Đồng hồ hàng hiệu Omega, Rolex bán như… 'bán rau'
Đồng hồ cao cấp giá “siêu rẻ” (!?)
Theo khảo sát của PV Tiền phong, thực tế, tình trạng bán đồng hồ nhái các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Rolex, Omega, Patek Philippe, Longines, Piaget v.v… vẫn diễn ra khá phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội.
Thậm chí, chưa cần phải đi tìm các cửa hàng được gắn mác “chính hãng” nhan nhản trên nhiều tuyến phố nội đô Hà Nội, chỉ cần gõ vài dòng từ khoá trên mạng xã hội: “đồng hồ chính hãng”, ngay lập tức khách hàng sẽ được gợi ý đến rất nhiều những cái tên. Trong đó, để câu kéo khách hàng, các fanpage này đều sử dụng những hình ảnh rất bắt mắt, cầu kì và đương nhiên là bán công khai. Tuy nhiên, giá các sản phẩm này sẽ chỉ vào khoảng vài trăm nghìn đồng tới cả triệu đồng.
Nhiều shop còn sẵn sàng đưa ra giá các loại đồng hồ nhái được “cộp mác” đồng hồ chính hãng Rolex (Thụy Sĩ), Omega (Thụy Sĩ), Patek Philippe (Thụy Sĩ), Longines (Thụy Sĩ), Breitling (Thụy Sĩ), TAG Heuer (Thụy Sĩ), Piaget (Thụy Sĩ), Cartier (Pháp), Montblanc (Đức), Breguet (Thụy Sĩ)… thành những “siêu phẩm” với giá chỉ… vài triệu đồng.
Không chỉ thế, thông thường với mỗi dòng sản phẩm “nhái” này đều được gắn kèm hàng loạt các thông số rất chuyên nghiệp ăn theo như hàng chính hãng và đương nhiên còn có cả đường dây nóng chăm sóc khách hàng để đảm bảo chuyên nghiệp và tạo tin tưởng cho khách hàng. Đặc biệt, các shop bán hàng Online này đều có cả địa chỉ rất rõ ràng trên nhiều tuyến phố như Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Đông Các, Cầu Giấy, Nguyễn Ngọc Vũ v.v…
Chiêu thức này đa phần có hiệu quả nếu khách hàng thắc mắc vì sao giá lại rẻ đến mức khó tưởng tượng được như vậy. Nếu khách hàng thắc mắc, các chủ cửa hàng hoặc các shop online sẽ giải thích bằng cách “hàng xách tay” đang được hãng khuyến mãi sâu từ 60 - 70% để xử lý… hàng tồn nên giá rẻ hơn nhiều so với giá niêm yết.
Đương nhiên, trước món hời “hàng hiệu” nhưng… giá rẻ, người tiêu dùng sẵn sàng chi hàng triệu đồng để mua về những chiếc đồng hồ “hàng hiệu” nhưng thực chất là “đồng hồ giả” không rõ xuất xứ có giá cao nhất chỉ đáng giá vài trăm ngàn đồng hoặc được bán theo... lô siêu rẻ.
Bên cạnh các cửa hàng online được chạy quảng cáo rầm rộ trên các mạng xã hội, không khó để tìm được nhiều cửa hàng bán đồng hồ “chính hãng” với những thương hiệu lớn với giá bán như… bán rau.
Ghé vào một cửa hàng trên đường Xuân Thuỷ, Cầu Giấy, PV Tiền Phong không mấy khó khăn để tìm mua được đủ loại đồng hồ như Rolex, Omega hay Patek Philippe với giá chỉ từ… vài chục đến vài trăm ngàn đồng.
“Rolex, Omega, Patek Philippe, Longines, Piaget… cái gì chị cũng có cả, giá bán theo cặp là…450.000 – 1 triệu đồng, mua lẻ chị bán 400.000/ cái. Mẫu Omega này nhiều người đeo lắm. Đảm bảo nhìn giống y như hàng thật. Em thích kiểu gì chị cũng có kiểu đó”, chủ cửa hàng đồng hồ quảng cáo.
Không chỉ thế, chủ cửa hàng đồng hồ còn tuyên bố, nhiều người mua đồng hồ từ nơi khác đến để thay dây được chị “thẩm định” đã mua phải… hàng giả có giá đắt hơn… mấy trăm nghìn so với cửa hàng của mình nên cứ… yên tâm về chất lượng, có vấn đề gì sẽ được bảo hành tại cửa hàng (!?)
Đó là những gì mà những người không sành về đồng hồ có thể được chào mời tại rất nhiều những cửa hàng được treo biển “đồng hồ chính hãng” trên địa bàn Hà Nội như PV Tiền Phong. Và đương nhiên, với những chiếc đồng hồ có mẫu mã bắt mắt kèm theo những lời quảng cáo có cánh thì việc rơi vào bẫy hẳn cũng không có gì khó hiểu với những người không sành.
Tiết lộ với PV Tiền Phong, một người chuyên buôn đồng hồ “hàng hiệu nhái” tại Hà Nội còn cho biết, hiện tại thị trường đồng hồ thật giả lẫn lộn rất khó phân biệt. Đa phần người mua sẽ bị hoa mắt bởi “ma trận” đồng hồ nhái tinh vi được làm rất đẹp mắt. Không chỉ thế người tiêu dùng còn bị rơi vào bẫy của các gian thương với chiêu thức tinh vi hơn là đánh vào tâm lý thích mua hàng “ưu đãi giảm giá” của người tiêu dùng Việt Nam.
90% đồng hồ tại Việt Nam là hàng giả
Trước vấn nạn đồng hồ nhái tràn lan trên thị trường, cách đây chưa lâu, ông Hồ Quang Thái - Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia về chống hàng giả hàng nhái từng cho biết, hiện tại 80 - 90% đồng hồ tại Việt Nam là hàng giả.
Con số này hẳn nhiều người không khỏi bất ngờ và thậm chí sẽ không khỏi nghi ngờ những chiếc đồng hồ “hàng hiệu” mua tại Việt Nam bởi trao đổi với Tiền phong, ngay cả những đại lý phân phối hàng đồng hồ chính hãng tại Việt Nam cũng thừa nhận, các loại đồng hồ nhái đang làm rất tinh vi, nếu không có chuyên môn rất khó phát hiện ra các loại đồng hồ nhái này.
Thực tế, việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái là vi phạm quy định của pháp luật. Với trường hợp buôn bán đồng hồ “nhái” sẽ xử lý theo quy định tại Điều 13 Nghị định 185/2013/NĐ-CP vềQuy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Điều 13, Nghị định 185/2013/NĐ-CP, liên quan đến hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa có quy định rõ:
1. Đối với hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa quy định tại điểm đ và e khoản 8 Điều 3 Nghị định này, mức phạt tiền như sau:
a) Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị dưới 1.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 1.000.000 đồng đến dưới 3.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;
g) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Phạt tiền gấp hai lần các mức tiền phạt quy định tại khoản 1 Điều này đối với hành vi nhập khẩu hàng giả hoặc hàng giả thuộc một trong các trường hợp:
a) Là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh cho người mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Là thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
c) Là phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, chất tẩy rửa, diệt côn trùng, trang thiết bị y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
b) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng giả đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
b) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng hóa giả mạo đối với hành vi nhập khẩu hàng giả quy định tại Điều này;
c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
d) Buộc thu hồi loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng giả đang lưu thông trên thị trường đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Buồn vui với sản phẩm phục vụ Tết