Thị trường

Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng nói gì về đề án 'Phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền'?

DNVN - Sở Công thương Đà Nẵng vừa có Tờ trình số 1686/TTr-SCT (ngày 22/9) gửi UBND TP Đà Nẵng đề nghị phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí xây dựng Đề án “Phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền trên địa bàn TP Đà Nẵng”.

Đà Nẵng: Thí điểm trải nghiệm Scan 3D tại Bảo tàng duy nhất trên thế giới về nền văn minh Chăm Pa / Đà Nẵng: Ngày 26 – 27/9 đồng loạt tổ chức thu gom rác thải trên toàn thành phố

Ngày 28/9, phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hà Bắc - Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng - về những căn cứ cũng như sự cần thiết của việc xây dựng Đề án “Phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền trên địa bàn TP Đà Nẵng" mà Sở Công thương Đà Nẵng vừa có Tờ trình số 1686/TTr-SCT (ngày 22/9) đề xuất với UBND TP Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng trong lần cùng với lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng đến tham quan bến du thuyền Albany ở Bahamas theo lời mời của...

Ông Nguyễn Hà Bắc - Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng trong lần tháp tùng Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đến tham quan bến du thuyền Albany ở Bahamas hồi tháng 8/2019 theo lời mời của tỉ phú Joe Lewis, Chủ tịch Tập đoàn Tavistocks, Chủ tịch CLB bóng đá Tottenham Hotspur - người từng đưa du thuyền 5 sao của mình đến thăm Đà Nẵng hồi tháng 5/2019 và bày tỏ mong muốn hỗ trợ TP này phát triển du lịch du thuyền (Ảnh do ông Nguyễn Hà Bắc cung cấp)

Xin ông cho biết việc xây dựng Đề án “Phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền trên địa bàn TP Đà Nẵng” (sau đây gọi tắt là Đề án) dựa trên những căn cứ nào?

Ông Nguyễn Hà Bắc: Việc xây dựng Đề án được căn cứ theo hàng loạt văn bản của Trung ương. Trong đó, đáng chú ý là Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Quyết định 393/QĐ-TTg ngày 18/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Quyết định 1037/QĐ-TTg ngày 24/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định 2369/QĐ-BGTVT ngày 29/7/2016 của Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Trung Trung Bộ (Nhóm 3) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030…

Về phía TP Đà Nẵng, đó là Chương trình 29-CTr/TU ngày 10/5/2019 của Thành ủy triển khai thực hiện Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định 772/QĐ-UBND ngày 11/02/2017 của UBND TP phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Công văn 8342/UBND-KTTC ngày 09/12/2019 của Chủ tịch UBND TP về xây dựng Đề án phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền…

Theo ông, vì sao Đà Nẵng cần thiết lập Đề án này?

Ông Nguyễn Hà Bắc: Những năm qua, phát triển du lịch tại Đà Nẵng đạt nhiều kết quả khả quan, tốc độ tăng trưởng bình quân tổng lượng khách tham quan, du lịch giai đoạn 2015-2019 ước đạt 18%. Năm 2019, TP ước đón 8,7 triệu lượt du khách, tăng 85,7% so với năm 2015 cho thấy sức hút du lịch ngày càng mạnh và TP dần khẳng định vai trò trong phát triển ngành du lịch, trong đó việc phát triển du lịch trên sông cũng đã được quan tâm trong nhiều năm qua.

Một số nước trên thế giới như Mỹ, Singapore... đều là các nước phát triển và có lợi thế du lịch bằng đường thủy, trong đó tập trung khai thác các thế mạnh du lịch mang tính đặc trưng như nhà hàng nổi, du lịch đêm, du thuyền... Đặc biệt, các dịch vụ du lịch mang tính phụ trợ như nhà hàng, khách sạn gắn với đường thủy, các dịch vụ kết nối vận tải đa phương thức với du thuyền... là các giải pháp nổi bật đã được áp dụng và đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch.

Trong khi đó, du lịch đường thủy TP Đà Nẵng vẫn còn tồn tại một số hạn chế như thiếu các sản phẩm du lịch đường thủy, chưa có nhiều tuyến đường thủy được đưa vào khai thác du lịch, thiếu các khu neo đậu cho các tàu thuyền, thiếu các dịch vụ tiện nghi tại các cảng, bến phục vụ khách du lịch; chưa tương xứng với vị thế địa lý và sự phát triển kinh tế - xã hội của TP trung tâm khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm đưa nước ta trở thành quốc gia biển mạnh, đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển… với mục tiêu cụ thể: “Các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, TP ven biển ước đạt 65 - 70% GDP cả nước…”.

Bên cạnh đó, Thành ủy Đà Nẵng ban hành Chương trình 29-CTr/TU nhằm: “Xây dựng TP Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ;… trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; TP cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên…”.

Do vậy, việc xây dựng Đề án "Phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền trên địa bàn TP Đà Nẵng" là cần thiết nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, đồng thời tìm kiếm động lực phát triển mới cho TP Đà Nẵng.

Việc nghiên cứu Đề án này nhằm những mục tiêu như thế nào?

Ông Nguyễn Hà Bắc: Phạm vi thiết lập Đề án là trên địa bàn TP Đà Nẵng; giai đoạn phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu của việc nghiên cứu Đề án là đề xuất được kế hoạch cụ thể phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền tại Đà Nẵng phù hợp với đặc điểm, nguồn lực theo từng thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đề xuất được các giải pháp cụ thể nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành du thuyền gắn với việc kêu gọi đầu tư sản xuất linh kiện, thiết bị ngành du thuyền đang có xu hướng sản xuất chuyên biệt; phát triển các dịch vụ cảng biển, trong đó chú trọng đến các dịch vụ liên quan đến du thuyền như: dịch vụ neo đậu, bến bãi, dịch vụ hậu cần cảng biển gắn với các trung tâm mua sắm hàng hóa, ăn uống, giải trí.

Xác định được vị trí, địa điểm, khu vực xây dựng và phân kỳ đầu tư theo thời kỳ 2021-2025; 2026-2030; 2031-2045 đối với các dự án đầu tư phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng du thuyền. Đầu tư xây dựng các bến du thuyền hiện đại kết hợp với chuỗi đô thị biển quốc tế hiện đại xứng tầm khu vực và quốc tế.

Xác định quy mô và lộ trình, kế hoạch thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền tại TP Đà Nẵng giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Xây dựng cơ chế chính sách để hỗ trợ khuyến khích thu hút đầu tư ngành công nghiệp, dịch vụ phục vụ liên quan đến du thuyền.

Đề xuất cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, quy trình, quy định để tạo điều kiện thuận lợi cho các du thuyền đến với TP (thủ tục xuất, nhập, quá cảnh, chuyển cảng, đón, trả du khách, neo đậu, kéo dài thời hạn cấp phép cho thuyền viên nước ngoài đi vào bờ...). Xây dựng, ban hành Quy định quản lý, khai thác và vận hành du thuyền, bến du thuyền trên địa bàn TP.

Ông có thể cho biết Đề án sẽ cho ra những sản phẩm gì?

Ông Nguyễn Hà Bắc: Sản phẩm của Đề án ngoài báo cáo chính, báo cáo tóm tắt, đĩa CD/USB copy file còn có bản đồ in tỷ lệ 1:250.000 - 1:1.000.000 về vị trí và các mối quan hệ của TP Đà Nẵng; bản đồ in tỷ lệ 1:25.000 - 1:100.000 về phương án tổ chức không gian và phân vùng chức năng phát triển công nghiệp và dịch vụ liên quan đến du thuyền.

Tiến độ thực hiện Đề án như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hà Bắc: Theo kế hoạch, tháng 9/2020, chúng tôi đã trình phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí thực hiện đề án. Từ tháng 10 - 11/2020 sẽ lập và trình phê kế hoạch lựa chọn nhà thầu; tổ chức lựa chọn nhà tư vấn. Từ tháng 12/2020 - 4/2021 hoàn chỉnh dự thảo lần 1. Từ tháng 5 - 6/2021 lấy ý kiến tham gia các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan; tổng hợp và hoàn chỉnh dự thảo lần 2.

Tháng 7/2021 lấy ý kiến chuyên gia độc lập và ý kiến tham gia các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan; tổng hợp và hoàn chỉnh dự thảo lần 3. Tháng 8/2021 hoàn chỉnh dự thảo, tổ chức tọa đàm tham vấn ý kiến. Tháng 9/2021 hoàn thiện dự thảo, thực hiện thủ tục trình UBND TP phê duyệt.

Các sở, ngành hữu quan của TP Đà Nẵng đã tham gia ý kiến như thế nào trước khi Sở Công Thương có Tờ trình 1686/TTr-SCT (ngày 22/9) đề nghị UBND TP Đà Nẵng phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí xây dựng Đề án?

Ông Nguyễn Hà Bắc: Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ tháng 12/2019 có Công văn 8342/UBND-KTTC chỉ đạo xây dựng Đề án; tiếp đó, ngày 20/01/2020 có Quyết định số 259/QĐ-UBND thành lập Tổ công tác xây dựng Đề án. Sở Công Thương Đà Nẵng đã xây dựng đề cương và dự toán kinh phí Đề án, gửi 10 đơn vị liên quan tham gia góp ý trong tháng 3 và tháng 4/2020.

Sau khi tổng hợp ý kiến của các đơn vị, chúng tôi đã hoàn chỉnh đề cương và dự toán kinh phí trình UBND TP Đà Nẵng ngày 30/6/2020. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng, Sở Công Thương tiếp tục có Công văn gửi Sở LĐ-TB-XH, Sở KH-CN để lấy ý kiến tham gia; hoàn chỉnh đề cương và dự toán kinh phí xây dựng Đề án gửi Sở Tài chính có ý kiến.

Ngày 15/9/2020, Sở Tài chính đã có ý kiến tham gia tại Công văn số 3161/STC-HCSN. Theo đó, Sở Công Thương tiếp thu và hoàn chỉnh dự thảo Đề án. Và ngày 22/9 vừa qua, chúng tôi chính thức có Tờ trình 1686/TTr-SCT đề nghị UBND TP Đà Nẵng xem xét phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí xây dựng Đề án.

Xin cám ơn ông!

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm