Giảm lãi suất về 0%: Hệ thống tài chính có thể bị rối loạn
Đưa lãi suất tiền gửi về 0%, tiền sẽ chảy vào những lĩnh vực nhạy cảm, dễ tạo bong bóng là bất động sản và chứng khoán, trong khi ngân hàng có thể gặp khó trong huy động vốn phục vụ nền kinh tế.
Giải ngân vốn ODA mới đạt gần 3% / Hộ kinh doanh massage, giặt là, cắt tóc nộp thuế: Quy định không mới
Mới đây, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã có đề xuất gửi Chính phủ đưa lãi suất tiền gửi VND dần về mức 0%.
Đề xuất được đưa ra dựa trên đánh giá mức lãi suất tiền gửi và cho vay của Việt Nam vẫn ở mức cao so với khu vực và là bất lợi lớn cho doanh nghiệp cũng như người dân thuộc đối tượng thu nhập thấp và trung bình.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng đề xuất trên là “không hợp lý” vì lãi suất phản ánh mặt bằng nền kinh tế, xã hội.
Đề xuất đưa lãi suất về 0%
Theo VAFI, hiện nay các nước Âu Mỹ, Đông Âu chuyển đổi sang kinh tế thị trường, các nền kinh tế phát triển đều có mức lãi suất tiền gửi nội tệ, ngoại tệ 0%/năm.
Đề xuất đưa lãi suất tiền gửi về 0% là không hợp lý. Ảnh: Vietnam+.
Thậm chí, một số nước còn duy trì lãi suất âm (thu phí tiền gửi) nhằm bảo đảm lãi suất cho vay cực thấp (2%-5% tùy thuộc đối tượng vay và thời hạn vay) nhằm kích thích hệ thống doanh nghiệp và thị trường chứng khoán phát triển, đảm bảo an sinh xã hội cho người thu nhập thấp và trung bình mua nhà ở và chi tiêu tiêu dùng có lãi suất tín dụng cực thấp.
Cùng với đó, các nước trong khối ASEAN như Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapore cũng đang có lãi suất tiền gửi ngắn hạn cho đồng nội tệ ở mức 0%, lãi suất tiền gửi dài hạn trong khoảng từ 0,2%-0,7%/năm.
"Còn tại Việt Nam, tiền gửi VND cho kỳ hạn ngắn hạn và trung hạn đang ở mức từ 3,5%-6,2%/năm là rất cao so với các nước nói trên và dẫn đến lãi suất cho vay cũng cao hơn, trở thành bất lợi lớn cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như đông đảo người tiêu dùng thuộc đối tượng thu nhập thấp và trung bình," VAFI nhận định.
Theo VAFI, cần hạn chế mạnh dòng tiền đầu cơ chảy vào thị trường bất động sản đồng thời kiểm soát để không cho tăng giá đất, áp dụng thu thuế tài sản lũy tiến từ căn nhà thứ hai trở đi với phương châm ban đầu có thể ở mức thấp đủ để ngăn ngừa dòng tiền đầu cơ sau đó tăng dần như thông lệ các nước.
Bên cạnh đó, hướng mạnh dòng tiền nhàn rỗi chảy mạnh vào thị trường trái phiếu với lãi suất huy động thấp, ở mức dưới 2%/năm và như vậy hệ thống ngân hàng sẽ huy động được nguồn vốn khổng lồ với kỳ hạn dài để làm cơ sở cho vay trung hạn, dài hạn với lãi suất cho vay thấp dưới mức 5%/năm.
Ngoài ra, khi lãi suất tiền gửi đã giảm mạnh, để phòng trường hợp một phần dòng tiền nhàn rỗi đầu cơ ngoại tệ, VAFI cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần ban hành chính sách thu phí tiền gửi ngoại tệ ở mức nhất định nhằm đảm bảo chính sách tỷ giá ổn định và không làm mất cân đối kinh tế vĩ mô.
Không thể khả thi
Ý kiến của VAFI nhận được nhiều quan điểm trái chiều, các chuyên gia cho rằng đây là đề xuất thiếu cơ sở và không khả thi.
Chuyên gia Cấn Văn Lực phân tích, VAFI so sánh lãi suất danh nghĩa quốc tế như vậy là khập khiễng bởi lẽ mức độ rủi ro của Việt Nam cao hơn so với đa số các nước trong khu vực, trong mẫu so sánh. Ví dụ, Việt Nam xếp hạng BB theo S&P (Mỹ), trong khi đó của Indonesia, Philippine là BBB, Thái Lan (BBB+), Malaysia (A-), Trung Quốc (A+), Hàn Quốc (AA), Singapore (AAA)... Theo quy luật kinh tế-tài chính, rủi ro cao thì lãi suất phải cao hơn (để bù đắp rủi ro đó).
Vì thế, theo ông Lực, hiện nay doanh nghiệp Việt Nam đi vay vốn nước ngoài bằng USD trung hạn (1-5 năm), bên cho vay hoặc mua trái phiếu thường yêu cầu lãi suất USD từ 3%-6%/năm, tùy thuộc vào thời hạn và mức độ rủi ro, tiềm năng của doanh nghiệp đó cũng như bản thân dự án đầu tư. Đặc biệt, khi các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế (như S&P, Moody’s) xếp hạng mỗi quốc gia hay doanh nghiệp tại quốc gia đó, họ đã tính đến hầu hết các tiêu chí mà VAFI đã nêu như chính trị ổn định, tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, hệ thống tài chính-ngân hàng, tiềm lực trả nợ.
Ông Lực đặt câu hỏi, giả sử lãi suất tiền gửi VND là 0% trong khi lạm phát vẫn khoảng 3,5%, liệu người dân có mặn mà gửi tiền vào ngân hàng, trong khi có nhiều kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn. Khi đó, hệ thống ngân hàng thiếu tiền gửi, vừa hứng chịu rủi ro thanh khoản, vừa không có đủ tiền để đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế. Vì vậy, hệ thống tài chính-tín dụng có thể bị rối loạn và doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư kinh doanh, không có nguồn lực để tăng trưởng cũng như bảo đảm công ăn việc làm…
Theo tính toán của ông Lực, dòng vốn tín dụng hiện nay chiếm khoảng gần 50% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, huy động qua thị trường chứng khoán khoảng gần 20%, còn lại là vốn FDI, đầu tư công và đầu tư tư nhân…
"Lãi suất tiền gửi quá thấp, người dân, doanh nghiệp sẽ mang tiền đi đầu tư vào những kênh khác như bất động sản, chứng khoán, vàng, tiền kỹ thuật số…. vừa rủi ro hơn lại vừa thiếu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng. Thực tế 5 tháng đầu năm nay đã diễn ra như vậy, tiền gửi ngân hàng chỉ tăng khoảng 3%, tín dụng tăng 5%, trong khi dòng tiền cá nhân đổ vào chứng khoán, bất động sản... cao hơn nhiều," vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế tiến sỹ Đinh Thế Hiển cũng cho rằng mức lãi suất 0% được đưa ra không dựa trên lý thuyết hoặc quan sát nào từ thế giới. Trên thực tế mức lãi suất 0% chỉ có ở góc độ của các ngân hàng trung ương các quốc gia trong những giai đoạn thuộc về suy thoái, lạm phát âm, chẳng hạn như giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Ở đây, theo ông Hiển, dường như VAFI đang lấy lãi suất này làm mức lãi suất của các ngân hàng thương mại và đưa vào bối cảnh của Việt Nam khi GDP dự kiến tăng trưởng 5,5%, thấp nhất cũng trên 3%, hiện nay GDP 6 tháng đã đạt 5,8% cùng với lạm phát ước đạt 4%.
"Trên thế giới không có ngân hàng thương mại nào lãi suất 0%, đã có sự nhầm lẫn giữa chính sách của ngân hàng trung ương và lãi suất của ngân hàng thương mại. Sự đánh đồng này là hoàn toàn sai khi hai hệ thống có chức năng hoàn toàn khác nhau," ông Hiển nhấn mạnh.
Một số lãnh đạo ngân hàng cũng cho rằng nếu đưa lãi suất tiền gửi về 0%, tiền sẽ chảy vào những lĩnh vực nhạy cảm, dễ tạo bong bóng là bất động sản và chứng khoán, trong khi ngân hàng có thể gặp khó trong huy động vốn phục vụ nền kinh tế và cho rằng không thể can thiệp thô bạo vào thị trường, nhất là khi không có cơ sở pháp lý để làm việc này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo