Doanh nghiệp thuỷ sản Cà Mau nỗ lực "kép" vượt khó mùa dịch
Khẩu trang Việt Nam chạy đua để giải cứu "cơn khát" của châu Âu / TP.HCM: Siết quản lý đầu tư phát triển và chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng
Doanh nghiệp chủ động phòng chống dịch
Đại dịch Covid-19 tác động về kinh tế-xã hội đối với nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Và doanh nghiệp là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng rõ rệt và nặng nề nhất.
Để ứng phó trước diễn biến phức tạp của dịch Covd-19, những ngày này, cùng với thực hiện nghiêm các quy định về công tác phòng chống dịch, giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang nỗ lực khắc phục những khó khăn nhằm duy trì sản xuất, hoàn thành các kế hoạch, chỉ tiêu năm 2020 và giữ chân người lao động.
Là một trong những doanh nghiệp thuỷ sản lớn của Cà Mau, những ngày này gần 3.000 công nhân lao động tại Công ty Cổ phần Chế biến và Dịch vụ Thủy sản Cà Mau (Cases) vẫn làm việc 2 ca/ngày, mỗi ca kéo dài từ 8 – 10 tiếng (tùy thời điểm tăng ca).
Công ty Cổ phần Chế biến và Dịch vụ Thủy sản Cà Mau (Cases) nỗ lực duy trì sản xuất trong bối cảnh dịch Covid-19.
Ông Lê Quang Khánh - Phó TGĐ Công ty Cases cho biết, mặc dù số lượng đơn hàng giảm khoảng 50% do thị trường châu Âu và Mỹ tạm ngưng nhập khẩu các mặt hàng thủy sản do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng Công ty Cases vẫn duy trì hoạt động bình thường.
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, cán bộ, nhân viên, công nhân lao động hoặc khách đến liên hệ làm việc tại công ty đều phải thực hiện bước khai báo y tế và được kiểm tra thân nhiệt, rửa tay khử khuẩn.
Công ty cũng sắp xếp vị trí chỗ ngồi bàn ăn tại bếp ăn tập thể cách xa nhau, giờ ăn cũng được bố trí lệch nhau khoảng 1 tiếng để đảm bảo phòng dịch. Đồng thời, 100% công nhân lao động tại công ty đều thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang và hạn chế tụ tập đông người tại nơi làm việc.
“Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Công ty Cases đã đầu tư 10 máy đo thân nhiệt, trang bị đầy đủ nước rửa tay sát khuẩn và phát gần 12.000 khẩu trang cho công nhân lao động. Lãnh đạo các đơn vị triển khai cho cán bộ quản lý các bộ phận theo dõi nắm bắt kịp thời về sức khỏe của cán bộ, nhân viên, người lao động khi có biểu hiện nghi vấn để kiểm tra, thăm khám sức khỏe kịp thời. Công ty vẫn đang nỗ lực duy trì sản xuất, chờ đợi tình hình dịch bệnh ổn hơn để có thể xuất khẩu các đơn hàng qua thị trường nước ngoài trong thời gian sớm nhất”, ông Khánh cho hay.
Chị Hằng, nhân viên làm việc tại Công ty Cases cho biết, làm việc trong mùa dịch cũng khác những ngày bình thường bởi việc tuân thủ các quy định phòng ngừa dịch bệnh là yếu tố quan trọng nhất khi làm việc.
“Dịch bệnh mấy tháng nay, đơn hàng ít hơn so với trước nhưng công ty còn duy trì hoạt động, chúng tôi còn có việc để làm là mừng lắm rồi. Tất cả công nhân ở đây nghiêm túc thực hiện các quy định phòng, chống dịch bệnh và luôn cố gắng nỗ lực để làm tốt công việc của mình”, chị Hằng nói.
Tương tự, ông Mạnh Hùng - Giám đốc một công ty chế biến thuỷ hải sản xuất khẩu tại huyện Năm Căn (Cà Mau) cho biết, sản lượng xuất khẩu tôm tại giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù, gặp không ít khó khăn nhưng công ty vẫn nỗ lực duy trì hoạt động, đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả.
Theo đó, do số lao động làm việc tại công ty đông nên nên công ty đã tăng cường công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng, bố trí khu vực rửa tay, nước sát khuẩn, khẩu trang cho công nhân lao động tại nơi làm việc. Đồng thời tất cả mọi người trong công ty đều phải khai báo tình hình sức khỏe hàng ngày qua hệ thống website khai báo y tế online của công ty.
Do đó, thời gian qua, hoạt động công ty vẫn được duy trì tốt, chưa phát hiện trường hợp nào có yếu tố dịch tễ bất thường.
"Ngay từ ngày đầu tiên làm việc sau Tết Nguyên đán, công ty đã chủ động tự mua trang thiết bị cần thiết để phòng lây nhiễm dịch Covid-19 như máy đo thân nhiệt, nước rửa tay sát trùng, khẩu trang y tế… Ngay cả những khách hàng đến giao dịch cũng phải được đo thân nhiệt, xịt nước sát khuẩn, đeo khẩu trang ngay từ cổng bảo vệ. Ai thực hiện đúng chỉ đạo thì bảo vệ mới cho vào làm việc, còn không chấp hành thì bảo vệ không cho vào công ty, ngay cả ban giám đốc", ông Hùng cho hay.
Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó
Thông tin từ UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tình hình xuất khẩu tôm sang các nước đang gặp khó khăn. Cụ thể, trong quý I, kim ngạch xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ giảm 66,7%, thị trường Trung Quốc giảm 58,38% và thị trường Nga giảm 37% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu (chủ yếu từ con tôm) mới đạt 145,61 triệu USD, chỉ bằng 12,1% kế hoạch, giảm 17,7% so với cùng kỳ (quý I/2019 đạt 178 triệu USD).
Về vấn đề này, lãnh đạo các doanh nghiệp thuỷ sản cho biết, do các đối tác lớn đồng loạt đề nghị tạm ngừng đơn hàng bởi các nước thực hiện biện pháp hạn chế đi lại. Cùng với đó, việc tổ chức chương trình xúc tiến thương mại ngoài nước cũng tạm dừng, nên các doanh nghiệp xuất khẩu khó tìm kiếm khách hàng mới.
Trong buổi làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa qua, lãnh đạo các công ty thuỷ sản đều kiến nghị tỉnh cần có chủ trương và hoạch định nuôi, khai thác thuỷ sản của tỉnh để đảm bảo nguồn tôm nguyên liệu cung ứng trong và sau dịch bệnh.
“Tình hình kiểm soát và khống chế dịch Covid-19 ở Trung Quốc, Hàn Quốc đã có kết quả tích cực, các nước khác cũng đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Do đó, nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm thuỷ sản, đặc biệt là tôm theo dự báo sẽ tăng mạnh sau khi các nước khôi phục hoạt động sản xuất như trước khi có dịch”, đại diện một doanh nghiệp chế biến thuỷ sản cho hay.
Cà Mau ưu tiên cho các doanh nghiệp vay để thu mua nguyên liệu thủy sản tạm trữ.
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa có công văn chỉ đạo Sở Công Thương; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh về việc cho vay vốn để thu mua nguyên liệu tạm trữ của doanh nghiệp.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Cà Mau khẩn trương rà soát các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương về tín dụng, đặc biệt là cho vay mới hoặc tăng hạn mức cho vay đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid -19, nhằm khôi phục, duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh khẩn trương thực hiện việc cho vay đối với các doanh nghiệp. Trong đó, tập trung ưu tiên cho các doanh nghiệp thu mua nguyên liệu thủy sản tạm trữ, nhằm tiêu thụ nguồn nguyên liệu nuôi trồng, đánh bắt của người dân và giải quyết công ăn việc làm cho công nhân, góp phần ổn định kinh tế - xã hội của tỉnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo