Thị trường

Doanh nghiệp Việt gặp nhiều thách thức với hàng rào thuế carbon

DNVN - Việc nhiều nền kinh tế áp dụng các hàng rào thuế quan để kiểm soát và điều chỉnh biên giới phát thải carbon đối với hàng nhập khẩu sử dụng nhiều năng lượng đặt ra những thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nói riêng và DN Việt Nam nói chung nếu muốn giữ vững vị thế trên thương trường quốc tế.

Giá vàng ngày 9/10/2022: Tuần tới, giá vàng tăng hay giảm? / Tiêu dùng trong tuần (từ 3-9/10/2022): Giá thịt heo tăng đến 10.000 đồng/kg

80% doanh nghiệp chưa nắm rõ chính sách về thị trường carbon
Tháng 11/2021, tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết Việt Nam đưa mức phát thải ròng về 0 (net zero) vào năm 2050.
Tại Hội thảo “Hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp”, do Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) tổ chức ngày 11/10, bà Đỗ Thị Thu Hương - đại diện Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV - thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cho biết: Hiện đã có nhiều nước đã cam kết thực hiện mục tiêu zero. Việt Nam là 1 trong 6 quốc gia phát thải lớn nhất tại ASEAN, nhưng đã rất quyết liệt trong việc phê duyệt Chiến lược net zero - một trong những nước châu Á đặt tham vọng lớn nhất. Tuy nhiên, nhiều thách thức đang đặt ra đối với các DN Việt Nam.
Kết quả một cuộc khảo sát mới đây của Ban IV với sự tham gia của 400 DN về mức độ nhận thức của DN đối với các chính sách, cơ chế liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính và thị trường carbon cho thấy: Có tới 41% DN tham gia khảo sát không biết đến một trong những chính sách được hỏi liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính. Trong khi đó, hơn 80% DN chưa nắm rõ các chính sách này.

Bà Đỗ Thị Thu Hương - đại diện Ban IV cho biết, 80% doanh nghiệp chưa nắm rõ chính sách về thị trường carbon.
Để DN tiếp cận, nắm bắt các nội dung liên quan đến giảm phát thải, nguồn tự tìm hiểu chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp đó là nguồn từ phía cơ quan nhà nước.
Trong phần phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: Tại Mỹ, châu Âu và nhiều nền kinh tế khác, các hàng rào thuế quan để kiểm soát và điều chỉnh biên giới phát thải carbon đối với hàng nhập khẩu sử dụng nhiều năng lượng, đồng thời khuyến khích quá trình khử carbon khi sản xuất trong nước. Thực tiễn này buộc các DN xuất khẩu nói riêng, các DN Việt Nam nói chung phải thay đổi để đáp ứng được các tiêu chuẩn hàng rào thuế carbon từ các thị trường lớn, giữ vững vị thế trên thương trường quốc tế.
Trong khi đó, kết quả khảo sát của Ban IV về mức độ nhận thức của DN đối với cơ chế điều chỉnh hạn ngạch cacbon (CBAM) cho thấy, chỉ có 11% DN nắm rõ nội dung; 53% doanh nghiệp không biết về vấn đế này.
Theo bà Hương, nhiều DN muốn tìm hiểu về CBAM, nhưng không biết tìm từ nguồn nào và rất nhiều vấn đề liên quan đến kỹ thuật.
Nhiều quy định khắt khe về hạn ngạch carbon
Tại EU, CBAM sẽ thí điểm vào năm 2023 và chính thức áp dụng vào năm 2026. Theo đó, hàng hóa xuất khẩu sang châu Âu phải được khai báo bởi đại lý được ủy quyền tại châu Âu và bị áp thuế theo tổng lượng phát thải CO2 thay vì lượng phát thải vượt quá hạn ngạch. Các mặt hàng bị áp dụng là sắt thép, xi măng phân bón, nhôm, năng lượng điện.
Còn tại Mỹ, CBAM nếu được thông qua thì thời gian áp dụng của Đạo luật cạnh tranh Sạch sẽ là vào năm 2024, không có thời gian thí điểm. Khi đó, dựa vào số liệu phát thải toàn nền kinh tế có hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ nói chung hoặc số liệu phát thải một ngành cụ thể để tính thuế vượt hạn ngạch. Sự ngoại lệ của việc tính thuế này được áp dụng cho các hàng hóa sơ cấp được nhập khẩu vào Mỹ và được sản xuất tại một số quốc gia tương đối kém phát triển.
"Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế mở, đang phụ thuộc lớn vào xuất khẩu. Hiện kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2021 sang Mỹ đạt gần 96,3 tỷ USD; sang EU là 45,8 tỷ USD. Vì vậy, điều này đặt ra những quan ngại trong việc DN Việt phải đáp ứng những tiêu chuẩn trên, nếu muốn xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm là Mỹ và EU", bà Hương nói.
Cũng đề cập đến thị trường carbon, nhưng với góc nhìn khác, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết: thị trường carbon về nguyên lý được xây dựng dựa trên những nguyên tắc vận hành của thị trường cạnh tranh “thuận mua, vừa bán” và đôi bên cùng có lợi.
Với việc thị trường carbon vận hành dựa trên nguyên tắc cung - cầu và các dịch vụ kèm theo, DN giảm xả thải với tỷ lệ nhất định sẽ giúp giảm chi phí cận biên, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Việc giảm chi phí cận biên phụ thuộc vào công nghệ của doanh nghiệp. Thông qua cơ chế trao đổi mua bán hạn ngạch, doanh nghiệp tham gia hệ thống trung gian thông qua hiệp thương để có thể tham gia chủ động vào thị trường carbon.
Cần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực
Để có thể thích ứng và tham gia hiệu quả vào thị trường carbon, theo nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường, DN cần nắm vững các quy định pháp luật về phát triển thị trường carbon, nhằm chủ động cân đối năng lực và khả năng sẵn sàng tham gia thị trường này khi đi vào vận hành, nhất là đăng ký tham gia trên sàn giao dịch tín chỉ carbon.

