Thị trường

Doanh nghiệp phân bón tìm giải pháp tăng xuất khẩu khi nguồn cung dư thừa

Với nguồn cung nhiều loại phân bón như đạm ure, supe lân đều đang dư thừa so với nhu cầu tiêu thụ trong nước, các doanh nghiệp sản xuất phân bón đang triển khai nhiều giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu để tăng tiêu thụ, đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Định vị thương hiệu, nâng tầm nông sản Việt / Tạo lập thị trường nhà ở thương mại vừa túi tiền tại Việt Nam

Đóng bao phân đạm trên dây chuyền hiện đại tại Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau. Ảnh tư liệu: Huỳnh Thế Anh/TTXVN

Nguồn cung phân bón trong nước dư thừa

Theo ông Phùng Hà - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam, hiện năng lực sản xuất ure của 4 nhà máy trong nước gồm Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ (thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam); Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) đã đạt khoảng 3 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu về ure cho sản xuất nông nghiệp trong nước chỉ khoảng 1,6 đến 1,8 triệu tấn/năm. Vì vậy, đến thời điểm này, nguồn cung phân ure trong nước đã vượt xa nhu cầu.

Tương tự như vậy, hiện tổng công suất sản xuất phân bón supe lân của Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Công ty cổ phần Phân bón miền Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam); Supe lân Apromaco Lào Cai thuộc Công ty Vật tư nông sản đạt khoảng 1,5 -1,6 triệu tấn/năm. Thêm vào đó, sản lượng phân lân nung chảy của 3 nhà máy phân lân (Văn Điển, Ninh Bình, Lào Cai) khoảng hơn 600.000 tấn/năm. Vì vậy, tổng sản lượng supe lân và lân nung trong nước đạt hơn 2 triệu tấn/năm. Trong khi đó, theo thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, nhu cầu phân supe lân sử dụng trực tiếp ở mức 500.000 tấn/năm, lượng supe lân nguyên liệu cho sản xuất phân bón tổng hợp NPK khoảng 600.000 tấn/năm. Vì vậy, năng lực sản xuất phân bón supe lân đang dư thừa tới hàng triệu tấn/năm.

Với hiện trạng sản xuất trong nước như vậy, việc có các chính sách phù hợp hỗ trợ để thúc đẩy xuất khẩu phân bón là cần thiết để các doanh nghiệp sản xuất phân ure cũng như phân lân hoạt động hiệu quả, tránh việc phải thu hẹp sản xuất vì cầu trong nước đang xuống mức khá thấp.

Kiến nghị giảm thuế xuất khẩu

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, với thực tế nguồn cung phân bón trong nước đã vượt nhu cầu, việc có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu là cần thiết. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp phân bón trong nước vẫn bị áp thuế xuất khẩu 5% khiến phân bón Việt khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng chủng loại của nước ngoài.

Thực tế cũng cho thấy việc xuất khẩu ure của Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt bởi nguồn ure từ một số quốc gia trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Brunei... nơi các nhà sản xuất không phải chịu thuế xuất khẩu 5%. Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng supe lân xuất khẩu của Việt Nam hiện kim ngạch rất nhỏ, trong đó năm 2022 chưa tới 100.000 tấn/năm.

Tháng 12/2023, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã có công văn gửi Bộ Tài chính về góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 26/2023/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, trong đó có kiến nghị áp thuế suất thuế xuất khẩu một số loại phân bón như ure, supe lân, SOP về 0%, thay vì mức 5% như hiện hành.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Ninh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc kiến nghị xem xét lại chính sách thuế để khuyến khích xuất khẩu ure và tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp phân bón trong nước và phân bón nhập khẩu.

Doanh nghiệp nỗ lực mở rộng thị trường

Theo Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, mã chứng khoán DCM), với nguồn cung phân ure trong nước vượt xa nhu cầu, doanh nghiệp tiếp tục triển khai các giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu; trong đó đẩy mạnh xuất khẩu phân bón vào các thị trường khó tính nhưng có giá cao như Australia, New Zealand bên cạnh thị trường quan trọng như Campuchia và châu Mỹ.

Tính đến hết năm 2023, sản phẩm phân bón Cà Mau của PVCFC đã có mặt tại hơn 18 nước trên thế giới. Năm 2023, sản lượng xuất khẩu phân bón của PVCFC đạt 344 nghìn tấn, chiếm khoảng 26% tổng sản lượng tiêu thụ, giá trị xuất khẩu đạt 136 triệu USD, chiếm khoảng 25% doanh thu các sản phẩm phân bón. Trong đó, Campuchia là thị trường xuất khẩu lớn nhất với sản lượng và giá trị xuất khẩu chiếm hơn 60%.

Trong khi đó, đại diện Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho biết, tại thời điểm hiện nay, sản phẩm supe lân Lâm Thao đang ưu tiên tiêu thụ gần như toàn bộ tại thị trường trong nước.

Tuy nhiên, Công ty vẫn mở rộng thị trường xuất khẩu để củng cố thương hiệu phân bón Lâm Thao tại thị trường truyền thống là Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Campuchia và Lào. Thời gian qua, Supe Lâm Thao đã chinh phục được thêm thị trường khó tính là Đài Loan (Trung Quốc), nơi nông nghiệp rất phát triển và đòi hỏi rất cao về chất lượng trong việc sử dụng phân bón.

Trong tháng 2 vừa qua, xuất khẩu phân bón đạt 164 nghìn tấn, trị giá 69,5 triệu USD, giảm 4% sản lượng so với tháng 1/2024. Theo đó, Apromaco là doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất với sản lượng đạt 47,3 nghìn tấn, tăng 27,8 nghìn tấn so với tháng 1/2024. PVCFC là doanh nghiệp xuất khẩu lớn thứ 2 với 43,4 nghìn tấn ure, tăng 36,9 nghìn tấn so với tháng 1. Tiếp đến là Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo, mã chứng khoán DPM) với 12 nghìn tấn ure, giảm 26,9 nghìn tấn so với tháng 1. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu phân bón đạt 335,3 nghìn tấn, tăng 35% về sản lượng và 22% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm