‘Đối chất’ về cắt giảm điều kiện kinh doanh
Đại diện các hiệp hội ngành hàng, chuyên gia đã được mời đến trụ sở Chính phủ "đối chất" với lãnh đạo các bộ về thực hiện cắt giảm điều kiện kinh doanh, cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành theo chỉ đạo của Chính phủ.
Khó đạt mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 / TP.HCM: Nhiều doanh nghiệp sử dụng đất công trái pháp luật
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng. Ảnh: Nhật Bắc
Sáng 16.10, phiên đối chất đầu tiên về việc thực hiện cắt giảm, đơn giảm hoá điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra hàng hoá chuyên ngành của các bộ Giao thông vận tải, Thông tin - Truyền thông, Tài chính với đại diện các doanh nghiệp trong các lĩnh vực kể trên đã diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng.
“Các lãnh đạo Đảng, Quốc hội rất quan tâm đến việc này và luôn lưu ý rằng việc cải cách phải thực chất, tránh hình thức. Cho nên lần này mỗi phiên chúng tôi sẽ mời một số bộ để làm rõ từng việc một. Chúng ta sẽ nghe các doanh nghiệp phản hồi, đánh giá xem liệu cắt giảm có thực chất không, hay gom 2 thành 1. Hoặc có không chuyện cắt cái nọ song mọc cái kia. Nếu không có thì phải làm sao để tránh những suy nghĩ như vậy nên rất cần những cuộc đối chất”, ông Dũng nói.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, cũng chia sẻ, theo quan sát của ông thì xã hội đang rất kì vọng vào cuộc cải cách trong cắt giảm thủ tục lần này nhưng vẫn có một tâm lý nghi ngờ lớn với câu hỏi là “liệu có phải làm thật không”?
“Tôi cũng nghe đâu đó có dư luận nói rằng chỉ là chạy bệnh thành tích. Cứ tuyên bố thế nhưng chưa thay đổi được. Đó là lo lắng hợp lý và chúng ta phải chứng minh được mình làm thật”, ông Cung bày tỏ.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, mục đích của việc đối chất này chính là để tìm ra cách làm thực chất, xử lý các vướng mắc nếu có vì mục đích chung là tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy việc hành động để nói đi đôi với làm.
Theo đánh giá của Tổ trưởng Tổ công tác, có 6 việc “đã làm được” trong chuyên đề này. Đó là các bộ ngành đã mạnh dạn đẩy mạnh quản lí rủi ro, chuyển từ tiền kiểm trước đây sang hậu kiểm. Đã giảm cơ bản danh mục hàng hoá kiểm tra chuyên ngành chồng chéo. Cùng với đó là việc đẩy mạnh công nhân lẫn nhau giữa các tổ chức kiểm định quốc tế, độc lập. Tích cực điện tử hoá kiểm tra chuyên ngành. Thứ nữa là số tờ khai hàng nhập khẩu thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu đã giảm mạnh, từ 30% vào 2015 thì đến năm 2017 còn 19%...
Tuy nhiên, ông Dũng cũng chỉ ra những tồn tại cần tiếp tục khắc phục là vẫn còn nhiều cơ quan chưa áp dụng quản lý rủi ro, công nhận lẫn nhau, đánh gía sự tuân thủ của doanh nghiệp; chưa có thông tin kết nối giữa các cơ quan kiểm tra cũng như tỷ lệ phát hiện thấp khi 3 năm qua con số này vẫn nằm ở mức 0,06%. Bên cạnh đó là số lượng hàng hoá phải kiểm tra còn chiếm tỷ lệ lớn, trên mức 19,4%...
Ông Dũng cho biết thêm, trong phiên thứ 2 vào ngày mai, 17.10, sẽ là phiên đối chất với các bộ còn nhiều điều kiện kinh doanh, thủ tục chưa cắt giảm, nhất là 2 ngành y tế và nông nghiệp.
Theo thanhnien.vn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hai thách thức lớn doanh nghiệp phải đối mặt khi bán sản phẩm ra thị trường toàn cầu
Giá vàng thế giới tăng nhẹ trước thềm cuộc bầu cử Mỹ
Thị trường bất động sản Đà Nẵng đang có dấu hiệu phục hồi
Giá ngoại tệ ngày 5/11/2024: Đồng USD giảm giá trước bầu cử Tổng thống Mỹ
Các giải pháp bình ổn giá tiêu dùng những tháng cuối năm
Doanh nghiệp Việt cung cấp giải pháp số sáng tạo tại thị trường Trung Đông
Cột tin quảng cáo