Thị trường

Gia hạn thuế hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất

Chính sách giãn thuế, giảm thuế là việc làm thiết thực giúp cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, kịp thời ổn định sản xuất.

20,5 tỷ USD hỗ trợ châu Á - Thái Bình Dương phục hồi sau COVID - 19 / Từ ngày 24/4, khách vay gặp khó khăn được ngân hàng giãn nợ một năm

Cuối tuần qua, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 58, về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, trong đó, nhấn mạnh tới việc khơi thông các điểm nghẽn với phương châm "sớm nhất, hiệu quả nhất".

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Nghị định 12 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân vàtiền thuê đấttrong năm 2023 cũng vừa được ban hành, tiếp nối chính sách giảm 30% tiền thuê đất được ban hành trước đó. Liên tục nhiều chính sách được thực thi, mở ra kỳ vọng sẽ tạo nên chuyển biến tích cực trong nền kinh tế.

Nghị định 12 quy định, thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp quý 1 và quý 2 được gia hạn trong thời gian 3 tháng, tiền thuê đất sẽ được gia hạn 50% trong thời gian 6 tháng. Đối với thuế GTGT cũng được gia hạn trong thời gian từ 3 đến 6 tháng tùy từng thời điểm tính thuế.

Bà Đỗ Thị Thùy, Giám đốc tài chính Công ty TNHH CEDO Việt Nam, cho biết: "Với nguồn trợ giúp đó, trong năm nay có thêm máy móc, chúng tôi chắc chắn vẫn đảm bảo không bị ảnh hưởng nguồn nguyên vật liệu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Thực sự chính sách này tôi nghĩ nó như là liều vaccine trợ giúp cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn".

Ông Trương Ngọc Minh, Phó giám đốc Công ty cổ phần Viglacera Tiên Sơn, nói: "Chính sách giãn thuế, giảm thuế là việc làm thiết thực giúp cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, kịp thời ổn định sản xuất trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, để doanh nghiệp sớm ổn định và phát triển".

Quý 1 năm nay, tỉnh Bắc Ninh, 1 tỉnh mạnh về sản xuất công nghiệp lại có mức tăng trưởng thấp nhất cả nước (-11,85%). Động lực tăng trưởng chính là các doanh nghiệp FDI đều gặp khó khăn do các đơn hàng sụt giảm. Vì vậy, trong lúc này chính sách gia hạn nộp thuế, giảm tiền thuê đất như tiếp thêm sức cho các doanh nghiệp.

Ông Ngô Xuân Tòng, Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bắc Ninh, nói: "Chính phủ ban hành giãn thuế Nghị định 12 đã sớm hơn Nghị định 34 của năm 2022. Dự báo của chúng tôi số thuế được gia hạn tăng hơn vì số tháng được gia hạn nhiều hơn 2022. Tôi cho rằng đây là nguồn lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phục hồi và có cơ hội phát triển".

Gia hạn thuế hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất - Ảnh 1.

Dự kiến, số tiền thuế, tiền thuê đất được xem xét gia hạn cho năm 2023 sẽ vào khoảng 110 nghìn tỷ đồng.

Không chỉ gia hạn tiền thuế, mới đây Chính phủ đã đồng ý Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội chính sách giảm 2% thuế GTGT với tất cả các hàng hóa. Nếu áp dụng cho 6 tháng cuối năm, người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể được giảm tới 35 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, rất nhiều chính sách hỗ trợ về thuế, phí khác đã được ban hành và đang được đề xuất như: Giảm thuế BVMT với xăng dầu khoảng 38 nghìn tỷ đồng, Giảm tiền thuê đất 3,5 nghìn tỷ đồng, giảm 35 khoản phí, lệ phí khoảng 700 tỷ đồng… Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, dự kiến năm 2023 các chính sách về thuế, phí hỗ trợ người dân và DN sẽ vào khoảng 198 nghìn tỷ đồng.

Giãn, giảm thuế để chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, người dân

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, quý 1 thu ngân sách khó khăn khi có xu hướng giảm dần qua các tháng, số thu tháng 3 giảm so với tháng 2 và tháng 2 giảm so với tháng 1. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế quý 1 chỉ đạt 3,32%, số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng giảm 16% so với cùng kỳ. Thế nhưng, trước tình cảnh hiện nay nhiều doanh nghiệp gặp khó vì đơn hàng sụt giảm, thiếu vốn sản xuất, đòi hỏi ngay lúc này cần có sự hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để có thể duy trì nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi.

Ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính, nói: "Chúng tôi nghĩ đây cũng là cú hích, chia sẻ động viên tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển vì nếu doanh nghiệp phát triển, nền kinh tế cũng sẽ phát triển. Doanh nghiệp phát triển thì sẽ thanh nợ được ngân hàng, thanh toán được nợ trái phiếu, tạo công ăn việc làm, nộp thuế được đầy đủ. Như vậy, chính sách tài khoán mới có hiệu quả, nên các chính sách đều hướng về doanh nghiệp để họ làm ăn hiệu quả".

Theo các chuyên gia, mặc dù thu ngân sách có thể khó khăn trong bối cảnh hiện nay, song việc cân đối các mức hỗ trợ sẽ là giải pháp quan trọng để kích cầu tiêu dùng và sản xuất, tạo đà cho tăng trưởng trong thời gian tiếp theo của năm.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm