Thị trường

Giá nông sản ngày 19/4: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt lao dốc

DNVN - Giá cà phê nội địa sụt tới 4.100 đồng/kg, hồ tiêu mất đến 3.000 đồng/kg trong một ngày, chấm dứt chuỗi hồi phục mạnh mẽ trước đó.

Cảnh báo sớm và hướng dẫn xử lý biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu / Giá xăng xuống dưới 19.000 đồng/lít

Giá nông sản ngày 17/4/2025: Cà phê và hồ tiêu bật tăng mạnh

Ảnh minh họa. Ảnh: Internet

Sau chuỗi tăng liên tiếp, thị trường nông sản trong nước sáng 19/4 chứng kiến diễn biến tiêu cực khi cả cà phê và hồ tiêu đồng loạt đảo chiều giảm sâu. Giá cà phê sụt từ 3.200 - 4.100 đồng/kg so với hôm qua, trong khi hồ tiêu mất 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Giá cà phê lao dốc mạnh

Trên sàn London, vào lúc 5h sáng ngày 19/4, giá cà phê Robusta ghi nhận xu hướng ổn định, chững lại sau đà giảm sâu trước đó, dao động từ 5.098 đến 5.398 USD/tấn. Các kỳ hạn giao dịch cụ thể như sau: tháng 5/2025 đạt 5.253 USD/tấn, tháng 7 ở mức 5.277 USD/tấn, tháng 9 đạt 5.211 USD/tấn và tháng 11 ở ngưỡng 5.142 USD/tấn.

Diễn biến tương tự ghi nhận trên sàn New York đối với cà phê Arabica, khi giá đi ngang và ít biến động, trong khoảng 353.50 - 380.90 cent/lb. Giá hợp đồng giao tháng 5/2025 ở mức 375.50 cent/lb, tháng 7 là 372.60 cent/lb, tháng 9 đạt 366.05 cent/lb và tháng 12 ổn định ở 358.70 cent/lb.

Riêng với cà phê Arabica Brazil, giá kết thúc phiên giao dịch cho thấy chiều hướng giảm dần theo các kỳ hạn, dao động từ 445.45 - 475.50 USD/tấn. Cụ thể, giá giao tháng 5/2025 là 475.50 USD/tấn, tháng 7 đạt 468.45 USD/tấn, tháng 9 ở mức 451.55 USD/tấn và tháng 12 giảm xuống 443.75 USD/tấn.

 

Cà phê nội địa giảm sâu hàng nghìn đồng

Ghi nhận lúc 5h sáng nay, giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên bất ngờ quay đầu giảm mạnh so với hôm qua, với mức sụt từ 3.200 đến 4.100 đồng/kg. Hiện giá thu mua trung bình dao động quanh mốc 129.600 đồng/kg.

Từng địa phương ghi nhận như sau: Đắk Lắk và Đắk Nông đồng loạt giữ mức giá 129.700 đồng/kg, Gia Lai đạt 129.500 đồng/kg và Lâm Đồng có mức thấp nhất với 129.000 đồng/kg.

Dù điều chỉnh giảm trong ngắn hạn, ngành cà phê Việt Nam vẫn có một quý đầu năm 2025 ấn tượng về xuất khẩu. Theo Cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,8 tỷ USD, tăng gần 46% so với cùng kỳ năm trước, vượt mặt thủy sản (2,3 tỷ USD) và chỉ xếp sau gỗ trong nhóm nông lâm thủy sản.

Đầu tháng 4, khi Mỹ công bố kế hoạch đánh thuế, giá cà phê nội địa rơi mạnh từ 132.000 đồng/kg xuống còn 118.000 đồng/kg. Giá xuất khẩu quốc tế cũng lao dốc, với Robusta mất 1.251 USD/tấn và Arabica giảm tới 2.356 USD/tấn.

 

Tuy nhiên, sau ngày 10/4, thông tin Mỹ tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày đã giúp thị trường hồi phục nhanh chóng. Giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên bật tăng trở lại mốc 132.000 đồng/kg, còn trên các sàn giao dịch quốc tế, giá cà phê xuất khẩu cũng tiệm cận lại các mức đỉnh trước đó.

Hồ tiêu quay đầu giảm sâu

Tại thị trường nội địa, giá hồ tiêu sáng ngày 19/4 cũng đồng loạt giảm mạnh, mức giảm phổ biến từ 2.000 đến 3.000 đồng/kg. Giá thu mua trung bình hiện ở mức 155.400 đồng/kg tại các địa bàn trọng điểm.

Cụ thể, tại Gia Lai, hồ tiêu giảm 2.000 đồng xuống mức 155.000 đồng/kg. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Phước, giá cũng lùi về 155.000 đồng/kg sau khi mất thêm 2.000 đồng.

Trong khi đó, Đắk Lắk và Đắk Nông ghi nhận mức giảm mạnh nhất lên đến 3.000 đồng/kg, hiện giá tiêu tại hai tỉnh này đạt 156.000 đồng/kg.

 

Thị trường hồ tiêu thế giới đi ngang

Theo cập nhật từ Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), giá tiêu thế giới sáng 19/4 tiếp tục duy trì trạng thái ổn định sau nhiều phiên tăng giảm xen kẽ.

Cụ thể, tiêu đen Lampung (Indonesia) giữ mức 7.056 USD/tấn, tiêu trắng Muntok đạt 9.641 USD/tấn. Tại Malaysia, giá tiêu đen ASTA vẫn là 9.600 USD/tấn, tiêu trắng ASTA đạt 12.100 USD/tấn. Ở Brazil, giá tiêu giữ ổn định ở mức 6.900 USD/tấn.

Tiêu xuất khẩu Việt Nam không biến động so với phiên tăng trước đó. Giá tiêu đen loại 500 g/l ở mức 6.800 USD/tấn, loại 550 g/l đạt 6.900 USD/tấn, trong khi tiêu trắng giữ mức 9.800 USD/tấn.

Xu hướng phục hồi vẫn hiện hữu, nhưng rủi ro từ chính sách Mỹ đè nặng

 

Giá tiêu trong nước được đánh giá vẫn còn dư địa phục hồi nhờ lực cầu tăng mạnh, đặc biệt sau giai đoạn lo ngại chính sách thuế của Mỹ lắng xuống. Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) ghi nhận tín hiệu tích cực từ các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, châu Á – đặc biệt là Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc Mỹ áp thuế 10% nếu đàm phán thất bại sẽ là mối lo lớn. Chủ tịch VPSA – bà Hoàng Thị Liên cảnh báo, nếu tình hình không cải thiện, Việt Nam có thể mất thị phần vào tay các nước như Indonesia và Brazil. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp được khuyến nghị mở rộng sang các thị trường tiềm năng như châu Âu.

Hiện EU đang hồi phục mạnh với tổng lượng nhập khẩu tiêu năm 2024 đạt hơn 120.000 tấn, tăng 20% so với 2023. Việt Nam tiếp tục giữ vai trò chủ lực với 52,1% thị phần. Tuy nhiên, yêu cầu chất lượng khắt khe và ưu tiên phân khúc cao cấp như tiêu trắng, tiêu hữu cơ cũng là thách thức không nhỏ với các nhà xuất khẩu trong nước.


Lan Lê
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm