Giải ngân đầu tư công tích cực - “bệ đỡ” cho tăng trưởng kinh tế
Thúc đẩy thị trường mua bán nợ xấu / Giá trị xuất khẩu rau quả 6 tháng gần bằng cả năm 2022
Tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm đạt 30,49% tương đương gần 216.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh tổng kế hoạch vốnđầu tư côngnăm nay đã cao gấp đôi mức bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đang góp phần là nguồn lực đòn bẩy cho nền kinh tế.
Điểm nổi bật và khác biệt so với mọi năm là con số kế hoạch cần giải ngân năm nay là rất lớn, cao hơn tới 33% so với năm 2022 và gấp đôi mức bình quân cả giai đoạn 2016 - 2020. Đây là lượng vốn mồi có quy mô tới gần 810.000 tỷ đồng, nếu được đẩy ra nền kinh tế sẽ tác động rất lớn tới sự phục hồi và phát triển của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Nếu tỷ lệ giải ngân quý I mới đạt 13%, thì hết 2 quý con số này đã lên tới 30,49% kế hoạch Thủ tướng giao, tương ứng gần 216.000 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 ước giải ngân gần 20.700 tỷ đồng, đạt gần 46% kế hoạch vốn được giao của năm nay. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Trong đó, có 9 bộ và 32 địa phương ghi nhận tỷ lệ giải ngân trên 30%. Một số bộ, địa phương điển hình với tỷ lệ giải ngân cao bao gồm: Tiền Giang (52,82%), Đồng Tháp (50,28%), Long An (48,9%), Ngân hàng Phát triển (100%), hay Ngân hàng Nhà nước (47,08%).
Còn về các dự án trọng điểm, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đạt tỷ lệ giải ngân 54,5% tổng kế hoạch được giao.
Chia sẻ với VTVMoney, đại diện các cơ quan thống kê như Vụ Đầu tư Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê đều tin tưởng rằng, với tiến độ giải ngân đầu tư công hiện nay, mục tiêu đạt tỷ lệ 95% cho cả năm nay là hoàn toàn khả thi.
Ngành giao thông đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Thực tế, ngay từ tháng 6, con số giải ngân đã tăng khoảng 10% so với tháng 5, phần nào cho thấy triển vọng bứt tốc còn mạnh mẽ hơn rất nhiều của các bộ, ngành trong những tháng cuối năm. Bộ Giao thông Vận tải, với đặc thù lượng vốn giải ngân lớn nhất trong các bộ, ngành, bao gồm các dự án trọng điểm quốc gia như cao tốc Bắc - Nam, hiện cũng đã ghi nhận tỷ lệ giải ngân cao hơn mặt bằng chung.
Cao tốc Bắc - Nam đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, đi qua tỉnh Hà Tĩnh có chiều dài hơn 35 km. 200 đầu máy thiết bị, 500 kỹ sư công nhân đang được huy động để làm 3 ca liên tục.
Theo Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 ước giải ngân gần 20.700 tỷ đồng, đạt gần 46% kế hoạch vốn được giao của năm nay. Nhờ các giải pháp tháo gỡ vướng mắc về giải phóng mặt bằng và vật liệu xây dựng, tiến độ giải ngân của dự án đã đạt kết quả tích cực.
"Việc giao trực tiếp mỏ cho các đơn vị nhà thầu sẽ tạo sự chủ động về giá cả và tổ chức khai thác thực địa thi công", ông Hồ Ngọc Loan, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long, Bộ Giao thông Vận tải, cho biết.
Năm nay, ngành giao thông được giao hơn 95.000 tỷ đồng vốn đầu tư công. Tính đến hết quý II, con số giải ngân đã đạt gần 36.000 tỷ đồng, bằng hơn 37% kế hoạch năm, cao hơn mức trung bình chung của cả nước. Đáng chú ý, xét về giá trị giải ngân đã đạt gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
"Công tác chuẩn bị đầu tư ngay từ đầu nhiệm kỳ đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, về chất lượng và rút ngắn thời gian nên các dự án trọng điểm đã được khởi công ngay từ đầu năm 2023, tạo dư địa về thời gian và khối lượng để giải ngân", ông Bùi Quang Thái, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, cho hay.
Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nhằm mục tiêu đưa các dự án, công trình giao thông trọng điểm vào khai thác sẽ góp phần hình thành bệ đỡ cho tăng trưởng kinh tế, đồng thời thu hút thêm các nguồn lực ngoài ngân sách, tạo động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý 3 và của cả năm nay.
Ngay từ đầu năm, Thủ tướng đã ký quyết định 235 thành lập 5 tổ công tác để đôn đốc thúc đẩy giải ngân đầu tư công, với 3 đoàn do 3 Phó Thủ tướng và 2 đoàn do Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm tổ trưởng. Ngay trong tháng 5, Thủ tướng cũng đã đề nghị 25 thành viên Chính phủ thực hiện đi đôn đốc, thúc đẩy giải ngân vốn và sản xuất kinh doanh.
Cùng với đó, từ đầu năm, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 08 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công. Đây là động lực giúp lượng vốn phân bổ năm nay từ các chương trình lớn như chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, hay chương trình đầu tư công trung hạn, đều được sớm hoàn thành thủ tục từ đầu năm và chỉ chờ thực hiện dự án, giải ngân theo tiến độ.
Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính, ông Dương Bá Đức, là đơn vị chịu trách nhiệm tham mưu quản lý Nhà nước về tài chính đầu tư công, cho biết, riêng cơ quan này đã có 3 văn bản ngay từ đầu năm gửi các Bộ ngành và địa phương để yêu cầu phân bổ kế hoạch vốn.
Giới chuyên gia đánh giá, năm nay số lượng các dự án đầu tư công hoàn thành tốt công tác chuẩn bị nhiều hơn đáng kể đã tạo thuận lợi cho việc giải ngân. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
"Ví dụ như phải ưu tiên các dự án đã hoàn thành và còn thiếu vốn, tránh tình trạng nợ xây dựng cơ bản, là điều cấm trong Luật Đầu tư công. Thứ hai là thường xuyên tổ chức kiểm tra, họp giao ban với các chủ đầu tư, cơ quan chuyên môn để đánh giá , điều chuyển kế hoạch vốn. Dự án nào vướng mắc quá phải có tiên lượng để điều chuyển cho các dự án khác khởi công", ông Dương Bá Đức, Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính, thông tin.
Giải ngân vốn đầu tư công TP Hồ Chí Minh "tăng tốc" từ quý II
Sự quyết tâm, quyết liệt ngay từ đầu năm cũng chính là lý do để hình thành những cơ chế đột phá hơn trong giải ngân đầu tư công của năm nay.
Dự án sửa chữa trường học được khởi công ngay sau Tết và tính đến nay đã giải ngân được hơn 60% trong tổng số vốn đầu tư hơn 12 tỷ đồng. Theo chính quyền quận Gò Vấp, tiến độ của dự án đặc biệt được đẩy nhanh hơn khi vào tháng 5 vừa qua, Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh đã ủy quyền quyết định đầu tư cho chính quyền quận.
Quận Gò Vấp là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân đầu tư công cao nhất TP Hồ Chí Minh. Đến hết tháng 6, quận đã đạt hơn 60%.
Lãnh đạo quận cho biết, trong quý II, TP Hồ Chí Minh tháo gỡ về thể chế, cụ thể là ủy quyền cho Chủ tịch UBND quận, huyện quyết định đầu tư các dự án nhóm C, đã có tác động tích cực với việc quản lý đầu tư công.
"Được sự ủy quyền của thành phố, chúng tôi thấy rằng sẽ rút ngắn được thời gian phải chờ đợi các cấp thẩm quyền của thành phố soát xét tất cả các công trình dự án; tạo điều kiện cho các đơn vị chủ động trong việc nghiên cứu các quy định pháp luật, quy trình thủ tục làm chủ đầu tư để triển khai các công trình dự án vừa sức với khả năng. Như vậy cùng lúc sẽ triển khai được nhiều công trình", ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh, cho hay.
Đầu tư công của thành phố có cải thiện rõ rệt trong quý II khi giá trị giải ngân đạt hơn 14.000 tỷ đồng, tương ứng hơn 23%. Dù thấp hơn mục tiêu thành phố đặt ra, nhưng giá trị giải ngân cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, một số dự án trọng điểm, vốn lớn, có tính liên kết vùng đã được khởi công.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, chuyển biến tích cực này một phần đến từ bộ máy chính quyền có cơ chế để nâng trách nhiệm của các sở, ngành, đặc biệt trong việc công tác phối hợp.
"Đặt ra quy định các sở, ngành trong thực hiện thủ tục liên quan đến dự án đầu tư công phải giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết, phải phối hợp với nhau, mỗi dự án đến công đoạn nào thì phải tập trung ngồi lại, để giải quyết, nhất là với công tác giải phóng mặt bằng", bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, chia sẻ.
Bức tranh đầu tư công trên cả nước đang chuyển biến tích cực. Hiệu quả từ cơ chế 5 tổ công tác của Thủ tướng cũng đã được minh chứng rõ qua thực tế triển khai, như điển hình từ tổ công tác của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
"Tháng đầu tiên của kế hoạch, trong đó có 4 địa phương thuộc nhóm giải ngân thấp. Chúng tôi cũng đã tham mưu cho bộ bằng nhiều hình thức. Bộ trưởng cũng trực tiếp kiểm tra thực tế. Kết quả kiểm tra đến tháng 6, trong 4 địa phương, có 3 địa phương đã vượt trên mức bình quân cả nước", ông Dương Bá Đức, Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính, thông tin.
Giới chuyên gia đánh giá, năm nay số lượng các dự án đầu tư công hoàn thành tốt công tác chuẩn bị nhiều hơn đáng kể đã tạo thuận lợi cho việc giải ngân. Các cơ chế mang tính đặc thù cũng đã phát huy hiệu quả.
Một số cơ chế mang tính đặc thù đã áp dụng cho các dự án quy mô lớn, các công trình trọng điểm. Trước đây, dự án bị vướng mắc, không có cơ chế đặc thù thì nằm im, bây giờ vận dụng được cơ chế đặc thù mà Thủ tướng đã cho, dự án được triển khai ngay, không mất thời gian", ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Cao cấp Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam, nhận định.
Theo các chuyên gia, tình hình chung tích cực, nhưng vẫn có một số rủi ro làm chậm tiến độ giải ngân như: dự án phát sinh những vấn đề trong thi công ngoài dự kiến; phải điều chỉnh một số hạng mục dẫn đến điều chỉnh dự toán; hay công tác giải phóng mặt bằng tại một số dự án rất phức tạp... đòi hỏi sự tập trung, quyết liệt để hoàn thành tiến độ cả năm.
Ở Việt Nam, theo nghiên cứu của cơ quan thống kê, cứ 1 đồng vốn đầu tư công sẽ thu hút được 1,62 đồng vốn ngoài nhà nước. Với cơ cấu vốn đầu tư công chiếm hơn 27% trong 6 tháng qua, đây sẽ đòn bẩy quan trọng cho tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm, trong bối cảnh kinh tế, chính trị toàn cầu nhiều biến động.
Với sự quyết liệt ngay từ đầu năm của Chính phủ, lan tỏa tới các Bộ ngành, địa phương, thực tiễn đang cho thấy, lượng vốn đầu tư công còn lại gần 530.000 tỷ đồng, sẽ sớm được rót dần vào nền kinh tế trong những tháng tới đây.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam