Thị trường

Đưa hàng Việt vào châu Mỹ qua Mexico bằng cách nào?

DNVN - Theo ông Lưu Vạn Khang, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mexico, Mexico là đất nước năng động trong việc tham gia các tổ chức quốc tế và các nền kinh tế với việc đã tham gia ký FTA với 16 quốc gia hoặc vùng. Chỉ với 2 FTA quan trọng là PA và T-MEC, Việt Nam có thể dùng Mexico để đẩy thương mại của mình vào thị trường khu vực châu Mỹ.

Khám phá Maserati Ghibli Hybrid vừa ra mắt, giá 1,89 tỷ đồng / Gạo Việt Nam bán tại Anh không mang thương hiệu của nhà sản xuất

Bên cạnh Canada thì Mexico cũng là quốc gia lần đầu tiên có quan hệ FTA với Việt Nam. Mexico cũng là một trong những thị trường xuất khẩu Việt Nam có tăng trưởng cao nhất tại khu vực châu Mỹ trong những năm qua.
Là quốc gia đông dân nằm giữa khối Bắc Mỹ và Trung Mỹ, có GDP cao thứ 15 thế giới, là một trong những quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới. Năm 2020, Mexico không nằm ngoài làn sóng bị suy thoái kinh tế do Covid-19 dẫn đến việc phải đóng cửa và phong tỏa. GDP của Mexico năm 2020 giảm 8,5% chỉ còn 1,098 tỷ USD, xuất nhập khẩu giảm 13,5%, trong đó xuất khẩu giảm 26%, nhập khẩu giảm 10%. Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên Mexico xuất siêu 34 tỷ USD.
Bức tranh xuất nhập khẩu của Mexico trong 2 tháng đầu năm 2021 vẫn chịu ảnh hưởng của Covid-19. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) tất cả các mặt hàng đều giảm, kể cả nhập khẩu cũng giảm đáng kể.
Theo Bộ Công Thương, có nhiều lý do để doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Mexico. Đó là thị trường tiêu thụ rộng lớn với 128 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người đạt 9,452 USD, đứng thứ hai khu vực Mỹ Latinh (sau Brazil). Là quốc gia đa sắc tộc với thị hiếu tiêu dùng phong phú. Khi tiếp cận thị trường Mexico, doanh nghiệp được hưởng ưu đãi khi hệ thống thương mại tự do cùng mức thuế nhập khẩu tương đối thấp, với mức thuế trung bình dao động từ 0% đến 35%. Thêm vào đó, Mexico có nền kinh tế ổn định với mức tăng trưởng trung bình trên 2% mỗi năm và được dự báo trở thành 1 trong 5 cường quốc kinh tế thế giới vào năm 2050 theo thứ tự lần lượt là Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Brazil.

Ảnh minh họa.
Tại hội thảo "CPTPP - Cơ hội mở rộng thị trường châu Mỹ cho hàng xuất khẩu Việt Nam" do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, khi phân tích sâu về thị trường Mexico sau 2 năm thực thi Hiệp định CPTPP, ông Lưu Vạn Khang, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mexico cho biết, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Mexico có sự bật tăng mạnh mẽ trong 2 năm đầu tiên Hiệp định CPTPP có hiệu lực. Xuất khẩu bình quân của Việt Nam sang Mexico tăng 19% trong năm 2019-2020. Năm 2019, xuất khẩu sang Mexico đạt 2,83 tỷ USD, tăng 26% so với 2018; sang năm 2020 đạt 3,17 tỷ USD, tăng 12,2%... 3 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mexico tăng 17% đạt 931 triệu USD.
Các mặt hàng XK chính của Việt Nam sang Mexico gồm điện thoại di động, máy vi tính, sản phẩm điện tử, hàng thủy sản, giày dép, hàng dệt may và máy móc thiết bị… Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu linh kiện điện tử, sắt thép, máy móc phụ tùng... từ Mexico.
Dẫn số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), ông Lưu Vạn Khang cho hay, sau 2 năm thực thi CPTPP, phần trăm giá trị mặt hàng có xuất xứ dùng form của CPTPP khi bắt đầu có hiệu lực năm 2019 là 7,18% nhưng sang năm 2020 - tức là sau 1 năm thực hiện CPTPP thì con số này đã tăng lên 29,25%, tức là tương ứng 355,1% so với cả năm 2019.
"Điều này cho thấy Hiệp định CPTPP có tác động lớn đến DN, và dần dần DN biết đến các FTA tác động như thế nào đối với DN và hi vọng con số này sẽ tăng thêm trong năm 2021", ông Lưu Vạn Khang nhìn nhận.
Trong khi đó, dẫn số liệu của Bộ Kinh tế Mexico, ông Lưu Vạn Khang cho biết: Xuất khẩu sang Mexico trong 10 năm trở lại đây luôn tăng trưởng ở mức dương, chỉ có năm 2018 là giảm 4,45%. Năm 2020 dù chịu tác động của Covid-19 nhưng xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico vẫn ghi nhận mức tăng 8,8%.
Mexico có thể trở thành cầu nối để Việt Nam tiếp cận thị trường châu Mỹ
Ông Lưu Vạn Khang chia sẻ, Thương vụ Việt Nam tại Mexico mong muốn Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nước ta nói riêng tận dụng các FTA của Mexico đã ký với các khối trong vùng để thông qua Mexico đưa sản phẩm của Việt Nam sang các nước khu vực châu Mỹ.
"Mexico là đất nước năng động trong việc tham gia các tổ chức quốc tế cũng như các nền kinh tế, đã tham gia ký FTA với 16 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ. Chúng tôi đã chọn ra 2 FTA quan trọng có thể dùng Mexico để đẩy thương mại của Việt Nam vào thị trường khu vực châu Mỹ, đó là thị trường các nước trong thỏa thuận Liên minh Thái Bình Dương (PA) và thỏa thuận Thương mại tự do Bắc Mỹ (T-MEC)", ông Lưu Vạn Khang đánh giá.
Với thị trường các nước trong thỏa thuận Liên minh Thái Bình Dương (PA), dân số khu vực này gần 230 triệu dân, GDP/đầu người vào khoảng 8.254 USD, GDP hàng năm khoảng gần 2 tỷ USD Mỹ. Trong khi đó, với thỏa thuận Thương mại tự do Bắc Mỹ (T-MEC), khu vực này với 3 nước thành viên gồm Canada, Mỹ và Mexico, với gần 500 triệu dân số, GDP hàng năm trên 24.000 tỷ USD và GDP/đầu người là trên 50.000 USD. Theo ông Lưu Vạn Khang, đây là khu vực rất quan trọng.
Hiện Mexico đang XK hơn 81% sang Mỹ, trong đó tỷ lệ này với Canada là 2,67%, Chile là 0,32%, Colombia là 0,63%, Peru là 0,29%, còn Việt Nam là 0,04%. Việt Nam là nước có tỷ trọng XK tương đối trong khu vực châu Mỹ, Việt Nam đã chiếm 1,73% trong tổng số XK của Việt Nam là 6,6 tỷ USD.
Để tiếp cận các thị trường lân cận, Tham tán thương mại Việt Nam tại Mexico cho rằng, về lâu dài vẫn là bài toán đầu tư mà các doanh nghiệp Việt phải tính toán bởi đầu tư sẽ đem lại lợi ích trực tiếp. Thứ hai có thể phát triển qua các kênh phân phối trong khu vực đã có sẵn, chẳng hạn như các hệ thống công ty, tập đoàn của Mỹ ở Mexico có rất nhiều và họ có các văn phòng đại diện tại các nước châu Mỹ. Do đó, DN Việt Nam có thể sử dụng những công ty này để nhập khẩu sang Mỹ về trụ sở chính tại Mỹ sau đó xuất khẩu sang Mexico và các nước khác.
Ông Lưu Vạn Khang cho biết thêm, bài toán đặt ra cho các cơ quan thương vụ ở châu Mỹ là làm thế nào để thúc đẩy thương mại của Việt Nam tại các nước trong khu vực. Ở Mexico có hệ thống 16 cơ quan xúc tiến thương mại, thông qua các cơ quan này, trong thời gian tới Thương vụ sẽ chọn ra một số nước Việt Nam chưa có văn phòng thương vụ ở các nước này để tiếp xúc và thúc đẩy các sản phẩm của Việt Nam sang các nước đó.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm