Thị trường

EVFTA và EVIPA: FDI vào Việt Nam sẽ gia tăng không chỉ từ các nước thành viên EU

DNVN - Khi EVFTA và EVIPA có hiệu lực, vốn FDI vào Việt Nam sẽ gia tăng không chỉ từ các nước thành viên EU tìm kiếm cơ hội tiếp cận thị trường Việt Nam, mà còn từ các nhà đầu tư các nước khác tìm kiếm cơ hội thông qua Việt Nam tiếp cận thị trường EU.

EVFTA là cứu cánh giúp DN lấy lại đà tăng trưởng hậu Covid-19 / EVFTA tác động thế nào đến "nồi cơm" của người dân Việt?

Đây là nhận định của Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) khi đánh giá về tác động của EVFTA và EVIPA đối với đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Theo Vụ Kế hoạch, trong bối cảnh xu hướng dịch chuyển đầu tư ngày càng rõ nét trên toàn cầu, Hiệp định EVIPA và EVFTA sẽ góp phần tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút dòng vốn đầu tư đang chuyển hướng, đồng thời hạn chế việc suy giảm nguồn vốn FDI theo xu hướng chung của thế giới.
Các cam kết về thuận lợi hóa đầu tư cùng với mức độ tự do hóa các ngành dịch vụ của Việt Nam dành cho các nhà cung cấp dịch vụ của EU tăng lên, đặc biệt là dịch vụ kinh doanh, dịch vụ môi trường, dịch vụ bưu chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải biển. Điều này sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam tăng trong thời gian tới.

Cùng với những cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư theo Hiệp định EVFTA, việc thực thi Hiệp định EVIPA sẽ tạo môi trường thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư trong một số lĩnh vực mà EU có tiềm năng và thế mạnh do mức độ tự do hóa đầu tư của EU vào Việt Nam sẽ được tăng thêm theo quy định của 2 Hiệp định này, đặc biệt là trong một số ngành dịch vụ chuyên môn, dịch vụ môi trường, dịch vụ bưu chính, dịch vụ tài chính, dịch vụ ngân hàng, dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ vận tải biển, dịch vụ viễn thông, dịch vụ phân phối. Điều này sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam trong thời gian tới, không chỉ trong các ngành nêu trên mà còn trong nhiều ngành EU có thế mạnh như: công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, việc thực thi các nghĩa vụ theo Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể xác lập và bảo vệ thành quả đầu tư cho hoạt động sáng tạo, từ sáng tạo đổi mới công nghệ, mẫu mã, bao bì đến nhãn hiệu sản phẩm và dịch vụ một cách thuận lợi hơn. Điều này sẽ tạo môi trường tốt cho việc thu hút ĐTNN, nhận chuyển giao công nghệ của nước ngoài để nâng cao chất lượng sản phẩm của Việt Nam trong ngắn hạn và tạo điều kiện từng bước nâng cao năng lực công nghệ nội sinh của Việt Nam trong dài hạn.
Mặt khác, quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA được quy định chặt chẽ hơn sẽ thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài tăng cường đầu tư vào sản xuất hàng hóa tại Việt Nam để tận dụng lợi thế về tiếp cận thị trường EU của Việt Nam, giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong các chuỗi giá trị toàn cầu.
Dự kiến dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ gia tăng không chỉ từ các nước thành viên EU tìm kiếm cơ hội tiếp cận thị trường Việt Nam, và thông qua Việt Nam tiếp cận thị trường các nước ASEAN khác, mà còn từ các nhà đầu tư các nước khác tìm kiếm cơ hội thông qua Việt Nam tiếp cận thị trường EU.
Về chất lượng đầu tư, với EVFTA và EVIPA, đầu tư từ các đối tác có nguồn gốc từ các nước phát triển trong EU sẽ tăng, kỳ vọng giúp cải thiện đáng kể chất lượng đầu tư (về vốn, về công nghệ, về kinh nghiệm quản trị), có thể góp phần hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế trong nước. Thông qua liên kết sản xuất với doanh nghiệp có vốn đầu tư của EU, doanh nghiệp trong nước sẽ có cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của EU và toàn cầu, được chuyển giao công nghệ, kỹ năng, qua đó sẽ nhận được tác động lan tỏa về công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, góp phần tăng sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế.
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm