EU và Hoa Kỳ hủy, hoãn đơn hàng: Tính ngay phương án giảm thiệt hại cho DN
DNVN - Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, hiện vẫn chưa có hạn chế nào của EU hay Hoa Kỳ về việc dừng nhập hàng dệt may từ Việt Nam và điều này đơn thuần chỉ là quyết định của các nhà mua hàng tại các thị trường này do gặp khó khăn từ dịch COVID-19. Tuy vậy, Bộ trưởng chỉ đạo cần phải tính ngay đến phương án giảm thiệt hại cho doanh nghiệp.
Nhập khẩu thịt lợn và xuất khẩu thịt gà sang Nga / Tiếp tục cắt giảm điều kiện kinh doanh, gỡ khó cho DN trong bối cảnh dịch Covid-19
Chiều 20/3, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát, lan rộng ở nhiều quốc gia và có diễn biến phức tạp. Cuộc họp được tổ chức nhằm rà soát toàn bộ quá trình triển khai nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua tại Bộ Công Thương, xây dựng các kế hoạch, kịch bản ứng phó trong giai đoạn mới, với những diễn biến mới.
Một trong những nội dung được các lãnh đạo Bộ Công Thương cũng như đại diện các đơn vị thuộc Bộ đề cập là việc mới đây Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định đóng cửa biên giới ngoài EU trong 30 ngày đối với những người không phải là công dân của khối để ngăn chặn đại dịch. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo của tất cả các quốc gia thành viên EU đã thống nhất với đề xuất của Ủy ban châu Âu thông qua một kế hoạch chung đóng cửa biên giới khu vực lãnh thổ EU.
Mặc dù Bộ Công Thương, cụ thể là Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ nhận định việc EU phong tỏa biên giới trước mắt không ảnh hưởng đến luồng hàng hóa của Việt Nam song trên thực tế xuất hiện nhiều diễn biến đáng lo khi mấy ngày gần đây các DN trong nước nhận được đề nghị giãn, lùi tiến độ giao hàng từ các đối tác Mỹ và EU, nhất là các doanh nghiệp dệt may.
Ông Tạ Hoàng Linh – Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ chia sẻ, sau khi có thông tin một số đối tác từ EU và Hoa Kỳ thông báo dừng nhập hàng dệt may, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ đã làm việc với Phái đoàn liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam và Đại sứ quán Mỹ.
Theo đó, Phái đoàn liên minh châu Âu cho rằng, việc EU đóng cửa biên giới chỉ là biện pháp kiểm dịch để bảo đảm sức khoẻ của người dân, không phải là phong tỏa. Các hàng hóa, dịch vụ tới EU vẫn tiếp tục lưu thông, nhất là các mặt hàng thiết yếu như: thực phẩm, thuốc men... bởi chính sách này không tác động trực tiếp tới xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam - EU. Đại sứ quán Hoa Kỳ cũng cho biết không áp dụng bất kỳ biện pháp nào ngăn chặn tiếp cận thị trường của hàng Việt Nam sang thị trường này.
Trước đó, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho biết, việc EU đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn Covid-19 lây lan trước mắt có thể chưa tác động trực diện đến hoạt động XNK hàng hóa giữa Việt Nam và EU nhưng xét trên một số khía cạnh kinh tế, các biện pháp kiểm soát dịch trên thực tế sẽ ảnh hưởng đến tốc độ luân chuyển hàng hóa từ khâu XK, vận chuyển, thông quan, bốc dỡ đến tiêu thụ hàng hóa...
Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho rằng, quy định kiểm soát dịch bệnh này của EU trước mắt có thể chưa tác động trực diện đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU bởi lẽ quy định này chỉ áp dụng đối với hành trình di chuyển của các cá nhân; hoạt động vận chuyển, thông thương hàng hóa cơ bản không bị hạn chế.
Tuy nhiên, với số liệu được Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đưa ra cho thấy dệt may Việt Nam có đến 95% dành cho xuất khẩu, còn lại là tiêu thụ ở trọng nước thì những diễn tiến trên rõ ràng đặt ra nhiều thách thức mới.
Về vấn đề này, tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, hiện vẫn chưa có hạn chế nào của cơ quan chức năng EU hay Hoa Kỳ về việc dừng nhập hàng dệt may từ Việt Nam. Điều này đơn thuần chỉ là quyết định của các nhà mua hàng tại các thị trường này do gặp khó khăn từ dịch COVID-19.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, phải tính ngay đến phương án giảm thiệt hại cho DN.
Tuy nhiên, việc các đơn hàng từ hai thị trường lớn EU và Hoa Kỳ đang hoãn, hủy buộc cơ quan chức năng phải tính ngay phương án giảm bớt thiệt hại cho doanh nghiệp.
Cho rằng đây là 2 thị trường quan trọng, ảnh hưởng đến mục tiêu và kế hoạch, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu trong chuỗi cung ứng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ cần theo dõi sát diễn biến tình hình của các quốc gia trên, đề xuất các giải pháp và đối sách cụ thể trong thời gian tới để ưu tiên triển khai khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, thống nhất cơ chế chính sách, tạo thuận lợi hỗ trợ thị trường.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho biết, ngay đầu tuần tới cục sẽ có cuộc họp với các doanh nghiệp ngành dệt may để tìm cách tháo gỡ khó khăn; đồng thồi phối hợp với các đơn vị rà sát tình hình các thị trường mới còn nhiều dư địa.
Với các thị trường khác, đại diện Vụ Thị trường châu Á – châu Phi cho rằng, cần đẩy mạnh công tác xuất nhập khẩu tại các thị trường mới hồi phục (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) và thị trường ASEAN. Về ý kiến này, người đứng đầu Bộ Công Thương yêu cầu Vụ Thị trường châu Á – châu Phi nghiên cứu, đánh giá kỹ về các thị trường, cần tái cơ cấu khâu chế biến và phát huy mối quan hệ với các nước láng giềng…
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Chính phủ và các Bộ, ngành sẽ làm hết sức mình để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý, các giải pháp cũng không thể cầu toàn, doanh nghiệp cũng không thể chỉ trông chờ vào Nhà nước, cần có sự chủ động và trách nhiệm, có tính toán cụ thể để nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Trong khi đó, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định, Covid-19 ảnh hưởng mạnh đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thứ trưởng đề nghị các Vụ cần làm việc cụ thể với các Hiệp hội, ngành hàng để các hiệp hội, ngành hàng rà soát, đánh giá khó khăn của đối tượng doanh nghiệp này, đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đề xuất Bộ trưởng chỉ đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên hoàn thiện sớm bộ hồ sơ để Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA, tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy xuất nhập khẩu của Việt Nam nhanh chóng bứt phá những tháng cuối năm 2020.
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
Một mặt hàng xuất sang Philippines tăng mạnh, đạt 2,6 tỷ USD
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024
Cột tin quảng cáo