Giá vàng liên tiếp xô đổ mọi kỷ lục, các chuyên gia khuyên gì?
Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tạo bình đẳng giữa người mua và bán / Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2023: Nhiều gam màu sáng
Sự lấp lánh của vàng thời gian gần đây được phản chiếu qua nhiều con số đầy bất ngờ, liên tiếp xô đổ các kỷ lục. Kỷ lục cũ vừa được lập thì ngay sau đó, kỷ lục mới lại xuất hiện. Ước tính, trong 2 tuần, mỗi lượng vàng miếng SJC đã tăng 4 triệu đồng.
Còn so với đầu năm, mỗi lượng vàng miếng đã tăng hơn 11 triệu đồng, tương đương mức tăng gần 17%/năm, gấp 3 lần gửi tiết kiệm ngân hàng.
Kỷ lục liên tục bị xô đổ, đắt hơn thế giới 18 triệu đồng/lượng
Mỗi lượng vàng miếng SJC tăng 1,5 triệu đồng, lên mức cao nhất mọi thời đại trong phiên giao dịch ngày 25/12. Các "nhà vàng" điều chỉnh giá 12 lần, đang niêm yết vàng miếng ở mức 77,4-78,4 triệu đồng/lượng (mua - bán). Chênh lệch 2 chiều là 1 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới chốt tuần vừa rồi ở 2.053,2 USD/ounce. Thị trường quốc tế đang tạm đóng cửa do trùng kỳ nghỉ lễ Giáng sinh. Giá trong nước tăng nhanh đẩy chênh lệch giữa 2 thị trường có xu hướng nới rộng. Quy đổi theo tỷ giá chưa bao gồm thuế, phí, mỗi lượng vàng miếng SJC đang đắt hơn thế giới gần 18 triệu đồng.
Vàng nhẫn cũng công phá đỉnh mới. Tại SJC, giá mua bán vàng nhẫn lên 62-63,05 triệu đồng/lượng (mua - bán). Một số nhà vàng khác như Bảo Tín Minh Châu, DOJI, PNJ… niêm yết tiệm cận mức này. Giá vàng thế giới hiện thấp hơn 2,6-3 triệu đồng so với vàng nhẫn nếu quy đổi theo tỷ giá chưa thuế, phí.
Trong ngày 25/12, mỗi lượng vàng miếng tăng 1,5 triệu đồng lên mức cao nhất từ trước tới nay (Ảnh: Mạnh Quân).
Thực tế, là một kênh đầu tư nhưng vàng không chỉ có ưu điểm. Kim loại quý này có một số khuyết điểm như không đem lại thu nhập thụ động, yêu cầu về việc bảo quản tốt…
Vàng cũng không có thị trường cạnh tranh do người bán không kiểm soát và chi phối giá cả hàng hóa. Chênh lệch giá mua - bán có thể lên đến cả triệu đồng một lượng, tức khoảng 1,5% giá trị. Hay giao dịch mỗi phiên vàng cũng không có biên độ dao động giá như cổ phiếu để nhà đầu tư có thể kiểm soát mức lãi - lỗ.
Dẫu vậy, trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm giảm liên tục từ tháng 4, chứng khoán cũng đang trồi sụt, thị trường bất động sản vẫn khó khăn… nhiều nhà đầu tư bắt đầu nghĩ tới vàng hơn. Báo Dân trí trước đó đã thực hiện khảo sát với hơn 7.000 độc giả về kênh đầu tư ưu tiên dịp cuối năm. Kênh đầu tư được lựa chọn nhiều nhất là vàng với 48% độc giả đưa ra bình chọn.
Nhưng trong bối cảnh giá vàng tăng nhanh, tăng lên tục, chênh lệch chiều mua và bán nới rộng tới 1-1,2 triệu đồng/lượng như hiện nay, nhà đầu tư nên làm gì?
Lời khuyên từ chuyên gia: Cẩn trọng, không hùa theo tâm lý đám đông
Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam - khuyên các người dân đừng để bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông. Ông Hùng nói lý do người dân có xu hướng chọn vàng thời điểm cuối năm do yếu tố mùa vụ, nhu cầu dịp cưới hỏi, lễ hội, đón năm mới, vía Thần tài… tăng lên.
Trên thế giới,nhu cầu vàngvật chất cũng tăng mạnh dịp cuối năm, đặc biệt ở Ấn Độ khi nước này bước vào cao điểm lễ hội. Thông thường, giá trong nước sẽ phụ thuộc lớn vào giá thế giới. Tuy nhiên, vàng sau đó đều có các nhịp điều chỉnh thất thường.
Ông Hùng cũng lưu ý, hiện thị trường quốc tế dừng giao dịch, việc giá vàng trong nước bị đẩy lên cao là khó lý giải. "Tỷ lệ mua so với tỷ lệ bán cũng nhiều hơn nhưng không đủ để đẩy giá vàng chênh giá lên cao như vậy", ông nói.
Theo ông, người dân có thể có tâm lý muốn mua vì thấy giá liên tục đi lên những ngày gần đây, các kỷ lục bị xô đổ liên tục. Bên cạnh đó, trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm giảm liên tục, chứng khoán lình xình và thị trường bất động sản chưa ổn định, người dân có thể xuất hiện tâm lý đầu tư vào vàng.
Chưa kể, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã phát tín hiệu giảm lãi suất từ năm 2024. Điều này càng củng cố cho đà đi lên của giá vàng. Ông Hùng nói giá vàng trong nước thậm chí có thể hưởng lợi trước thông tin này, khả năng bị đẩy lên tới 80 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng lưu ý những người mua vàng cần suy nghĩ xem mua vàng để làm gì.
"Đầu tư, kiếm lời thì rủi ro còn nếu coi đây là tài sản cất giữ thì cứ mua vàng nếu giá xuống. Không nên mua theo phong trào vì giá quốc tế lên mãi cũng sẽ đảo chiều. Thị trường quốc tế chứng kiến nhiều lần lên mạnh rồi cũng quay đầu giảm mạnh", ông Hùng nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc