ESG là cơ hội, không phải mối đe dọa với doanh nghiệp
DNVN - Thuật ngữ ESG - bộ tiêu chuẩn đo lường những yếu tố liên quan đến hoạt động phát triển bền vững của một doanh nghiệp (DN) còn tương đối mới ở Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới. Tuy vậy, các DN Việt Nam nên coi thay đổi này là cơ hội để từ đó có thể bắt nhịp được với xu thế toàn cầu.
Đà Nẵng: Khuyến cáo người dân khi mua nhà ở xã hội An Trung 2 / Gốm sứ Minh Long và sản phẩm Sao Thái Dương hút khách tại Hainan Expo 2023
Cơ hội với doanh nghiệp
ESG (Environmental – Social – Governance) là một bộ tiêu chuẩn đo lường những yếu tố liên quan đến hoạt động phát triển bền vững của một DN. Nó bao gồm các tiêu chí về môi trường, xã hội và quản trị DN.
Hiện ESG trở thành một trong những tiêu chuẩn hàng đầu để nhà đầu tư lựa chọn DN đầu tư, đặc biệt là trong và sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Bên cạnh lợi ích kinh tế, tuân thủ theo ESG là lựa chọn sống còn của DN.
Tại hội thảo "Lộ trình chuyển đổi xanh và những điều doanh nghiệp cần biết" do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tổ chức chiều 14/4, ông Vũ Chí Công - Trưởng phòng cấp cao về ESG của VinaCapital cho biết, thuật ngữ ESG còn tương đối mới ở Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, thực hành ESG đã được thực hiện từ lâu.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban IV nhìn nhận, DN Việt Nam đã thực hành ESG một cách rời rạc từ nhiều năm trước. Trong bối cảnh hiện nay, ESG không còn là câu chuyện "thích thì làm". Tới đây DN phải thực hiện những quy định mang tính bắt buộc, trước mắt là thị trường châu Âu và sau đó là các thị trường khác mà Việt Nam có nhiều hoạt động xuất nhập khẩu.
Theo giới chuyên gia, tuân thủ theo ESG là lựa chọn sống còn của doanh nghiệp.
Theo ông Võ Chí Công, các DN Việt Nam nên coi những thay đổi này là cơ hội chứ không phải là mối đe dọa để từ đó có thể thực hiện các thay đổi một cách chủ động.
Theo đó, DN cần nhận thức được về sự cần thiết của tính minh bạch và công bố thông tin. Tính minh bạch và công khai sẽ nâng cao lợi thế cạnh tranh và củng cố hình ảnh của các DN với tư cách là đối tác đáng tin cậy. ESG sẽ trở thành một phần bắt buộc nếu DN muốn nhận vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài và xuất khẩu sản phẩm của mình sang các quốc gia khác.
Ví dụ, Tập đoàn Lego của Đan Mạch vừa cam kết đầu tư 1 tỷ USD vào Việt Nam đòi hỏi đối tác phải triển khai thực hành ESG ở mức độ nhất định.
"Chúng tôi tin rằng bằng cách tích cực truyền thông tầm nhìn và hành động của DN hướng tới các thực hành ESG tốt hơn, đội ngũ lãnh đạo DN sẽ củng cố cam kết của họ và hình ảnh của DN trong việc tạo ra giá trị bền vững. Những hoạt động truyền thông như vậy cần phải bắt đầu ngay từ bây giờ", Trưởng phòng cấp cao về ESG của VinaCapital nhấn mạnh.
Về phương thức truyền thông, bước đầu tiên DN có thể làm là công bố các thông tin về ESG. DN có thể công bố những kết quả đạt được cũng như các kế hoạch để đáp ứng các tiêu chuẩn ESG cao hơn. Xây dựng các mục tiêu và cho thấy các mục tiêu này đã được DN hiện thực hóa là một trong những cách tốt nhất chứng minh sự tin cậy và cam kết của DN.
Lộ trình chuyển đổi
Theo ông Nguyễn Phương Nam - CEO Klinova, chuyển đổi xanh là điều không thể thiếu ở các nước đang phát triển. Chúng ta cần có thời gian để chuyển đổi xanh và chuyển đổi xanh cần sự hỗ trợ rất lớn từ quốc tế.
Trong bối cảnh Việt Nam đang dần hội nhập quốc tế sâu rộng thông các FTA, DN phải tuân thủ các tiêu chí toàn cầu về ESG. Đầu tư bây giờ phải là đầu tư có trách nhiệm chứ không phải đầu tư vì lợi nhuận đơn thuần. Do đó, tiền không phải là vấn đề lớn nhất, mà vấn đề quan trọng nhất lại là cơ chế, chính sách và sự sẵn sàng của các dự án cụ thể ở những nước như Việt Nam, Mông Cổ, Bangladesh, các nước khu vực Đông Nam Á.
Tuy vậy, nhận thức về ESG của DN cũng đóng vai trò rất quan trọng. DN cần tự thân vận động, nâng cao nhận thức, hiểu biết về hệ sinh thái khí hậu. Góp phần bổ sung vào nguồn vốn thiếu hụt cho tài chính xanh, tài chính khí hậu. Biến thách thức thành cơ hội sản xuất, kinh doanh. Đồng thời đầu tư có trách nhiệm để phát triển bền vững - vấn đề không thể đảo ngược đối với tất cả các DN Việt Nam. Khối tư nhân đầu tư cho tài chính xanh, tài chính khí hậu thông qua cho vay xanh, trái phiếu xanh và thị trường carbon.
Cho rằng ESG là cả một quá trình chứ không phải là đích đến, CEO Klinova khuyến nghị cấp lãnh đạo DN Việt Nam cần tái cấu trúc phát triển mô hình kinh doanh trong dài hạn. Cụ thể, học hỏi, cập nhật xu thế về mô hình kinh doanh tinh gọn, hiệu quả, có trọng tâm, nâng cao chất lượng quản trị, điều hành DN. Chuyển đổi mô hình kinh doanh, sản xuất theo hướng xanh hơn, bền vững hơn, ít thâm dụng lao động, tiêu thụ nhiều tài nguyên, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng giá trị thặng dư.
Hướng tới và chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ sản xuất, áp dụng các tiêu chuẩn toàn cầu về xanh và bền vững cho sản phẩm và dịch vụ của DN.
Cùng với đó là tái đầu tư hướng đến đầu tư vào con người của DN trong trong dài hạn.
Ở cấp triển khai cụ thể, cần sự thích ứng và phát triển bền vững của chính DN. Theo đó, DN cần tự đánh giá hiện trạng, mức độ áp dụng thực hành ESG của DN. Xây dựng thói quen, quy định nội bộ thông kê số liệu sản xuất theo các bộ chỉ số phát triển bền vưng để hướng đến hoàn thiện các công bố thông tin ESG.
Tối ưu hóa quy trình, hình thành bộ phận R&D trong sản xuất để giảm sử dụng tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao chất lượng sản phẩm để hướng tới nhiều thị trường mới, phân khúc khách hàng cao hơn.
Tạo dựng hình ảnh, thương hiệu sản phẩm của một DN đầu tư có trách nhiệm và bền vững hiện có của DN. Đồng thời mở rộng thị trường và đón đầu các xu thế mới về xanh và bền vững.
Ngoài ra, cần tìm hiểu và tập trung cải thiện các tiêu chí về phân loại xanh, chuyển dịch xanh để tăng cơ hội có được dòng vốn đầu tư từ nguồn tín dụng xanh, trái phiếu xanh cũng như các quỹ đầu tư tác động tại Việt Nam và trên thế giới...
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo