee Peng - Tổng Giám đốc RSP Việt Nam, cố vấn chuyên môn của Tổ chức Giải thưởng châu Á chia sẻ, đằng sau mỗi một sản phẩm, mỗi một thiết kế đều có một câu chuyện độc đáo.
"Vậy, tại sao các KTS, nhà thiết kế không chia sẻ những câu chuyện này và tạo ra dấu ấn thương hiệu cho chính cá nhân và doanh nghiệp mình? Xây dựng thương hiệu không chỉ thể hiện kinh nghiệm, chuyên môn, kiến thức để tạo ra sự khác biệt mà còn giúp họ lan tỏa những giá trị thúc đẩy trực tiếp sự phát triển của ngành kiến trúc – xây dựng tại Việt Nam”, ông Tan Quee Peng nhấn mạnh.
Làm thương hiệu cách nào?
Ông Gianfranco Bianchi - CEO Italian Atelier cho biết, là người đứng đầu doanh nghiệp, ông luôn trăn trở câu hỏi "Làm sao để khách hàng phân biệt được một nhà buôn và một đại lý thương hiệu nội thất cao cấp? Làm sao để khi nhắc tới Italian Atelier, khách hàng sẽ biết ngay mình là ai, cung cấp sản phẩm gì? Tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu nằm chính ở đây".
Có nhiều nhãn hàng sử dụng người nổi tiếng làm đại sứ thương hiệu, các KOLs có thể giúp công chúng dễ dàng nhận diện được thương hiệu của doanh nghiệp. Đây là cách marketing thường thấy nhưng khó áp dụng trong ngành kiến trúc, thiết kế. Lý do là khách hàng đến với công ty, đến với kiến trúc sư đó nhờ tài năng, sự uy tín. Chính KTS, nhà thiết kế là gương mặt đại diện cho thương hiệu mà không cần KOL nào cả.
Ông Gianfranco Bianchi - CEO Italian Atelier cho rằng, nhà thiết kế là gương mặt đại diện cho thương hiệu.
Từ kinh nghiệm thực tế, CEO Italian Atelier chia sẻ, để có thể thâm nhập vào thị trường, doanh nghiệp phải có chiến lược riêng của mình. Theo đó, phải xây dựng thương hiệu cá nhân cho lãnh đạo doanh nghiệp. Song song với đó là giải quyết những thách thức khác của thị trường.
"Trong nghiên cứu điển hình của tôi, những thách thức phụ thuộc rất nhiều vào cách chúng tôi thực hiện tiếp thị và truyền thông tại Việt Nam. Xây dựng thương hiệu cá nhân là một công cụ quan trọng trong việc thành lập công ty của chúng tôi tại Việt Nam", ông Gianfranco Bianchi nói.
Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành kiến trúc với rất nhiều các dự án khắp châu Á, ông Tan Quee Peng - Tổng Giám đốc RSP Việt Nam cho rằng, để nhanh chóng có được sự hiện diện cho các công ty thiết kế kiến trúc, doanh nghiệp cần thu hút sự chú ý từ các phương tiện truyền thông đại chúng. Truyền thông cần những câu chuyện để tiếp cận với nhiều khán giả hơn. Các công ty có thể tận dụng lợi thế của việc thu hút sự quan tâm của giới truyền thông đối với câu chuyện của họ, đặc biệt là những câu chuyện thành công.
Ngoài ra, giành được giải thưởng là một trong những cách nhanh nhất để thu hút sự quan tâm của giới truyền thông.
Theo ông Nguyễn Tiến Huy - CEO của Pencil Group, các kiến trúc sư cần bước ra ngoài và chủ động quảng bá thương hiệu cá nhân bằng nhiều hình thức khác nhau. Những việc đó có thể là tham gia các cuộc thi, thực hiện dự án xã hội, tham gia chia sẻ trong nhiều sự kiện, tích cực sáng tạo nội dung trên truyền thông xã hội…
Ông Nguyễn Tiến Huy - CEO của Pencil Group khuyên các KTS chủ động xây dựng thương hiệu theo nhiều cách.
Việc làm thương hiệu được thể hiện qua mô hình "HOWARD". Theo đó, cần làm theo thứ tự của 6 chữ cái: Hear the market (lắng nghe thị trường), Own a positioning (định vị cá nhân), Work to show - (Thể hiện qua công việc - kết quả của định vị), Award aiming (hướng tới đạt giải thưởng), Reach right audience (tiếp cận đúng đối tượng) và Digital Funnel (kênh kỹ thuật số).
Nhấn mạnh làm thương hiệu trên mạng xã hội, bà Nguyễn Anh Trang - Giám đốc Sáng tạo MVV SNP cho biết, mạng xã hội phát triển, có quá nhiều sự lựa chọn cho như Facebook, Instagram, Zalo, Tiktok, Linkedin, Twitter…
"Câu hỏi là liệu chúng ta chọn 1 hay nhiều nền tảng? Có mặt ở khắp mọi nơi hay chỉ tập trung trên 1 nền tảng? Nếu doanh nghiệp khi làm truyền thông cũng phải xác định chiến lược kênh của mình thì không có lý do gì, KTS, nhà thiết kế làm truyền thông thương hiệu cá nhân mà không có chiến lược kênh cho bản thân", bà Nguyễn Anh Trang nêu.
Bà Nguyễn Anh Trang - Giám đốc Sáng tạo MVV SNP đưa ra nhiều khuyến nghị khi xây dựng thương hiệu qua mạng xã hội.
Tuy nhiên, chuyên gia lưu ý, dù là dùng nền tảng nào thì hình ảnh của bạn cũng phải "trước sau như một", đừng trở thành 1 nghệ sỹ đầy chiêm nghiệm trên Instagram nhưng lại lên Tiktok làm clip hài nhảm. Dù bạn có thể có nhiều tương tác nhưng chưa chắc điều đó đã tốt trong thời gian dài cho doanh nghiệp. Rất nhiều người xem sẽ nhìn nhận bạn là người mua vui, người ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực giải trí chứ không phải là đối tác uy tín tiềm năng.
"Các nội dung được đưa trên mạng xã hội nên được chia theo tỷ lệ vàng 60/40. Trong đó, 60 dành cho cá nhân và 40 thuộc về công việc. Bên cạnh đó, các kiến trúc sư nên ưu tiên nội dung dưới dạng hình ảnh và video để thu hút công chúng, thay vì chỉ viết nội dung", chuyên gia khuyến nghị.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo