Thị trường

Doanh nghiệp sản xuất khẩu trang cũng lo ế

Người dân có nhu cầu rất lớn, thậm chí phải xếp hàng dài để chờ mua với số lượng hạn chế nhưng các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang lại đang lo lắng về đầu ra.

Các cơ sở kinh doanh tạm đóng cửa phòng dịch Covid-19, hàng ngàn nhân viên đi về đâu? / Cà phê Việt Nam giảm thị phần ở nước tiêu dùng lớn thứ 8 thế giới

Chiều ngày 17/3, Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp với các hiệp hội, doanh nghiệp để đánh giá năng lực sản xuất cũng như khả năng cung ứng khẩu trang ra thị trường trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp.

Lệch pha cung cầu

Hiện nay, Việt Nam có hơn 20 tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn, kháng nước, đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang lo ngại không bán được hàng (Ảnh: Internet)

Các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang lo ngại không bán được hàng (Ảnh: Internet)

Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, năng lực sản xuất khẩu trang của các doanh nghiệp dệt may hiện nay hoàn toàn có thể đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường, tuy nhiên nỗi lo về đầu ra cho sản phẩm khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.

Tương tự, ông Đào Văn Phương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty CP Dệt lụa Nam Định, cho biết năng lực của doanh nghiệp có thể sản xuất 10 triệu khẩu trang một tháng song doanh nghiệp rất lo lắng về đầu ra sản phẩm nên đề xuất Bộ Công Thương kết nối với doanh nghiệp phân phối.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sản lượng sản xuất vải của Việt Nam năm 2019 đạt 630 triệu m2 vải dệt từ sợi tự nhiên, 1.200 m2 vải dệt từ sợi nhân tạo, tổng cả 2 loại vải đạt 5 triệu m2/ngày. Nếu tính trung bình 1m2 sản xuất được 20 khẩu trang thì một ngày Việt Nam có thể sản xuất được lượng vải tương đương 100 triệu khẩu trang các loại (nếu tính giả định toàn bộ vải dùng để may khẩu trang).

Doanh nghiệp lo lắng về việc không tiêu thụ được khẩu trang nhưng thực tế tại nhiều điểm bán khẩu trang vải, nhiều người vẫn đang phải xếp hàng dài chờ mua với số lượng hạn chế.

 

Ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng nguyên nhân là do thiếu nhịp nhàng giữa cung, cầu, thiếu thông tin nhà cung ứng và điểm bán khẩu trang đạt tiêu chuẩn. Phần lớn doanh nghiệp dệt may trước đây không sản xuất khẩu trang, chủ yếu gia công theo đơn hàng, vì vậy họ không có kênh phân phối trong nước nên không biết sản xuất ra để bán cho ai.

Kiến nghị dùng ngân sách mua khẩu trang vải

Theo đó, Cục Công nghiệp đề xuất hai phương án: Chính phủ hỗ trợ kết nối và cung cấp thông tin để thị trường điều tiết; Chính phủ đặt hàng mua khẩu trang vải hoặc đảm bảo đầu ra cho doanh nghiệp sản xuất.

"Chính phủ và các bộ ngành dùng ngân sách nhà nước và địa phương cung ứng khẩu trang, bán cho dân. Sản xuất theo đơn đặt hàng và có kế hoạch sẽ thuận lợi hơn nhiều và người dân sẽ ưu tiên mua khẩu trang vải kháng khuẩn", ông nói.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, theo số liệu tổng hợp từ Saigon Co.opmart, Big C, Vincommerce (Vinmart, Vinmart+), BRG Retail, MM Mega Market dự kiến cung ứng ra thị trường từ ngày 15/3 - 31/3/2020 là trên 23.200.000 chiếc. Kế hoạch từ ngày 31/3 - 14/4 dự kiến sẽ cung ứng ra thị trường là 8.880.873 chiếc.

 

Vụ Thị trường trong nước cũng đề xuất, Chính phủ nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước để đặt hàng khẩu trang vải (khẩu trang vải kháng khuẩn, khẩu trang vải thường) từ các nhà sản xuất khẩu trang để các nhà sản xuất chủ động có kế hoạch tăng sản xuất và phân phối khẩu trang tới các hệ thống phân phối bán lẻ, giúp người dân có thể dễ dàng tiếp cận khẩu trang vải phòng chống dịch bệnh.

Trước đề xuất trên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ sẽ ghi nhận và tiếp thu các ý kiến của các doanh nghiệp dệt may và phân phối, đặc biệt trong việc kết nối cung cầu, đồng thời có báo cáo trình Chính phủ công tác hỗ trợ doanh nghiệp thời gian tới.

Để đảm bảo đầu ra cho các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang, Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị liên quan về vấn đề sản xuất và cung ứng mặt hàng khẩu trang nhằm tăng cường kết nối cung cầu giữa đơn vị phân phối là các trung tâm thương mại, siêu thị với các cơ sở sản xuất khẩu trang để đảm bảo hiệu quả của công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng thành lập Tổ công tác kết nối cung cầu với chức năng xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực để đảm bảo nguồn nguyên liệu và sản xuất khẩu trang vải; làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp phân phối lớn có hệ thống phân phối, siêu thị, bán lẻ trên địa bàn cả nước để tham gia vào chuỗi cung ứng khẩu trang...

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm