Thị trường

Dự báo lạm phát năm 2024 sẽ cao hơn năm trước

DNVN - Các chuyên gia kinh tế cho rằng, còn nhiều biến số khó lường gây sức ép lên lạm phát từ nay đến cuối năm. Dự báo lạm phát năm 2024 sẽ cao hơn năm 2023.

Chứng khoán Âu - Mỹ tăng sau số liệu lạm phát của Mỹ / Lạm phát tại Eurozone tiếp tục hạ nhiệt

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 0,07% so với tháng trước. Bình quân 4 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 3,93% so với cùng kỳ năm trước.

Trong mức tăng 0,07% của CPI tháng 4 có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm. Trong 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, nhóm giao thông tăng cao nhất với 1,95% (làm CPI chung tăng 0,19 điểm phần trăm). Nhóm này có mức tăng cao chủ yếu do giá xăng trong nước tăng 4,78%; giá dầu diezen tăng 2,01%.

Điều đáng mừng là trong 3 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, nhóm giáo dục giảm tới 2,93% so với tháng trước, góp phần giảm CPI chung xuống 0,18 điểm phần trăm. Trong đó, dịch vụ giáo dục giảm 3,32%.

Dự báo,các nhóm mặt hàng nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu sẽ gây áp lực lên CPI từ nay tới cuối năm.

Nguyên nhân chủ yếu do ngày 31/12/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, yêu cầu các địa phương giữ ổn định mức thu học phí từ năm học 2023 - 2024.

Theo nhận định của Bộ Tài chính, từ đầu năm đến nay, thị trường hàng hóa tương đối ổn định. Tuy nhiên, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới đã tác động trực tiếp tới lạm phát, dù không nhiều nhưng đây cũng là yếu tố cần tính đến.

Dự báo, từ nay đến cuối năm, các nhóm mặt hàng nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá. Đặc biệt, giá xăng dầu dự báo tiếp tục diễn biến khó lường.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, thời gian qua, các cơ quan quản lý đã làm tốt công tác dự báo và lên kịch bản hiệu quả cho việc điều hành giá. Nhờ có kinh nghiệm trong điều hành, đây là năm thứ 10 liên tiếp lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu của Quốc hội.

Bộ Tài chính đã dự báo 3 kịch bản điều hành giá từ nay đến cuối năm. Ở kịch bản dự báo mức cao nhất, CPI bình quân năm 2024 tăng khoảng 4,5% so với năm 2023. Giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước thì trong 9 tháng còn lại của năm 2024, CPI mỗi tháng còn dư địa tăng khoảng 0,26% - 0,39% để bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm 2024 trong khoảng 4% - 4,5%.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực - thành viên hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia dự báo, năm 2024 lạm phát sẽ cao hơn năm 2023. Nếu lạm phát năm trước đạt 3,25%, năm nay dự kiến mức độ lạm phát sẽ được kiểm soát ở mức khoảng 3,5 - 4%. Tuy nhiên, đây không phải là tín hiệu đáng lo khi lạm phát mặc dù tăng nhưng vẫn ở trong tầm kiểm soát dưới 4%.

Dự báo lạm phát năm nay tăng dưới 4% căn cứ vào nền kinh tế phục hồi tốt hơn dẫn đến vòng quay tiền nhanh hơn. Cùng với đó là lương tăng và một số giá mặt hàng thiết yếu tăng nhưng giá lương thực thực phẩm toàn cầu về mức rất thấp.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm