Gắn thương hiệu trái cây với HTX
Vài tháng trước, Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH-CN&MT) tỉnh Long An đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch tập thể vùng trái cây (trái thanh long) xuất khẩu (XK) của Tổng cục Đo lường chất lượng Việt Nam cho 5 HTX trên địa bàn huyện Châu Thành, gồm: HTX Thanh Long Tầm Vu, HTX Dương Xuân, HTX Thuận Mỹ, HTX Thanh Phú Long và HTX Thuận Mỹ.
Độc quyền nhãn hiệu thanh long
Với đề án 2.000 ha thanh long ứng dụng công nghệ cao, đến nay, huyện Châu Thành đã thực hiện được 1.633,85 ha/2.000 ha với 2.730 hộ tham gia, đạt 81,6% so với đề án, trong đó có sự góp sức lớn của các HTX nêu trên.
Huyện đã và đang phối hợp với ngành chức năng của tỉnh Long An tiếp tục thực hiện các quy định cấp mã vùng trái cây XK, cho các HTX trên địa bàn, để trong thời gian tới trái thanh long của Long An dễ dàng XK sang các thị trường khó tính, đem lại hiệu quả cao cho người nông dân.
Ngay như vừa qua khi tình trạng ùn ứ xe chở thanh long XK tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), tự tin với thương hiệu của mình, cũng như quyền sử dụng mã số mã vạch, một số HTX trồng thanh long của huyện như HTX Thanh long Tầm Vu, HTX Vạn Thành thay vì xuất theo đường bộ thì đã mạnh dạn xuất thanh long chính ngạch bằng đường biển từ cảng Cát Lái (Tp.HCM).
Còn theo ông Trương Quang An - Giám đốc HTX Thanh long Tầm Vu, ngoài việc sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt, an toàn, uy tín, chất lượng (VietGAP), HTX còn tìm kiếm thị trường ở nhiều nước bằng cách đăng ký nhãn hiệu hàng hóa độc quyền của HTX Thanh long Tầm Vu đi 5 nước: Mỹ, Nhật, Pháp, Singapore, Trung Quốc và đã được công nhận vài năm trước đây.
Ông An đề xuất cần tạo điều kiện cho HTX tiếp cận được khoa học công nghệ mới để đáp ứng được nhu cầu thị trường ngày một đòi hỏi cao hơn. Nhà nước cần hỗ trợ cho HTX chi phí thực hiện GAP và chứng nhận, tái chứng nhận trong thời gian 5 năm.
Một trường hợp khác có thể kể đến là nhãn hiệu “Chanh không hạt Hậu Giang” từ 6 năm trước đã Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ KH&CN cấp cho HTX Nông nghiệp Thạnh Phước (xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, Hậu Giang) và cho đến nay luôn khẳng định tính hiệu quả, nổi tiếng trong và ngoài nước với chủng loại chanh không hạt được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.
Với diện tích canh tác đến nay đã mở rộng lên 97 ha, ông Nguyễn Văn Thật - Giám đốc HTX Nông nghiệp Thạnh Phước, cho biết mỗi ngày, HTX thu hoạch 7 - 10 tấn chanh với cây cho trái quanh năm, tính bình quân thu hoạch là 40 tấn/ha/năm. Ngoài ra, mỗi năm HTX còn sản xuất 300.000 cây giống chanh không hạt để cung cấp cho các nông dân trong và ngoài tỉnh.
Hiện nay, sau khi thu hoạch chanh rồi đưa vào dây chuyền lựa, rửa, đóng gói, HTX XK chanh qua trung gian là các DN thu mua tại Tp.HCM, Long An (các DN này chuyên xuất chanh sang thị trường Trung Đông, Thái Lan, Singapore, Ấn Độ…).
“Chanh không hạt Hậu Giang”
Với nhãn hiệu nêu trên đã giúp nâng cao giá trị trái chanh không hạt và tạo đầu ra ổn định cho HTX. Thời gian qua, HTX đã ký kết hợp đồng cung ứng chanh trái không hạt cho các đơn vị gồm: Siêu thị Co.opMart Cần Thơ, công ty Sam San Tp.HCM, Metro Cần Thơ.
Theo ông Thật, với mỗi cân chanh không hạt, thành viên HTX bỏ ra chi phí sản xuất tối đa là 3.000 đồng, với mức giá dù dao động 7.000 - 8.000 đồng/kg đến 13.000 - 14.000 đồng/ kg hoặc khi sốt giá đến 20.000 đồng/kg thì phần lãi mang lại cho thành viên HTX là rất lớn.
Trong tháng 10 vừa qua, nhằm nâng cao giá trị, thương hiệu cho sản phẩm và nâng tầm nhận thức về sở hữu trí tuệ, dự án Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Chanh không hạt Hậu Giang” cho sản phẩm chanh không hạt của tỉnh Hậu Giang đã được Hội đồng KH&CN tỉnh Hậu Giang thông qua thuyết minh.
Theo đó, Chủ nhiệm dự án sẽ thực hiện trên địa bàn huyện Châu Thành, trực tiếp là HTX Nông nghiệp Thạnh Phước với nội dung: Thiết lập, vận hành mô hình quản lý nhãn hiệu tập thể bằng công nghệ Blockchain trên vườn chanh thực tế của thành viên HTX.
Đồng thời, xây dựng hệ thống các văn bản quản lý nhãn hiệu tập thể để nâng cao hiệu quả công tác quản lý và sử dụng nhãn hiệu; hệ thống kiểu dáng công nghiệp, hệ thống tem nhãn, bao bì sản phẩm thẩm mỹ và đúng quy định pháp luật.
Dự kiến, hiệu quả của dự án sẽ làm gia tăng thêm giá trị cho trái chanh không hạt Hậu Giang, nhất là người dân trực tiếp sản xuất ra trái chanh tại HTX Nông nghiệp Thạnh Phước.
Có thể thấy, với trái thanh long Tầm Vu, trái chanh không hạt Hậu Giang, hay những thương hiệu trái cây khác được cấp bởi Cục Sở hữu trí tuệ, sẽ mang lại giá trị lớn cho những HTX trong lĩnh vực này.
Một chuyên gia của Viện Cây ăn quả miền Nam cho rằng, đầu ra cho cây ăn trái của các HTX nông nghiệp sẽ tốt hơn nếu như chính quyền địa phương cùng với HTX xây dựng được thương hiệu, sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ cho từng loại cây trồng.
Nhất là ở các địa phương đã và đang xây dựng các mô hình HTX, THT cây ăn trái, thì rất cần cơ quan chức năng, DN liên kết với HTX đẩy mạnh phát triển thương hiệu, xây dựng chuỗi giá trị nông sản sẽ giúp thành viên HTX ổn định đầu ra, nâng cao thu nhập.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam