Giá sợi xuất khẩu đang chịu nhiều bất lợi
Xuất khẩu dệt may sang Nhật: Tạo thương hiệu bằng chất lượng / Mở rộng thị trường xuất khẩu dệt may
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2019, cả nước xuất khẩu 947 nghìn tấnxơ sợi dệt các loại, thu về gần 2,4 tỷ USD, tăng 11% về lượng nhưng chỉ tăng 2,6% về kim ngạch.
Giá sợi xuất khẩu chịu nhiều bất lợi bởi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và việc phá giá đồng CNY của Trung Quốc.
Xuất khẩu xơ sợi dệt đã chứng kiến mức giảm giá gần 8% so với cùng kỳ năm trước do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Giá xuất khẩu sợi trung bình 7 tháng qua đạt 2.531 USD/tấn, giảm gần 8% so với cùng kỳ.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chủ yếu của xơ sợi dệt Việt Nam, chiếm 56% trong tổng lượng và chiếm 57,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Cụ thể, sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc 7 tháng qua đạt 531.230 tấn, kim ngạch trên 1,37 tỷ USD, giá 2.584 USD/tấn. Giá xuất khẩu sang Trung Quốc giảm gần 10%.
Thị trường xuất khẩu lớn tiếp theo là Hàn Quốc, với giá trị 198 triệu USD, giảm 15,3% về lượng và giảm 17,8% kim ngạch; Đông Nam Á 171,81 triệu USD, tăng 3,7% về lượng và tăng 2,7% kim ngạch; Thổ Nhĩ Kỳ 86,17 triệu USD, giảm 7% về lượng và giảm 15,7% kim ngạch; Ấn Độ 78,7 triệu USD, tăng 12,9% về lượng nhưng giảm 1,2% kim ngạch.
Xuất khẩu sang Đài Loan chứng kiến sự sụt giảm mạnh nhất 30% cả về lượng và kim ngạch, với kim ngạch 32,37 triệu USD.
Theo Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam (VCOSA), tình hình xuất khẩu sợi những tháng cuối năm được dự báo chưa có nhiều khởi sắc, nhất là về giá do các nhà nhập khẩu tiếp tục mua hàng cầm chừng để thăm dò thị trường.
Giá sợi xuất khẩu của Việt Nam có biểu hiện lao dốc từ cuối năm 2018, đặc biệt là đơn giá xuất khẩu sang Trung Quốc, vốn là thị trường nhập khẩu sợi lớn nhất của Việt Nam liên tục giảm.
Hơn nữa, doanh nghiệp xuất khẩu sợi của Việt Nam không chỉ bị giảm giá bán mà còn chịu thêm thiệt hại do Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ. Các nhà nhập khẩu sợi của Trung Quốc đa phần là các công ty kinh doanh thương mại lập tức cắt giảm số lượng sợi nhập khẩu để nghe ngóng tình hình thị trường và chỉ nhập khẩu số lượng đủ bán cho các nhà sản xuất và không mua để tích lũy.
Việc phá giá CNY của Trung Quốc đã có tác động không nhỏ đến xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam, đặc biệt đối với ngành sợi đang xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc.
Ngành dệt may tính toán, nếu tỷ giá USD/CNY giảm 1%, tương đương giá sợi xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc mất 3 cent Mỹ/kg.
Khi các mặt hàng sợi, vải của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ bị áp thuế thêm 10% và sau đó là 25%, các nhà nhập khẩu sợi Trung Quốc đã ép giá sợi Việt Nam xuống một mức tương đương nhằm bù đắp cho một phần thuế phải trả.
Các mặt hàng sợi của Trung Quốc bị đánh thuế nhập khẩu bổ sung phần nào đã làm giảm tính cạnh tranh và nhu cầu từ thị trường Mỹ. Lượng sợi không xuất được vào Mỹ sẽ có thể được bán ra ở thị trường khác hoặc bán nội địa Trung Quốc, gây áp lực giảm cầu đối với các nhóm hàng này từ thị trường Việt Nam.
Trong thời gian này, các nhà xuất khẩu sợi của Việt Nam sang Trung Quốc không chỉ bị giảm giá bán, họ còn chịu thêm thiệt hại vì đồng CNY mất giá trong giai đoạn căng thẳng thương mại Mỹ – Trung leo thang.
Cụ thể, từ tháng 6/2018 đến cuối năm 2018, đồng CNY mất giá 7,8% so với USD, tỷ giá USD/CNY giảm từ 6,4 xuống còn 6,95 trong khi tỷ giá USD/VND vẫn giữ giá. Điều này dẫn đến giá sợi của Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc cao hơn rất nhiều so với trước đây.
Nếu tính giá sợi xuất khẩu trung bình tháng 6/2018 khoảng 3 USD/kg, thì giá sợi cuối năm 2018 trượt theo tỷ giá đắt hơn khoảng 23 cent Mỹ. Quý 1/2019, tỷ giá USD/CNY có tăng nhẹ lên 6,75 nhưng đến đầu tháng 6/2019 lại giảm xuống 6,9 USD/CNY. Nếu doanh nghiệp xuất khẩu sợi sang Trung Quốc ký hợp đồng theo CNY thì ngoài việc giá bán bị ép giảm theo thị trường còn bị thiệt hại do đồng CNY mất giá.
Đồng tiền của các quốc gia cạnh tranh thị phần xuất khẩu sợi với Việt Nam như Ấn Độ, Pakistan cũng mất giá. Tính từ đầu năm 2018 đến hết tháng 6/2019, đồng Rupee của Ấn Độ giảm 8,62%, đồng Rupee Pakistan giảm 14,4%, đồng Lira giảm 38,27%. Vì vậy, giá sợi xuất khẩu của các nước này lại càng cạnh tranh hơn so với Việt Nam.
Tại các thị trường khác của sợi Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines, Đài Loan tuy vẫn có đơn hàng nhưng số lượng rất nhỏ. Đặc biệt, giá bán vẫn theo xu hướng giảm và chưa có dấu hiệu phục hồi.
Trung Quốc hiện là thị trường chính của ngành sợi Việt Nam. Đối với Trung Quốc, Việt Nam cũng là đối tác cung cấp sợi chính với thị phần tăng trưởng liên tục. Nếu như năm 2014, Việt Nam chỉ đứng thứ 3 trong các quốc gia xuất khẩu sợi sang Trung Quốc, đến năm 2018 đã vươn lên đứng thứ nhất với 30% thị phần.
Do đó, bất kỳ biến động nào đối với ngành dệt may Trung Quốc cũng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến ngành sợi Việt Nam. Tình trạng này một lần nữa làm nóng lên vấn đề đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho ngành sợi.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kê khai sai thuế, Công ty Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 D2D bị phạt hơn 865 triệu đồng
Hai thách thức lớn doanh nghiệp phải đối mặt khi bán sản phẩm ra thị trường toàn cầu
Giá vàng thế giới tăng nhẹ trước thềm cuộc bầu cử Mỹ
Giá ngoại tệ ngày 5/11/2024: Đồng USD giảm giá trước bầu cử Tổng thống Mỹ
Doanh nghiệp Việt cung cấp giải pháp số sáng tạo tại thị trường Trung Đông
Giá nông sản ngày 5/11/2024: Cà phê tiếp tục giảm, hồ tiêu giữ giá