Dự báo xuất khẩu nông sản vẫn đạt 41 tỷ USD dù ảnh hưởng của Covid-19
Ngành dệt may Việt đối mặt rào cản lớn nhất / Hà Giang: Vươn lên làm giàu từ nuôi ong lấy mật
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, tình hình thời gian tới khá khó lường bởi diễn biến dịch Covid-19 vẫn tương đối phức tạp. Tại Trung Quốc, dịch Covid-19 lại tiếp tục bùng phát, có thể có nguy cơ Trung Quốc tiếp tục áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ giao thương biên mậu. Tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng khó tránh khỏi nguy cơ dịch bùng phát lần 2; ở châu Âu, dịch cũng vẫn diễn biến phức tạp…
“Dù vậy, nếu tình hình diễn biến thị trường tiến triển tốt, vẫn như thời điểm nửa cuối tháng 6 đến nay thì dự báo ngành nông nghiệp vẫn có thể đạt được kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 41 tỷ USD cả năm. Ngược lại, nếu xảy ra tình trạng dịch Covid-19 bùng phát trở lại nghiêm trọng, các thị trường đóng cửa thì rất khó đoán định”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chia sẻ.
Để đạt được mục tiêu 41 tỷ USD, Bộ NN&PTNT đã và đang tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản. Ngoài ra, Bộ xác định đẩy mạnh phát triển thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng, hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định.
Đồng thời, tìm các giải pháp khai thác hiệu quả cơ hội của các hiệp định thương mại tự do (FTA) đem lại, đặc biệt là chuẩn bị tốt các điều kiện để đẩy mạnh xuất khẩu khi FTA Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực…
Trước đó, báo cáo về tình hình xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản 5 tháng đầu năm 2020, Bộ NN&PTNT cho biết tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt gần 27,6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 15,5 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2019; nhập khẩu ước khoảng 12,2 tỷ USD, giảm 4,5%; ngành nông nghiệp xuất siêu gần 3,3 tỷ USD, giảm 2,3% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu đã có những tín hiệu tích cực từ đầu tháng 6, nên dự kiến tới hết tháng 6, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cơ bản đạt được tương đương cùng kỳ năm 2019.
Đơn cử như với một ngành có kim ngạch xuất khẩu khá lớn là gỗ dù có khó khăn về logistics, đơn hàng gặp khó song vẫn duy trì được đà tăng trưởng. Riêng trong tháng 6, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt gần 1 tỷ USD, trong khi ban đầu dự đoán chỉ đạt gần 700 triệu USD.
Với mặt hàng hoa quả, tuy lượng xuất sang thị trường chất lượng cao như Nhật Bản, Mỹ, Australia… chưa nhiều nhưng mở ra tiềm năng lớn. Đáng chú ý, uy tín của hoa quả Việt trên thị trường Australia đang rất cao, tiềm năng phát triển không chỉ năm nay mà trong những năm tới khá tốt…
Riêng mặt hàng thủy sản, dù ngành hàng thủy sản đang gặp khó khăn tại thị trường EU do bị áp dụng “thẻ vàng” với hải sản song cơ bản vẫn duy trì được các hoạt động xuất khẩu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2020 được dự báo vẫn có thể đạt 41 tỷ USD