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường khuyến nghị cơ quan Nhà nước cần sớm hoàn thiện hệ thống khung pháp lý về thị trường carbon.
Hiện lộ trình quy định thời điểm triển khai thị trường carbon đã rất rõ ràng. Từ năm 2025 bắt đầu thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon và đến năm 2028 chính thức vận hành thị trường này. Các DN cần lưu tâm tới lộ trình này để có chiến lược và kế hoạch thích ứng kịp thời.
Nếu DN sản xuất dẫn đến phát thải khí nhà kính, thì cần chủ động xác định lượng phát thải. Còn đối với DN trung gian kinh doanh thông qua dịch vụ thị trường tín chỉ carbon cần có sự chủ động chuẩn bị tìm hiểu thị trường, dự báo khả năng thị trường, nguồn lực đầu tư và hạ tầng kỹ thuật tham gia thị trường.
Về phía cơ quan quản lý, cần sớm hoàn thiện hệ thống khung pháp lý nhằm đảm bảo khi thị trường carbon ra đời vừa đảm bảo không chồng chéo với các văn bản quy định pháp lý hiện hành khác, đồng thời phù hợp với các cam kết mà Việt Nam đang và sẽ tham gia.
Trong khi đó, đại diện Ban IV cho rằng cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông tới các DN trong thời gian tới về các thông tin, chính sách liên quan đến giảm phát thải, cũng như các cam kết của Chính phủ tại COP 26.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước, cần hỗ trợ nâng cao nhận thức và năng lực cho DN, đẩy nhanh hoàn thiện khung pháp lý về thị trường carbon.
Đối với DN, cần tìm hiểu những thông tin từ cơ quan quản lý nhà nước và các nguồn tin chính thống khác; chủ động tìm hiểu về các hệ giải pháp đã áp dụng trên thế giới, đồng thời phát huy vai trò của các hiệp hội ngành hàng để phát triển thị trường carbon.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm