Thị trường

Đồng Tháp: Thu nhập cao nhờ trồng tắc cẩm thạch

Một số nhà vườn ở miền Tây đã đầu tư trồng các giống cây độc, lạ cho trái với màu sắc lạ, bắt mắt và có giá trị thị trường rất cao như: tắc (quất) cẩm thạch, nho thân gỗ hoặc cam ruột đỏ.

Ông Lê Hồng Trung (ngụ xã Phong Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) hồ hởi, dẫn chúng tôi ra khu vườn trồng nhiều cây tắc cẩm thạch đang sai trái. Tắc cẩm thạch có vân cẩm thạch màu xanh trắng lúc non, khi chín có màu vàng cam sọc xanh rất đẹp.

“Trong một lần qua nhà ông sui chơi, thấy cây tắc ra trái rất lạ, không giống như trái tắc thông thường mà có màu xanh sọc trắng nên tôi liền xin nhánh đem về trồng”, ông Trung kể lại. Cây cho trái rất sai và không tốn nhiều công chăm sóc. Ông Trung đã nhân giống loại cây này. Cây tắc cẩm thạch có thân nhỏ, chiều cao chỉ khoảng 1,5m. Thân cây màu xám xanh, tán cây thấp và phân thành nhiều nhánh.

Ông Lê Hồng Trung bên vườn tắc cẩm thạch.

Lá của tắc cẩm thạch có hình bầu dục, màu xanh sọc trắng, cuốn cánh rất nhỏ, đốt ở đầu. Cây tắc thông thường có lá và trái đều xanh, còn tắc cẩm thạch thì lá, trái đều sọc. “Tắc cẩm thạch rất dễ trồng, thường trồng bằng hạt hoặc nhánh. Giống này ít bị nhiễm bệnh, lại không tốn quá nhiều thời gian chăm sóc. Tắc cẩm ăn được như tắc thường, chủ yếu được trồng làm kiểng”, ông Trung nói.

Còn tại TP Cần Thơ, ông Huỳnh Công Thống (ngụ phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt) thành công với cây nho thân gỗ. Nhiều người tìm đến chiêm ngưỡng, tìm mua cây giống về trồng. Trái nho này độc đáo ở chỗ trái có hình dáng giống trái sung, hương như rượu vang, từ vỏ đến hạt đều ăn được và có cả 3 vị chát, chua và ngọt.

Năm 2012, ông Thống được người thân ở Mexico gửi về 200 hạt nho thân gỗ nên đem ươm hạt. Cây trồng hợp khí hậu, thổ nhưỡng nên tỉ lệ nảy cầm rất cao. Khi trồng, ông Thống thấy có một vài cây khác với những cây còn lại nên chọn ra chăm sóc riêng. Sau 3 năm chăm sóc, những cây nho được chọn lọc bắt đầu cho trái, khác hẳn với trái nho thân gỗ ở Mexico.

Theo đó, cây có lá tròn, to, có thân giống cây ổi, hoa màu trắng, mọc cả trên thân cây và cây càng lâu năm thì trái càng sai. Mỗi trái có khoảng 2 hạt, khi nhai nát có vị đắng nhưng lẫn hậu ngọt.“Cây nho thân gỗ chọn lọc không còn đặc tính của giống nho ở Mexico, vì tôi đã dùng biện pháp phân ly. Cây cho trái nhiều nhất là vào mùa xuân, từ gốc tới ngọn đều đầy trái”, ông Thống phấn khởi nói.

Những giống cây mới lạ nói trên có giá bán khá cao trên thị trường. Nhà ông Trung trồng chỉ 10 cây tắc cẩm thạch nhưng nguồn lợi nhuận thu được là từ bán cây giống. “Mỗi cây giống tôi bán 200.000 đồng và khách khắp nơi đặt hàng. Loại cây này thường được người ta mua về trồng làm kiểng vì màu sắc khá đẹp”, ông Trung tâm sự. Trong khi đó, giá bán của nho thân gỗ lên đến 600.000 đồng/kg.

Hàng năm, gia đình ông Thống cung cấp ra thị trường khoảng 1.000 cây giống với giá dao động từ 100.000-500.000 đồng. Riêng loại cây lớn, trưởng thành từ 500.000 đến 2 triệu đồng/cây, và từ 2-3 triệu đồng/cây đối với cây bắt đầu cho trái. Cây nho thân gỗ của ông Thống đã bán khắp các tỉnh miền Tây, thậm chí có miền Trung đặt mua. Người nông dân này còn biến khu vườn trồng loại cây “hái ra tiền”, thành địa điểm du lịch để du khách đến tham quan.

Anh Huỳnh Hoàng Sơn (ngụ xã Phong Hòa, huyện Lai Vung, Đồng Tháp) đang bội thu vì lúc nào cũng hút hàng với cam ruột đỏ. Khu vườn của anh Sơn có đến 1 hécta trồng loại cam này và cho trái quanh năm, trung bình thu hoạch từ 25-30 tấn/hécta.

“Giá bán cám ruột đỏ khá cao, từ 38.000-60.000 đồng/kg, tùy từng thời điểm. Vào dịp Tết Nguyên đán, tôi bán cho thương lái với giá 60.000 đồng/kg. Loại cam này có ruột đỏ au, tép mọng nước nhìn rất đẹp mắt, vị ngọt dịu lẫn chua nhẹ. Cam không hạt, dễ bóc, dễ ăn và mùi thơm dễ chịu như cà rốt”, anh Sơn thông tin.

Theo Như Anh/Công an nhân dân

loading...

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo