Thị trường

Doanh nghiệp kỳ vọng sớm giảm lãi suất cho vay

Lần đầu tiên trong 2 năm, NHNN giảm các mức lãi suất điều hành từ 0,5 - 1 điểm % nhằm kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Vận tải biển tiếp tục khởi sắc / Đơn hàng giảm, sản xuất công nghiệp Bắc Ninh lao dốc

Giảm từ 0,5 - 1%/năm các mức lãi suất

Bắt đầu từ 15/3, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức giảm lãi suất điều hành. Đây là lần đầu tiên trong vòng 2 năm cơ quan này quyết định hạ lãi suất nhằm hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.

4 mức lãi suất được điều chỉnh giảm. Đó là lãi suất tái chiết khấu,lãi suất cho vayqua đêm đồng loạt giảm 1 điểm %. Khi các ngân hàng thương mại nếu cần vốn có thể tới Ngân hàng Nhà nước để vay với mức lãi suất thấp hơn.

Đồng thời, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa với các lĩnh vực ưu tiên, các khoản vay ngắn hạn qua quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô giảm thêm 0,5 điểm %.

Doanh nghiệp kỳ vọng sớm giảm lãi suất cho vay - Ảnh 1.

22 ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay bình quân, với mức giảm khoảng 0,4%/năm trong tháng 2. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Lý giải cho quyết định giảm lãi suất vào thời điểm này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết đã cân đối dựa trên các yếu tố kinh tế trong nước và thế giới, đặc biệt là câu chuyện về lạm phát.

Mặc dù lạm phát trong nước tiếp tục duy trì ở mức cao, nhưng đã có xu hướng chậm lại. Chỉ số giá tiêu dùng CPI so với cùng kỳ đã giảm từ 4,89% trong tháng 1 xuống 4,31% trong tháng 2.

"Mặc dù còn nhiều khó khăn do tác động của chính sách tiền tệ, chính sách lãi suất của các nước, cả ở Mỹ hiện nay, nhưng do những chính sách hiệu quả, tích cực của Chính phủ một cách đồng bộ, chúng tôi thấy rằng thời điểm này linh động điều hành lãi suất, trước hết là hạ lãi suất điều hành 1%. Đây là một trong những hoạt động tạo thông điệp cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay", Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhận định.

Kỳ vọng sớm giảm lãi suất cho vay

Như Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, việc giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ, qua đó hướng tới giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Đây cũng là mong muốn của nhiều doanh nghiệp.

 

Với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đây là thông tin khá tích cực. Việc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành dù chưa tác động ngay, nhưng cũng là cơ sở để doanh nghiệp kỳ vọng các ngân hàng thương mại sẽ giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới.

Công ty Xuất nhập khẩu Mây tre đan Đoàn Kết 1 thường xuyên phải sử dụng vốn vay ngân hàng và cũng thuộc lĩnh vực ưu tiên nên việc có thể giảm lãi suất cho vay sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, thúc sản xuất kinh doanh.

Từ đầu năm đến nay, đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp này đã giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022. Giá nguyên, vật liệu đầu vào cũng đang có xu hướng tăng. Do vậy, nếu trong thời gian tới lãi suất vay giảm sẽ giúp doanh nghiệp bớt được áp lực chi phí sản xuất.

"Hiện nay doanh nghiệp chúng tôi đang phải vay một lượng vốn lớn từ ngân hàng, với lãi suất trên chục %. Trong thời gian tới được giảm lãi suất, chúng tôi rất phấn khởi, để chúng tôi lấy đồng tiền đó để tái tạo, phục hồi sản xuất", ông Bùi Đắc Lập, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Mây tre đan Đoàn Kết 1, cho hay.

"Khi có tín hiệu về lãi suất hạ thì có tín hiệu tích cực, một là chi phí đi vay rẻ hơn, hai là người ta có thể tận dụng nhiều hơn vốn từ ngân hàng. Vì hoạt động không chỉ đơn giản là việc đầu tư vào sản xuất kinh doanh dài hạn, mà họ còn phải cơ cấu cả tỷ lệ vay nợ trên tổng nguồn vốn vay của doanh nghiệp", ông Nguyễn Kim Hùng, Viện trưởng Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp và kinh tế số Việt Nam, đánh giá.

 

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, 22 ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay bình quân, với mức giảm khoảng 0,4%/năm trong tháng 2. Nếu trong thời gian tới, lãi suất cho vay tiếp tục được giảm thêm sẽ là bệ đỡ cho các doanh nghiệp trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay.

Một số ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất huy động

Ngay sau quyết định của Ngân hàng Nhà nước vào chiều 14/3, ngày 15/3, 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đã đi đầu bằng việc tiếp tục giảm thêm 0,2% lãi suất huy động với các khoản tiền gửi 12 tháng, xuống còn 7,2%/năm.

Trước đó, từ 6/3, nhóm này cũng đã giảm 0,2%/năm tiền gửi kỳ hạn 6 và 12 tháng. Các ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng đồng thuận giảm thêm 0,5%. Với động thái lần này của Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng thương mại cũng đang tính toán các phương án, cố gắng tiết giảm chi phí, để việc giảm lãi suất cho vay được thực chất, tới được tay các doanh nghiệp cần hỗ trợ.

Có hơn 30.000 tỷ đồng dư nợ đang cho vay các lĩnh vực ưu tiên, Vietcombank đang lên kế hoạch để giảm trực tiếp lãi suất cho các khoản vay mới theo đúng quy định.

 

"Ngay lập tức sẽ rà soát, ban hành lại các quy định về các mức lãi suất huy động và trần lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên. Khi mặt bằng lãi suất nhích xuống thì sẽ kích thích cầu tín dụng", ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, cho biết.

Doanh nghiệp kỳ vọng sớm giảm lãi suất cho vay - Ảnh 2.

Nhiều ngân hàng thương mại đang tính toán các phương án để việc giảm lãi suất cho vay được thực chất. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Không chỉ cho lĩnh vực ưu tiên, động thái giảm lãi suất lần này cũng được nhận định có thể lan tỏa tới nhiều nhóm ngành khác, kể cả bất động sản, nhất là đối với các dự án có phương án vay vốn khả thi, đáp ứng nhu cầu thực của người dân theo đúng tinh thần của Nghị quyết 33 của Chính phủ. Đến đầu tháng 3, tín dụng tăng khá chậm, mới chỉ 1,1%. Nếu mặt bằng lãi suất được kéo giảm, sẽ kích thích nhu cầu vốn cho đầu tư, chi tiêu.

"Động thái này sẽ thúc đẩy xu hướng hạ lãi suất. Giảm lãi suất cho vay sẽ hỗ trợ doanh nghiệp về khả năng thanh toán và tăng khả năng hoàn trả khoản vay cho ngân hàng. Kể cả trong tình hình kinh tế vĩ mô như hiện nay, bước đi này cũng là hợp lý. Việt Nam sẽ có lợi thế khi cho thấy được sự ổn định trong bối cảnh thị trường nhiều biến động, điều này sẽ đảm bảo sự tăng trưởng trong 3 - 5 năm tới", ông Dmytro Kolechko, Giám đốc Khối quản trị rủi ro, VPBank, đánh giá.

Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến nghị, chính sách lãi suất, tiền tệ vẫn cần có sự phối hợp đồng bộ với các chính sách khác để giúp khơi thông dòng vốn trên thị trường, có như vậy mới đảm bảo đồng thời cả mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.

 

"Cần phối hợp tốt hơn chính sách tài khóa và tiền tệ để đảm bảo mặt bằng lãi suất ổn định và giảm như kỳ vọng. Thứ ba là Chính phủ chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là rào cản pháp lý với bất động sản, đất đai, xây dựng, đấu thầu, nó làm tăng chi phí, trong đó có cả chi phí cơ hội cho doanh nghiệp và người dân", ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia, nhận định.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng lưu ý không thể chủ quan với lạm phát vì đỉnh lạm phát phải chờ hết quý I mới hạ nhiệt.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để tiếp tục điều chỉnh các mức lãi suất điều hành, qua đó góp phần thực hiện chủ trương giảm lãi suất cho vay, theo đúng chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi điều kiện thị trường thuận lợi

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm