Thị trường

Giá lợn hơi lại “chạm đáy”: Giải pháp nào cho việc bình ổn giá thịt lợn?

DNVN – Thời gian qua, giá thịt lợn hơi liên tục lao dốc. Tuy nhiên trong khi người chăn nuôi phải “khóc ròng” vì thua lỗ thì người tiêu dùng vẫn đang phải mua thịt lợn với giá cao. Đây là thời điểm cần có những giải pháp bình ổn giá thịt lợn để người chăn nuôi yên tâm tái đàn và đảm bảo được quyền lợi của cả người chăn nuôi và người tiêu dùng.

Hộ chăn nuôi nhỏ lao đao vì giá thịt lợn giảm sâu / Tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi tăng, giá thịt lợn thị trường nội địa giảm sâu

Giá lợn hơi tiếp tục “chạm đáy”

Những ngày qua, giá thịt lợn hơi trên cả nước liên tục giảm mạnh. Theo thống kê của các bộ, ngành chức năng, từ đầu năm đến nay, giá lợn hơi liên tục giảm, đặc biệt từ tháng 9 đến nay, giá lợn hơi giảm mạnh.

Cụ thể tại thời điểm tháng 3, 4 giá 70.000-75.000 đồng/kg; tháng 8, 9/2021 giá còn 42.000-50.000 đồng; đến thời điểm hiện tại, dao động 35.000-45.000 đồng/kg, đặc biệt có một số địa phương giá xuống dưới 35.000 đồng/kg, 2-3 ngày vừa qua giá có tăng 2-3.000 đồng/kg.

Đến cuối tháng 9 đầu tháng 10/2021, tổng đàn lợn cả nước trên 28 triệu con (đứng thứ 6 thế giới), tăng 5%, sản lượng thịt lợn hơi 9 tháng đạt khoảng 2,9 triệu tấn.

Bên cạnh đó, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao cùng với những gánh nặng về chi phí chăn nuôi do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 đang khiến cho người chăn nuôi lao đao, kiệt quệ về kinh tế. Dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất, nguồn cung trong những tháng tới, đặc biệt là dịp Tết nguyên đán tới đây.

Mặc dù giá thịt lợn hơi đang giảm rất sâu (có nơi giá lợn hơi giảm đến 60% so với đầu năm), tuy nhiên tại các thành phố lớn như Hà Nội, người tiêu dùng vẫn đang phải mua thịt lợn với giá cao. Tại các chợ dân sinh truyền thống và tại các siêu thị, giá thịt lợn hầu như không biến động nhiều. Nếu có giảm thì chỉ giảm rất ít không đáng kể.

Từ thực tế đó, có thể thấy rằng, tình trạng giá thịt lợn hơi lao dốc không phanh như hiện nay đã và đang gây thiệt hại cho cả người tiêu dùng lẫn người chăn nuôi. Từ đó dẫn đến nghịch lý người chăn nuôi “khóc ròng” vì thua lỗ trong khi người tiêu dùng vẫn phải mua thịt lợn với giá cao ngất ngưởng.

Nguyên nhân dẫn đến nghịch lý trên theo các chuyên gia thì nguyên nhân chủ yếu là do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến cho nhà hàng, quán ăn, trường học, các khu công nghiệp… phải tạm ngừng hoạt động dấn đến nhu cầu về mặt hàng này giảm mạnh trong khi nguồn cung đang rất dồi dào. Cùng đó là do khâu vận chuyển trung gian làm đội giá thành của sản phẩm lên cao.

Việc nhập khẩu thịt lợn không được kiểm soát chặt chẽ về số lượng vào nước ta thời gian qua (theo thống kê, đến hết tháng 9/2021, Việt Nam vẫn nhập khẩu hơn 200.000 tấn thịt lợn) theo các chuyên gia đánh giá cũng đã tác động rất lớn đến việc làm cho giá thịt lợn trong nước xuống thấp. Trong khi đó, chu kỳ sản xuất, tăng trưởng, tái đàn vẫn diễn ra bình thường. Từ đó dẫn đến ứ đọng trong tiêu thụ sản phẩm.

Giá lợn hơi lại “chạm đáy” – Giải pháp nào cho việc bình ổn giá thịt lợn?

Giá lợn hơi lại “chạm đáy” – Giải pháp nào cho việc bình ổn giá thịt lợn?

Giải pháp nào cho việc bình ổn giá thịt lợn?

Từ những thực tế trên, có thể nói thời điểm này ngành chăn nuôi đang chịu áp lực lớn do chuỗi cung ứng bị đứt gãy vì dịch COVID-19. Nhiều doanh nghiệp sản xuất cho biết, họ vẫn đang gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thịt lợn như việc lưu thông và tiêu thụ hàng hóa, các trang trại nuôi heo phải thực hiện giảm giá bán để tiêu thụ số lượng heo có trọng lượng lớn. Bên cạnh đó, sản lượng thịt lợn bán ra vẫn còn thấp dẫn đến số lượng giết mổ giảm, làm tăng chi phí giết mổ dây chuyền công nghiệp công suất lớn.

Dựa vào nguồn cung và sức mua của thị trường, nhiều chuyên gia dự báo giá lợn hơi trong nước sẽ tiếp tục có chiều hướng giảm từ nay đến Tết Nguyên đán 2022. Để đảm bảo nguồn cung thịt lợn những tháng cuối năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Bộ Công Thương… cần quyết liệt triển khai đồng bộ giải pháp nhằm bình ổn thị trường, tránh gây hoang mang cho người tiêu dùng, đảm bảo sự ổn định thị trường thực phẩm nói chung, trong đó có mặt hàng thịt lợn.

Bên cạnh đó, theo ý kiến của các chuyên gia, để kiểm soát giá lợn hơi thì Bộ NN-PTNT cần sớm tham mưu Chính phủ có những quy định cụ thể hạn ngạch chăn nuôi. Lâu nay nước ta không quy định điều này nên các doanh nghiệp có thể thoải mái tăng hoặc giảm đàn lợn cũng như thấu tóm giá với các trường hợp khách quan. Trong khi đó, chính quyền và ngành chăn nuôi thì khó kiểm soát tổng đàn, từ đó dễ xảy ra khủng hoảng cung – cầu. Bên cạnh đó, để giải quyết vấn đề trước mắt, chúng ta nên có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp xây dựng kho lạnh để cấp đông thịt lợn và đưa vào danh mục mặt hàng bình ổn giá.

Liên quan đến vấn đề nhập khẩu thịt lợn động lạnh thời gia qua làm ảnh hưởng đến thị trường thịt lợn trong nước, để giải quyết các khó khăn của người chăn nuôi, vừa qua Hội Chăn nuôi Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị khẩn một số giải pháp nhằm phục hồi ngành chăn nuôi, trong đó có đề xuất việc việc kiểm soát chặt việc nhập khẩu thịt.

Cùng đó, nhằm tránh xảy ra việc đứt gãy nguồn cung thịt lợn vào thời gian tới đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, các địa phương cần hỗ trợ nông dân chăn nuôi lợn tái đàn, không để tình trạng đứt lứa. Bên cạnh đó, cũng cần tạo điều kiện cho khâu lưu thông, vận chuyển thức ăn chăn nuôi, lợn giống, lợn thương phẩm; ngân hàng giãn nợ, khoanh nợ cho người chăn nuôi để họ có động lực nuôi tiếp.

Tại cuộc họp nhằm đánh giá thực trạng chăn nuôi, tiêu thụ thịt lợn và giải pháp tăng cường quản lý, bình ổn thị trường nhằm bảo đảm quyền lợi của người chăn nuôi, người tiêu dùng, ổn định sản xuất diễn ra mới đây, nhằm tháo giỡ khó khăn trước việc giá thịt lợn hơi giảm sâu gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng đã có nội dung yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương có các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ, dần bình ổn giá, đảm bảo lợi ích hài hòa của các bên gồm người chăn nuôi, các khâu trung gian, người tiêu dùng.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm