Thị trường

Giải pháp kiềm chế giá xăng dầu tăng 'phi mã'

Căn cứ tình hình thực tế Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu (Quỹ BOG) thời điểm hiện tại, liên Bộ Công Thương – Tài Chính khẳng định sẽ tính phương án tối ưu nhất để bảo đảm giá bán lẻ mặt hàng xăng, dầu trong nước có tăng cũng vẫn ở mức thấp hơn mức tăng của giá xăng, dầu thế giới.

Thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu khẩn cấp phòng, chống dịch COVID-19 / Khu công nghiệp khôi phục sản xuất, thu hút người lao động trở lại làm việc

Biến động giá thành phẩm xăng dầu trên thị trường thế giới 25/9-11/10/2021. Nguồn: PVN

Theo Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới thời gian qua chịu ảnh hưởng của nhu cầu tăng do kinh tế các nước trên thế giới hồi phục, hoạt động sản xuất, kinh doanh đang khôi phục trở lại; nhu cầu năng lượng (trong đó có xăng dầu) tăng do chuẩn bị nguồn năng lượng cho mùa Đông. Trong khi đó, giá khí đốt tăng mạnh, cùng với việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các liên minh (OPEC+) quyết định không gia tăng sản lượng khai thác so với kế hoạch... đã tác động làm giá xăng, dầu thành phẩm trên thị trường thế giới tăng đáng kể trong giai đoạn vừa qua.

Giá dầu thô ngày 10/10 đã lên mức 80,11 USD/thùng đối với dầu WTI và 82,58 USD/thùng đối với dầu Brent, cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây.

Giá bình quân các sản phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước kỳ điều hành giá xăng dầu ngày hôm nay (11/10) cụ thể như sau: 88,156 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 5,863 USD/thùng, tương đương tăng 7,13% so với kỳ trước); 90,246 USD/thùng xăng RON95 (tăng 6,025 USD/thùng, tương đương tăng 7,15% so với kỳ trước); 87,756 USD/thùng dầu diesel 0.05S (tăng 8,269 USD/thùng, tương đương tăng 10,40% so với kỳ trước); 88,052 USD/thùng dầu hỏa (tăng 8,240 USD/thùng, tương đương tăng 10,33% so với kỳ trước); 429,615 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S (tăng 21,654 USD/tấn, tương đương tăng 4,60% so với kỳ trước).

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh trong nước đang dần được kiểm soát, nhiều địa phương bắt đầu áp dụng các biện pháp khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh thích nghi với "bình thường mới", để hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, liên Bộ Công Thương – Tài chính đã thực hiện chi sử dụng liên tục Quỹ BOG ở mức cao. Cụ thể, từ đầu năm 2021 đến nay, Quỹ BOG đã chi liên tục ở mức từ 100-2.000 đồng/lít/kg.

Do đó, khi giá xăng dầu thế giới đang tăng "phi mã", liên Bộ Công Thương-Tài Chính cho biết, kỳ điều hành lần này, nếu không chi Quỹ BOG đối với xăng E5RON92, dầu diesel và dầu hỏa ở mức 100-950 đồng/lít, giá xăng E5RON92 và dầu diesel, dầu hỏa sẽ tăng từ 1.079-1.917 đồng/lít so với giá hiện hành.

Căn cứ tình hình thực tế Quỹ BOG thời điểm hiện tại, liên Bộ Công Thương-Tài Chính khẳng định sẽ tính phương án tối ưu nhất để bảo đảm giá bán lẻ mặt hàng xăng, dầu trong nước có tăng cũng vẫn ở mức thấp hơn mức tăng của giá xăng, dầu thế giới.

Cụ thể, liên Bộ Công Thương-Tài Chính quyết định ngừng trích lập Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng RON95, dầu diesel, dầu hỏa. Tăng chi sử dụng Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức cao, chi Quỹ BOG đối với mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa (kỳ trước không chi) để giá xăng dầu trong nước có mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.

"Việc điều hành giá xăng dầu được liên Bộ Công Thương-Tài Chính thực hiện theo hướng góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường năm 2021, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ.

Bên cạnh công tác điều hành giá xăng dầu, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu có", đại diện Bộ Công Thương cho biết.
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm