Đưa TP.HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế
Đó là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2019 (HEF 2019), với chủ đề "Phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế" diễn ra ngày 18/8.
Nhiều lợi thế
TP.HCM là đầu tàu kinh tế, trung tâm thương mại và trung tâm tài chính, cửa ngõ giao lưu quốc tế của cả nước. Theo đánh giá của Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (Đại học Fulbright Việt Nam), trong suốt ba thập niên kể từ đổi mới, TP.HCM luôn duy trì được vị trí tiên phong về phát triển kinh tế. Mặc dù chỉ chiếm khoảng 9,36% dân số và 0,63% diện tích, nhưng trong năm 2018, thành phố đã tạo ra khoảng 24% GDP, 26,62% số thu ngân sách, thu hút 22% nguồn vốn FDI của cả nước.
Đặc biệt, xét về hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổng vốn huy động trên địa bàn Thành phố chiếm 27,2% tổng vốn huy động cả nước vào cuối năm 2018.
Tổng dư nợ cho vay ở TP.HCM cũng chiếm tới 28,1% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế. Trên thị trường vốn, tổng giá trị vốn hóa tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM chiếm 93,5% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường.
Vị thế và tầm quan trọng của TP.HCM trong nền kinh tế Việt Nam đặt ra nhu cầu cấp thiết đối với Thành phố và Trung ương trong việc lựa chọn chiến lược phát triển tạo sự đột phá và trở thành động lực tăng trưởng mạnh mẽ không chỉ đối với Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, mà đối với toàn bộ nền kinh tế Việt Nam.
Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định: "Việc hình thành một Trung tâm tài chính quốc tế là xu thế tất yếu của thời đại, là quá trình bắt buộc phải trải qua khi trở thành thành phố toàn cầu".
Theo đó, ngay từ năm 2002, TP.HCM đã có khát vọng biến mình trở thành Trung tâm tài chính của khu vực, từng bước hội nhập toàn cầu và thị trường tài chính đã được xác định là một trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố.
Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết thêm, thị trường tài chính có vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn lực xã hội, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Đây còn là nhân tố cốt lõi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của hầu hết các đô thị trên thế giới.
Chung nhận định trên, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định nếu thành phố trở thành Trung tâm tài chính thì đất nước sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.
“30 năm qua Việt nam tăng trưởng 6%, 10 năm tới chúng tôi đặt mục tiêu tăng trưởng trên dưới 7%. Nếu làm được chúng tôi sẽ có 40 năm tăng trưởng liên tục, đây là điều kiện rất quan trọng”, Bí thư Nhân cho hay.
Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM cũng cho hay, những năm qua Việt Nam luôn giữ được tỷ suất sinh 2,06 – điều mà ông cho rằng “thế giới chưa nước nào làm được”. Theo ông đây là điều kiện quan trọng để một đất nước có cơ cấu dân số bền vững.
Ngoài ra, chính sách hỗ trợ, quyết tâm của lãnh đạo, ông Nguyễn Thiện Nhân nhận định thu hút được chuyên gia từ các trung tâm tài chính khác, thành phố còn phải là nơi có điều kiện sống “không thua nơi khác”.
Lắm thách thức
Theo nhận định, việc phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế là việc làm không mới nhưng trước những khó khăn mà thành phố đang đối diện thì cần có những giải pháp đột phá để đưa kinh tế thành phố phát triển trong thời gian tới.
Cụ thể, khó khăn của thành phố có điểm xuất phát thấp, bởi trong số 400.000 doanh nghiệp đăng kí hoạt động trên địa bàn, có hơn 98% doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, bình quân cứ 5 năm dân số thành phố tăng thêm 1 triệu người, trong khi mật độ đường giao thông, nhà ở không theo kịp.
Không những thế, tỉ lệ ngân sách thành phố được giữ lại giảm từ mức 26% giai đoạn 2007 - 2010 xuống còn 18% giai đoạn 2017 - 2020.
Ngoài ra tình trạng khan hiếm nguồn lực phát triển vốn đã khó khăn càng trở nên trầm trọng, khiến cho tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút, cơ sở hạ tầng quá tải và xuống cấp, môi trường sống trở nên ô nhiễm và thiếu an toàn.
Chính những yếu tố này cùng nhau làm giảm sức hấp dẫn của TP.HCM, tác động tiêu cực đến triển vọng phát triển thành phố trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh - giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright (Đại học Fulbright) cho biết, một thực tế không thể phủ nhận là tỉ lệ ngân sách mà TP.HCM được giữ lại ngày càng giảm, từ đó làm giảm động lực phát triển của địa phương, dẫn đến thực trạng vai trò và vị thế của các đô thị lớn như TP.HCM ngày càng giảm.
Trong khi đó, vị thế của TP.HCM trong chiến lược tổng thể phát triển hệ thống tài chính nói chung và thị trường tài chính nói riêng của Việt Nam khó tách rời.
Không những thế, các chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, phí giao dịch tài chính… đều ở tầm quốc gia, nhưng nhiều chính sách liên quan đến môi trường kinh doanh ở tầm quốc gia chưa thực sự tạo điều kiện cho sự phát triển năng động của thị trường tài chính.
Để cải thiện vấn đề này, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh cho biết thành phố cần thay đổi trong tiếp cận, nương theo biến động và xu thế của khu vực và thế giới, không theo lối mòn truyền thống.
"TP.HCM phải đi theo những con đường mới, tìm ra những ngách để bức phá. TP.HCM là giao điểm giữa Đông và Tây Nam bộ nên giao dịch về hàng hóa cũng là một ngách để phát triển. Nếu tận dụng tốt ưu thế này, thành phố có thể lọt vào danh sách trung tâm tài chính của quốc tế, dần dần khẳng định vị thế trên thế giới", ông Tự Anh chia sẻ.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TPHCM không chỉ là mong muốn của thành phố mà còn là nhiệm vụ của cả nước.
Hiện nay có 52% doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào TP.HCM, trong khi chỉ có 48% các doanh nghiệp đầu tư tại 62 tỉnh, thành; 87% giá trị giao dịch chứng khoán của cả nước diễn ra ở Sở Giao dịch TPHCM. Bên cạnh đó, TP là trung tâm đi đầu về công nghệ, cải cách hành chính và giáo dục.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị các bộ ngành, các tỉnh, thành khác trên cả nước, đặc biệt trong khu vực Đông Nam Bộ phải cùng chung tay hợp lực, đưa ra cơ chế, chính sách vượt trội để hỗ trợ TP.HCM thực hiện đề án một cách hiệu quả nhất. “Muốn đột phá phải có chính sách cao hơn bình thường để đề án có thể triển khai”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ra mắt liên minh đổi mới đối tác AI tạo sinh
Kê khai sai thuế, Công ty Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 D2D bị phạt hơn 865 triệu đồng
Đà Nẵng: Liên tiếp xử phạt bán hàng giả nhãn hiệu nổi tiếng tại quận du lịch trọng điểm
Nền tảng ngân hàng số cho doanh nghiệp
Doanh nghiệp Việt cung cấp giải pháp số sáng tạo tại thị trường Trung Đông
Hai thách thức lớn doanh nghiệp phải đối mặt khi bán sản phẩm ra thị trường toàn cầu