Dọn dẹp 786.000 tỉ đồng 'cục máu đông' nợ xấu
Theo báo cáo của NHNN từ năm 2012 đến hết tháng 6.2018, các tổ chức tín dụng đã xử lý gần 786.000 tỉ đồng nợ xấu, riêng 6 tháng đầu năm xử lý ước đạt 58.800 tỉ đồng.
Hà Nội ra mắt trang nông sản an toàn / "Điểm mặt" 3 thị trường chi 471 triệu USD nhập xi măng, clinker từ Việt Nam
Tốc độ xử lý nợ xấu khá nhanh khi Nghị quyết 42 ra đời Ảnh: Ngọc Thắng
Đã xử lý được một khối lượng lớn nợ xấu giúp các nhà băng hoạt động lành mạnh, an toàn hơn, song Ủy viên Bộ Chính trị - Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sớm đưa tỷ lệ nợ xấu, nợ tiềm ẩn rủi ro... xuống còn dưới 3% vào năm 2020.
VAMC đã thông nhưng chưa thoát
Ngày 28.8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết 1 năm triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 và Quyết định số 1058/QĐ-TTg về việc xử lý nợ xấu, tái cơ cấu tổ chức tín dụng (TCTD).
Theo báo cáo của NHNN từ năm 2012 đến hết tháng 6.2018, các TCTD đã xử lý gần 786.000 tỉ đồng nợ xấu, riêng 6 tháng đầu năm xử lý ước đạt 58.800 tỉ đồng. Nhờ sự ra đời Nghị quyết 42 của Quốc hội, nợ xấu được “rã đông” khá nhanh với mũi nhọn là Công ty quản lý tài sản các TCTD (VAMC).
Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch VAMC, nhận biết : “Nghị quyết 42 đã phát đi thông điệp bảo vệ đến cùng quan hệ có vay, có trả, tạo tiền đề cho VAMC và TCTD thu hồi nợ. Thông qua việc thu giữ, phát mại tài sản bảo đảm cũng như thái độ hợp tác của khách vay, đã khẳng định được quyền của chủ nợ, điều mà các TCTD mong mỏi đã lâu”.
Nhờ đó, tính đến ngày 15.8, VAMC phối hợp với các TCTD thu hồi được gần 100.000 tỉ đồng trên 277.000 tỉ đồng trong số nợ gốc mà VAMC đã mua. Đặc biệt, từ 15.8.2017 - 15.8.2018, tốc độ, hiệu quả xử lý nợ xấu tăng lên. Trong số gần 100.000 tỉ đồng nợ thu hồi nói trên thì có 48.000 tỉ đồng thu năm 2017, phần còn lại thu từ đầu năm 2018 đến nay.
“Thông qua các đợt thu giữ lớn như Sài Gòn One Tower hay dự bán bất động sản dở dang, các bộ ngành, địa phương đã phối hợp nhịp nhàng với VAMC và TCTD, điều hiếm thấy trước đó. Có những khoản nợ từng tồn tại 5 - 7 năm nhưng không thu được đồng nào, nay thì khác hẳn”, ông Đông nói.
Tuy nhiên, VAMC đang gặp một số vướng mắc. Cụ thể, theo lãnh đạo VAMC các TCTD báo cáo vẫn đang gặp khó khăn do khách hàng không hợp tác trong bàn giao tài sản; quá trình tố tụng, thi hành án thường kéo dài, nhất là khi các vụ án có tình tiết phát sinh mới hoặc các bên tuyên bố phá sản. Đặc biệt, Nghị quyết 42 cho phép xử rút gọn và TAND tối cao đã có văn bản hướng dẫn, nhưng thực tế có 2.000 vụ việc liên quan đến việc đòi nợ của VAMC nhưng chưa có vụ nào được xử rút gọn. Chưa kể, một loạt dự án bất động sản dở dang được VAMC bán lại cho các chủ đầu tư mới nhưng họ không thể tiếp tục triển khai vì ở mỗi địa phương lại có cách hiểu, cách làm khác nhau. Có nơi thì cho chuyển giao, có nơi thì bảo là “chưa có hướng dẫn” nên bị ách tắc, Chủ tịch VAMC nhấn mạnh.
Đưa nợ xấu 2020 về dưới 3%
Tính đến thời điểm hiện tại, theo NHNN tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã giảm xuống còn 2,09% tổng dư nợ. Tuy nhiên, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng thẳng thắn thừa nhận con số này tuy thấp hơn so với con số 2,46% năm 2016, song vẫn cao so với thời điểm cuối năm 2017 là 1,99%. Bên cạnh đó, nếu tính nợ ngoại bảng (gồm cả các khoản nợ tiềm ẩn có thể trở thành nợ xấu...) hiện vẫn đang chiếm 6,6% tổng dư nợ. Do đó, Thống đốc yêu cầu các NH đẩy nhanh tiến trình cải cách và xử lý nợ xấu một cách toàn diện và triệt để.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ dẫn ra số nợ xấu đã giảm xuống còn 2,09% thể hiện sự nỗ lực lớn của NHNN. Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng đánh giá mặc dù chất lượng tín dụng được cải thiện đáng kể nhưng chưa thật bền vững, tín dụng cho vay một số lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán, dự án BOT, BT vẫn tiềm ẩn rủi ro và có nguy cơ phát sinh nợ xấu... Bên cạnh đó, quá trình xử lý nợ xấu và tái cơ cấu vẫn diễn ra chậm hơn so với kỳ vọng. Một số TCTD còn gặp khó khăn về nguồn vốn hoặc thiếu mạnh dạn trong giải quyết tồn tại và xác định lộ trình, giải pháp tái cơ cấu và chiến lược phát triển kinh doanh.
Để giải quyết căn bản tình trạng nợ xấu, ông Huệ yêu cầu tiếp tục xử lý vấn đề sở hữu chéo, nghiêm cấm các hành vi NH cho vay các công ty tập đoàn có chung một chủ sở hữu chi phối, nhất là đối với các dự án đầu tư ở nước ngoài. Đối với ngành NH cần nâng cao hiệu lực hoạt động thanh tra giám sát. Cùng với hệ thống kiểm soát nội bộ, hệ thống thanh tra giám sát NH phải phối hợp với Thanh tra Chính phủ để phối kết hợp nhuần nhuyễn, tránh chồng chéo. Việc xử lý nợ xấu cả nội bảng lẫn ngoại bảng phải sớm đưa về mục tiêu xuống dưới 3%/tổng dư nợ; đồng thời, không để nợ xấu mới phát sinh.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá sức khỏe của ngành NH nước ta được nhiều tổ chức tài chính uy tín của quốc tế đánh giá cao (Moody’s Investors Service ngày 14.8 tiến hành nâng hạng một số đánh giá đối với 14 NH thương mại của VN; Fitch Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn của các NH vốn nhà nước của VN gồm VietinBank, Vietcombank và Agribank, từ mức B+ lên BB-…). Kết quả đó, theo Phó thủ tướng, đã góp phần quan trọng củng cố và nâng cao niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với môi trường đầu tư kinh doanh của VN.
|
Theo Báo Thanh niên
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Xăng giảm giá
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Cột tin quảng cáo