Gia Lai: Người phụ nữ Ba Na giữ 'lửa' nghề truyền thống
Trước đây, bà M’Lop và chị em phụ nữ phải làm sợi dệt bằng bông trồng trong vườn và nhuộm sợi bằng rễ, lá cây, than củi, vỏ sò. Từ khi có phẩm màu công nghiệp, chỉ bán sẵn, công sức của chị em đã đỡ hơn nhiều. Sản phẩm do HTX làm ra đẹp, bền và vẫn giữ nét truyền thống người Ba Na từ kiểu dáng trang phục đến hoa văn trang trí.
Yêu nghề từ nhỏ
Bà M’Lop cho biết: “Nghề dệt đã có từ lâu. Mẹ và chị tôi đều biết dệt… Có lúc nghề dệt đã gần mai một. Từ nhỏ tôi đã thích làm và từ năm 1990 đã làm để bán. Học lớp 4, tôi đã dệt thành thạo và biết kéo bông làm sợi. Giờ thì không làm bông mà mua len, sợi ở chợ”.
Thời điểm bà M’Lop thành lập HTX, xã Glar chỉ có ít hộ đồng bào còn dệt thổ cầm và sản phẩm chỉ để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày và trong các lễ hội cộng đồng. Ban đầu, HTX chỉ có 40 thành viên là phụ nữ người Ba Na, chuyên sản xuất các sản phẩm như khố, trang phục nam nữ, túi, ví...
“Nghề dệt tính ra tiền cũng ít, nhưng chị em rất yêu nghề. Lúc rảnh rỗi thì ai cũng làm. Tôi thì phụ trách đầu ra cho sản phẩm của chị em. Các sản phẩm chúng tôi bán nhiều nơi, từ các tỉnh xung quanh đến Tp.HCM, Nha Trang, đầu ra tương đối ổn định”, Bà M’Lop cho biết thêm.
Sau hơn 10 năm hoạt động, HTX đã có hơn 300 thành viên. Với sự chia sẻ, giúp đỡ nhau trong công việc, tay nghề của các thành viên ngày càng nâng lên, từ đó chất lượng các sản phẩm, đường nét hoa văn cho đến màu sắc cũng đa dạng, phong phú hơn.
Chị Hngai - thành viên HTX, chia sẻ: “Tôi đã biết dệt từ ngày nhỏ, lớp 5, lớp 6 đã thêu và học lớp của cô M’Lop, giờ tôi đã bắt đầu đi dạy cho các lớp. Ước mơ của tôi là mở thêm các lớp dạy cho đồng bào và sáng tạo ra nhiều hoa văn cho các sản phẩm. Từ đó có thể giữ lại nét văn hóa của dân tộc mình. Tôi cũng sẽ cố gắng tìm lại những hoa văn trên trang phục của dân tộc Ba Na để có thể dệt lên những sản phẩm chất lượng”.
Để truyền dạy nghề dệt và nâng cao tay nghề cho các thành viên, HTX đã mở các lớp tập huấn. Qua 4 lớp, mỗi lớp học trong thời gian 3 tháng, HTX đã đào tạo nghề dệt thổ cẩm cho 200 chị em và bảo đảm cho học viên nắm vững từ những kỹ thuật căn bản cho đến kỹ thuật nâng cao để tạo ra được những sản phẩm đa dạng hơn.Đầu ra khó khăn
Bà M’Lop cho biết mấy năm gần đây nghề dệt rất phát triển. Học sinh nghỉ hè cũng tham gia dệt. HTX cũng dạy cho thế hệ trẻ, mỗi lớp khoảng 30 em, thu nhập tính theo sản phẩm. Các chị em làm nghề chủ yếu vào thời gian rảnh rỗi, vì nghề chủ yếu của đồng bào vẫn là trồng cà phê, hồ tiêu… Mỗi người trung bình thu nhập khoảng trên 3 triệu đồng/tháng.
Ông Nguyễn Kim Anh - Chủ tịch UBND Glar (huyện Đắk Đoa), cho biết: “HTX Glar lâu nay vẫn hoạt động tốt. Do đây là công việc làm có thêm thu nhập trong lúc nông nhàn nên được rất nhiều chị em vui vẻ tham gia. Hầu hết các các thành viên ở đây đều nhận sản phẩm về nhà làm. Để duy trì nghề dệt tránh mai một, hàng năm địa phương đều mở lớp đào tạo cho 30 - 40 người do các nghệ nhân trong HTX đứng ra dạy”.
Hiện, sản phẩm chủ yếu của HTX là áo nam, áo nữ, khố, khăn trải bàn, ví, túi đeo vai, túi đựng điện thoại... Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thị trường tiêu thụ chính cho mặt hàng dệt thổ cẩm. Một số địa phương như Kon Tum, Đăk Lăk... vẫn thu mua sản phẩm của HTX với nhu cầu nhỏ lẻ, chủ yếu là sản phẩm thô.
Đến nay, HTX Nông nghiệp và dệt thổ cẩm xã Glar là HTX duy nhất dệt thổ cẩm còn tồn tại ở tỉnh Gia Lai. Trước kia có rất nhiều đơn vị nhưng do hoạt động không hiệu quả nên ngừng hết. Lý do hàng thổ cẩm “ế ẩm” là do mặt hàng này ít người ưa chuộng, trong khi giá thành sản xuất rất cao.
Theo ông Nguyễn Văn Tiếp - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Gia Lai, việc “giải cứu” nghề thổ cẩm trong giai đoạn hiện nay là rất khó. Lâu nay tỉnh có nhiều cơ chế ưu đãi về vay vốn, xây trụ sở, đào tạo bồi dưỡng nghề dệt… Đồng thời đưa đi tham gia các cuộc triển lãm 1 năm/ lần trong nước hoặc ngoài nước, tổ chức cho HTX đi tham quan học tập kinh nghiệm, gửi sản phẩm đi chào hàng ở các tỉnh bạn, các nhà hàng, khách sạn, nhưng đầu ra cho sản phẩm vẫn bế tắc, người mua là khách nước ngoài, số lượng rất hạn chế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 7/11/2024: USD tăng mạnh sau khi Donald Trump giành chiến thắng
Giá vàng ngày 7/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC trong nước giảm mạnh sau bầu cử Tổng thống Mỹ
Đà Nẵng: Lượng khách du lịch lưu trú qua đêm tăng mạnh
Sau khi ông Trump thắng cử, giá vàng thế giới rơi xuống mức thấp nhất trong 3 tuần
Vi phạm quy định hạn chế giao dịch ký quỹ, Chứng khoán DNSE bị xử phạt
Giá nông sản ngày 7/11/2024: Cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giảm mạnh