Ngành dệt may Việt đối mặt rào cản lớn nhất
Định vị thương hiệu là nền tảng để phát triển doanh nghiệp trong tương lai / Tiến sĩ Cấn Văn Lực: 97% số doanh nghiệp kinh doanh tốt hơn khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Thông tư số 11/2020/TT-BCT quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sau khi Quốc hội phê chuẩn Hiệp định này.
Thách thức ở nguồn vải
Thông tư này đang thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp (DN) dệt may vốn đang muốn tận dụng ưu đãi thuế quan để gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU.
Theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), dệt may là mặt hàng được được phép cộng gộp xuất xứ với nguyên liệu từ nước không phải thành viên Hiệp định, cơ chế chứng nhận và xác minh xuất xứ hàng hóa xuất xứ, chia nhỏ hàng hóa ở nước thứ ba ngoài Hiệp định, điều khoản đặc biệt về lãnh thổ… được xem là những điểm mới trong EVFTA.
Đơn cử như ở khoản 7 Điều 9 (về cộng gộp) của Thông tư này có nêu rõ: Vải có xuất xứ Hàn Quốc được coi là có xuất xứ Việt Nam khi sử dụng làm nguyên liệu để gia công hoặc sản xuất tại Việt Nam (cho các sản phẩm liệt kê tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này) với điều kiện vải nguyên liệu đó trải qua công đoạn gia công hoặc chế biến vượt quá công đoạn gia công, chế biến đơn giản.
Và để tận dụng ưu đãi thuế quan từ EVFTA, một số DN dệt may cũng đã nhắm đến việc nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ Hàn Quốc để cắt may ở Việt Nam. Thế nhưng, nhiều DN than phiền là nguồn vải nhập từ Hàn Quốc lại có mức giá cao hơn rất nhiều so với nguồn vải nhập từ Trung Quốc và Đài Loan.
Thống kê cho thấy việc nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may, da giày từ Hàn Quốc vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay đạt khoảng 220,5 triệu USD, còn nhập khẩu vải các loại từ Hàn Quốc vào khoảng 650,2 triệu USD.
Các con số kim ngạch nhập khẩu này đang được các DNdệt maymong muốn tăng nhanh lên trong thời gian tới để có thể thay thế vị trí của Trung Quốc, nhằm giúp DN Việt tận dụng ưu đãi thuế quan từ EVFTA được tốt hơn.
Ts. Rajkishore Nayak (Đại học RMIT Việt Nam) đã chỉ ra rằng: khoảng 70% các nhà sản xuất dệt may Việt Nam dùng nguyên liệu thô nhập khẩu. Và gần 50% số nguyên liệu này được dùng trong các sản phẩm sẽ được xuất đi.
ÔngRajkishore Nayaklưu ý từ nhu cầu mở rộng thị trường xuất khẩu dệt may ngày càng tăng, cũng như EVFTA, Việt Nam sẽ cần phải tự chủ trong sản xuất vải vóc nhằm đáp ứng nhu cầu cũng như thoả mãn nguyên tắc xuất xứ dệt may trong EVFTA.
Theo vị chuyên gia này, EVFTA chắc chắn sẽ đẩy mạnh xuất khẩu may mặc Việt Nam vào thị trường EU. Tuy nhiên, thách thức lớn hiện nay là tìm được nguồn vải đúng chất lượng ở Việt Nam.
Tự lực nguyên liệu thô còn thấp
“Ngành thời trang và dệt may Việt sẽ cần đẩy mạnh chất lượng vải vóc để tuân thủ nguyên tắc xuất xứ trong EVFTA. Đây được xem là rào cản lớn nhất với các nhà sản xuất dệt may, vì một số nhà sản xuất thời trang hiện nhập vải từ Trung Quốc đại lục và Đài Loan với giá thành rẻ hơn nhiều”, Ts. Rajkishore nói.
Thực ra, với mức ưu đãi thuế quan thì cơ hội để tăng cường thâm nhập thị trường EU là rất lớn. Sau khi EVFTA có hiệu lực, hàng dệt may vào EU sẽ được giảm ngay về 0% khoảng 42,5% số dòng thuế; số còn lại sẽ giảm dần về 0% trong 5 - 7 năm.
Vậy nhưng, rào cản lớn lại nằm ở xuất xứ hàng hoá đối với dệt may được quy định rất chặt không chỉ với EVFTA mà cả Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với nguyên tắc được áp dụng là “từ vải trở đi” trong EVFTA, còn với CPTPP thậm chí còn là “từ sợi trở đi”.
Theo ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), khó khăn lớn nhất đối với dệt may vẫn là vấn đề xuất xứ, trong khi các vấn đề về chất lượng, tiêu chuẩn không đáng lo vì đã chinh phục được thị trường EUnhiều năm nay.
Còn ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần May 10, cho rằng vấn đề quy tắc xuất xứ, vấn đề của đầu vào vẫn là nút thắt lớn nhất của DN dệt may. Để gỡ dần nút thắt này thì rất cần tìm lối ra cho vấn đề quy tắc xuất xứ của sản phẩm dệt may, có sự kết nối giữa DN “đầu vào” và “đầu ra”.
Với những DN trong ngành dệt may Việt đang phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu Trung Quốc thì có thể nói cánh cửa để tận dụng thuế suất ưu đãi từ CPTPP cho đến EVFTA gần như thu hẹp.
Ts. Rajkishore cho rằng, những nước như Việt Nam, lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu thô cũng như các vật tư khác từ Trung Quốc, phải đối mặt với thách thức trong việc duy trì vận hành nhà máy vì đứt gãy chuỗi cung ứng từ việc phong toả các thành phố ở nước này do Covid-19.
Riêng Việt Nam đã bị sụt giảm 6,6% trong xuất khẩu hàng may mặc (so với cùng kỳ năm trước) còn 10,6 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm nay; nhập khẩu nguyên liệu thô cùng kỳ cũng giảm 3% còn 5,2 tỷ USD.
“Các nhà sản xuất thời trang và dệt may Việt cũng nên chú trọng thực hành sản xuất bền vững để cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Điều này đòi hỏi phải đầu tư vào công nghệ và nguyên liệu bền vững mới”, vị chuyên gia của RMIT nhấn mạnh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Khả năng tự lực về nguyên liệu thô của ngành dệt may Việt Nam còn thấp