Chuyên gia: Lãi suất cho vay sẽ giảm trong thời gian tới
Siết chặt kiểm soát gia cầm nhập lậu từ Campuchia / Bán bảo hiểm "đẻ trứng vàng": Thu lợi nghìn tỷ, ngân hàng "ép" khách
Tăng trưởng - lạm phát - tỷ giá được ví như bộ 3 bất khả thi trong lý thuyết kinh tế, tức là cùng lúc chỉ có thể đạt được 2/3 mục tiêu này, không thể đạt được cả 3.
Do đó, bối cảnh toàn cầu hiện đang chịu áp lực ở cả 3 phía: tăng trưởng - lạm phát và tỷ giá, đang đặt ra áp lực không nhỏ với Việt Nam, đặc biệt là một chính sách tiền tệ đủ linh hoạt, hài hòa giữa ổn định và tăng trưởng.
Tuần qua, thị trường vốn và tài chính đặc biệt nóng lên với các hội nghị do người đứng đầu Chính phủ chủ trì. Trong đó, định hướng chính sách tiền tệ linh hoạt, hỗ trợ được doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo ổn định vĩ mô đóng một vai trò then chốt.
"Qua 2 cuộc họp vừa qua, điểm tôi ấn tượng nhất là tinh thần cầu thị của Chính phủ cũng như các bộ, ban, ngành. Thời điểm hiện tại, Chính phủ đã nhận diện được những rủi ro của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023, nó liên quan đến những yếu tố như thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hay những cơn gió ngược đến từ rủi ro suy thoái kinh tế bên ngoài.
Chính phủ cũng đã tìm ra những giải pháp cố gắng khắc phục vấn đề, như liên quan đến chính sách tài khóa thì thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Về chính sách tiền tệ, mới đây tôi hết sức ấn tượng với gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng mà Ngân hàng Nhà nước công bố, dành cho phân khúc nhà ở xã hội", ông Trần Đức Anh, Giám đốc vĩ mô và Chiến lược đầu tư của Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam, nhận định.
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đã được 4 ngân hàng thương mại nhà nước cam kết cho lĩnh vực xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, với lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà, thấp hơn từ 1,5 - 2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.
Đánh giá về tác động của gói 120.000 tỷ đồng, ông Đức Anh cho rằng: "Vấn đề nguồn vốn là vấn đề then chốt đối với thị trường bất động sản ở thời điểm hiện tại, vì vậy gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội đã đánh trúng vào điểm nghẽn mà chúng ta cần khơi thông để hỗ trợ ngành bất động sản".
Lãi suất huy động của các ngân hàng tiếp tục ghi nhận xu hướng giảm. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
Hạ lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế trong một số phân khúc ưu tiên còn được kỳ vọng sẽ giúp hạ nhiệt mặt bằng lãi suất chung.
Thực tế cho thấy, lãi suất huy động của các ngân hàng tiếp tục ghi nhận xu hướng giảm, hiện lãi suất huy động đang đồng loạt giảm khá mạnh với mức giảm khoảng 1 - 2%/năm so với giai đoạn cao điểm.
Đáng chú ý, sự thay đổi diễn ra không chỉ nhóm ngân hàng tư nhân mà cả ở cả nhóm ngân hàng quốc doanh. Lãi suất tiết kiệm gửi trực tuyến cũng giảm về bằng mức niêm yết tại quầy. Theo MBS, hiện lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại niêm yết cao nhất là khoảng 9,45%/ năm.
"Mức lãi suất 15 - 17%/năm là quá sức chịu đựng của doanh nghiệp, đến thời điểm hiện tại, có những tín hiệu tích cực về thanh khoản hệ thống ngân hàng, chúng ta thấy lãi suất liên ngân hàng đã giảm rất mạnh. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái mua vào dự trữ ngoại hối ước tính lên đến 3 tỷ USD. Sau giai đoạn dài duy trì nền lãi suất huy động cao, bản thân các ngân hàng cũng đã huy động được lượng vốn tương đối lớn. Tổng hợp những yếu tố như vậy có thể nói trạng thái thanh khoản các ngân hàng hiện tại đã qua giai đoạn căng thẳng nhất và giúp cho lãi suất huy động giảm rất nhanh trong thời gian qua", ông Đức Anh cho biết.
Cũng theo ông Đức Anh, lãi suất cho vay sẽ có độ trễ nhất định vì phụ thuộc vào cung cầu vốn; thứ hai là phụ thuộc vào nhu cầu của các ngân hàng thương mại khi họ thấy rủi ro tín dụng cao, có thể họ yêu cầu NIM chênh lệch huy động cao để có dư địa, sau đó họ trích lập dự phòng.
"Xét về cung cầu vốn, nhu cầu vốn kinh tế trong năm nay sẽ không quá cao vì chúng ta đang đối phó với nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu suy yếu, nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng ảnh hưởng… nên chúng tôi cho rằng nhu cầu vốn trong nước sẽ không quá cao. Trong khi đó, nguồn cung của vốn tín dụng vẫn được tăng trưởng khoảng 14 - 15%, mức ổn định theo đề xuất của Ngân hàng Nhà nước. Với việc cân bằng cung cầu như vậy, lãi suất huy động đang có sự giảm nhanh, tôi tin lãi suất cho vay sẽ giảm trong thời gian tới", ông Đức Anh nhận định.
Chính sách tiền tệ linh hoạt, hỗ trợ tăng trưởng
Liên quan tới diễn biến lãi suất, thực tế, cũng có không ít quan điểm trái chiều ở thời điểm này về việc nới lỏng hay thắt chặt chính sách tiền tệ. Một số ý kiến cho rằng một số tín hiệu từ hệ thống ngân hàng giai đoạn vừa qua cho thấy xu hướng chính sách tiền tệ nới lỏng hơn.
"Lãi suất huy động có chiều hướng giảm lại. Trên thị trường mở, có thể đến tháng 2, mức mua ròng của Ngân hàng Nhà nước lên đến hơn 3,3 tỷ USD, có nghĩa là so với năm trước, Ngân hàng Nhà nước đã có hành động mua vào. Khi mua vào để tăng dự trữ ngoại hối lên, có một lượng tiền đồng tung ra thị trường, mở đầu cho sự nới lỏng hơn. Đấy là tín hiệu tích cực đối với dòng tiền chảy vào thị trường", ông Lưu Chí Kháng, Trưởng phòng tự doanh, Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, đánh giá.
Tuy nhiên ngược lại, áp lực tỷ giá hay lạm phát thế giới vẫn luôn tiềm ẩn.
"Xăng dầu, lương thực thực phẩm có xu hướng xuống, nhưng cả thế giới hiện nay không chỉ Mỹ, châu Âu, châu Á và Việt Nam, lạm phát cơ bản mới là vấn đề, nên tôi nghĩ lạm phát sẽ giảm từ từ và không thể tránh khỏi có thời điểm nó lại tăng trưởng lại, gây ra mối lo ngại nhất định cho thị trường", ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng, Trưởng ban Đào tạo Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI, cho biết.
"Khi mình muốn nới lỏng, tức bơm tiền ra, trong khi Mỹ lại thắt chặt, sẽ gây áp lực lên tỷ giá. Tỷ giá đã có lúc chạm 24.000 đồng/USD, tăng khá mạnh, thì rất có thể có hiện tượng nước ngoài sẽ rút ròng ra khỏi Việt Nam", ông Phan Linh, CEO Take Profit, nhận định.
Vì vậy, nới lỏng hay thắt chặt, sự linh hoạt trong từng thời điểm sẽ đóng vai trò then chốt trong hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế trong năm nay.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh