Giá kén tằm tăng cao: Kẻ cười, người... khóc
Nghề “ăn cơm đứng” hồi sinh...
Như Doanh nghiệp Việt Nam đã thông tin, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, giá kén tằm đang tăng cao, giao động từ 160.000 – 170.000 đồng/kg. Với mức giá như hiện nay, trung bình một hộp tằm giống nuôi trong 15 ngày sẽ cho thu hoạch thì người dân đã có lãi từ 7 – 8 triệu đồng.
Theo các hộ dân trồng dâu nuôi tằm, so với năng suất và mặt bằng giá cả trong cùng thời điểm 3 năm vừa qua, thì trên 01ha trồng dâu nuôi tằm giống mới, mỗi năm thu lợi nhuận cao hơn từ 2,5 đến 3 lần so với các loại nông sản khác.
Mấy năm nay, nghề trồng dâu nuôi tằm ở Lâm Đồng hồi sinh trở lại (Ảnh: VH)
Chị Nguyễn Thị Hạnh, một hộ trồng dâu nuôi tằm ở xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà - địa phương có diện tích trồng dâu nuôi tằm lớn nhất tỉnh Lâm Đồng (2.600ha) - cho biết, mấy năm nay, giá kén giữ ở mức cao, từ 120.000 – 150.000 đồng/kg, có lúc lên đến 220.000 đồng/kg, mang lại thu nhập ổn định cho người trồng dâu nuôi tằm. Với mức giá này, nông dân lãi cao hơn nhiều so với trồng những loại cây nông nghiệp khác, nên nhiều hộ nông dân đang chuyển đổi từ sản xuất cà phê, lúa, chè... sang trồng dâu nuôi tằm.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 5.200ha dâu tằm, sản lượng kén tằm đạt trên 5.000 tấn/năm với gần 16.000 hộ dân trồng dâu, nuôi tằm tại 10 huyện và thành phố Bảo Lộc. Năm 2017, các sản phẩm tơ tằm phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa mang thương hiệu xuất xứ từ Bảo Lộc đạt giá trị gần 10 triệu USD.
Giá kén tằm tăng cao là do nguồn cung không đáp ứng đủ cầu của các cơ sở ươm tơ dệt lụa trong và ngoài tỉnh. Tơ tằm Việt Nam là mặt hàng được các thị trường quốc tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... ưa chuộng và trong nhiều năm qua, tơ Lâm Đồng được sản xuất chủ yếu để xuất khẩu.
Doanh nghiệp tơ tằm càng làm càng lỗ
Trái ngược hoàn toàn với sự khấp khởi của người dân làm nghề “ăn cơm đứng”, giá kén tằm tăng cao, khiến nhiều doanh nghiệp, cơ sở ươm tơ (cả ươm tơ tự động và ươm tơ cơ khí) đang điêu đứng, sản xuất cầm chừng và có nguy cơ đóng cửa vì vì giá sản phẩm đầu ra không theo kịp giá nguyên liệu đầu vào.
Nhiều doanh nghiệp, cơ sở ươm tơ tằm ở Lâm Đồng đang phải sản xuất cầm chừng vì càng làm càng lỗ (Ảnh: VH)
“Theo tính toán, gần 01 tháng qua, trung bình mỗi ngày hoạt động sản xuất tại cơ sở ươm tơ của gia đình tôi bị thua lỗ vài triệu, có lúc cả chục triệu đồng, do đó phải sản xuất cầm chừng, ngày làm ngày nghỉ. Nếu giá kén cứ đà tiếp tục tăng như thế này thì phải đóng cửa vì càng làm càng lỗ”, người phụ nữ đã gắn bó với nghề ươm tơ từ năm 1975 đến nay, chua xót.
Điều đáng nói là dù thấy lỗ nhưng nhiều doanh nghiệp, cơ sở ươm tơ vẫn phải sản xuất cầm chừng mỗi tuần 3-4 ngày để giữ chân người lao động. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp phải “gồng” mình chịu lỗ để hoàn thành các hợp đồng đã ký với khách trước đây.
Nếu không có sự điều tiết, tháo gỡ khó khăn của ngành chức năng thì ngành tơ tằm Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung lại sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn (Ảnh: VH)
Trao đổi với phóng viên,ông Phạm Phú Bình, Giám đốc Công ty TNHH Tơ tằm Phú Cường (xã Đại Lào, TP. Bảo Lộc) cho rằng, hiện tại do nguồn cung không đủ cầu nên đã và đang xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán không lành mạnh giữa các thương lái và các doanh nghiệp, cơ sở ươm tơ. Với tình hình này, trước mắt người nông dân đang được hưởng lợi, nhưng về lâu dài thì với việc cạnh tranh không lành mạnh như hiện nay, thiệt hại lớn nhất chắc chắn sẽ lại là người nông dân.
“Nếu giá kén vẫn tiếp tục giữ ở mức caothì chắc chắn nhiều doanh nghiệp, cơ sở ươm tơ không đủ tiềm lực, nguồn vốn để mua nguyên liệu dẫn đến đóng cửa và thậm chí phá sản, dẫn tới hàng ngàn công nhân là người dân địa phương phải rơi vào cảnh thất nghiệp. Khi đó, kén tằm sẽ bị “dội” chợ và giá bán sẽ bị sụt giảm thê thảm”, vị giám đốc nhiều năm kinh nghiệm trong ngành tơ tằm, giải thích và cảnh báo.
Để nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển bền vững, trở lại thời hoàng kim, rất cần tiếng nói chung của 3 nhà: Nhà nước, nhà nông và nhà doanh nghiệp (Ảnh: VH)
Theo ông Lê Trọng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc, vài năm trở lại đây, ngành tơ tằm trên địa bàn thành phố nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung, đang khôi phục và dần phát triển trở lại. Nhiều nhà máy chế biến tơ tằm quy mô lớn đã được xây dựng hoặc hoạt động trở lại, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.
“Tuy nhiên, do phát triển “nóng”, dẫn tới thiếu nguồn cung và giá nguyên liệu tăng quá cao,khiến nhiều doanh nghiệp, cơ sở ươm tơ đang phải sản xuất cầm chừng, thậm chí đứng trước nguycơ phải đóng cửa. Trước những khó khăn đó, địa phương sẽ có kiến nghị với UBND tỉnh và các ngành chức năng liên quan để có biện pháp tháo gỡ; đồng thời, sẽ có những chính sách ưu đãi cần thiết trong việc vay vốn để giúp các doanh nghiệp, cơ sở ươm tơ ổn định sản xuất nhằm vượt qua khó khăn”, Phó chủ tịch TP. Bảo Lộc, cho biết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo