Giám sát chặt tổng nguồn tối thiểu của các thương nhân đầu mối xăng dầu
Người trồng cà phê phấn khởi vừa được mùa, được giá / Xuất nhập khẩu vượt 610 tỷ USD
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 99/CĐ-TTg ngày 23/9/2024 về đảm bảo xăng dầu cho hoạt động cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp, hai doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường xăng trong trong nước là Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) đã chủ động triển khai kế hoạch tạo nguồn, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường đến hết quý I/2025.
Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực tạo nguồn của các doanh nghiệp lớn, giải pháp cơ quan quản lý tăng cường giám sát chặt việc thực hiện tổng nguồn tối thiểu của các thương nhân đầu mối là rất quan trọng để đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước trước các dự báo về biến động khó lường thị trường thế giới.
Tối đa nguồn cung từ hai nhà máy lọc dầu trong nước
Petrolimex chủ động phối hợp chặt chẽ với nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quãng Ngãi) và nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) để tối đa việc mua hàng theo hợp đồng có thời hạn (hợp đồng sterm) đã ký và khả năng bán theo hợp đồng giao ngay (hợp đồng spot) của các nhà máy. Bên cạnh đó, Petrolimex cũng thường xuyên trao đổi với các nhà cung cấp xăng dầu quốc tế để duy trì quan hệ bạn hàng và chia sẻ thông tin về diễn biến thị trường xăng dầu thế giới, đồng thời tiếp tục tìm kiếm thêm các nhà cung cấp mới.
Trả lời phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, Chủ tịch PVOIL Cao Hoài Dương cho biết, với trách nhiệm là Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có thị phần lớn thứ 2 cả nước, trên cơ sở tổng nguồn tối thiếu Bộ Công Thương giao hàng năm và nhu cầu kinh doanh của hệ thống, PVOIL luôn chủ động và có kế hoạch đảm bảo nguồn hàng từ sớm thông qua hợp đồng với 2 nhà máy lọc dầu trong nước (Dung Quất và Nghi Sơn) và các hợp đồng nhập khẩu xăng dầu.
Hiện PVOIL đã ký hợp đồng mua hàng từ 2 nhà máy lọc dầu trong nước, chuẩn bị sẵn sàng nguồn nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất pha chế cũng như ký hợp đồng mua hàng với các nhà cung cấp nhập khẩu để đảm bảo đủ nguồn hàng cho hệ thống của PVOIL trong quý IV/2024 và quý I/2025. PVOIL cũng luôn duy trì tồn kho ở mức ổn định, sẵn sàng đáp ứng nguồn cho thị trường tăng cao (nếu có) và luôn đảm bảo tồn kho tối thiểu theo quy định của Nhà nước.
Trước dự báo xung đột tại Trung Đông ngày càng gay gắt, tiềm ẩn đứt gãy chuỗi cung ứng, gây biến động giá cả và nguồn cung xăng dầu cũng như giá cước vận tải có thể tăng mạnh, PVOIL tập trung tiêu thụ nguồn hàng từ nhà máy lọc dầu Dung Quất và nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, cũng như nguồn sản xuất pha chế của doanh nghiệp. PVOIL chỉ nhập khẩu khi nguồn hàng trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu. Hiện nguồn mua từ 2 nhà máy lọc dầu trong nước này chiếm hơn 80% tổng nguồn cung xăng dầu của PVOIL, nguồn sản xuất pha chế từ 5-10% và nguồn nhập khẩu chỉ chiếm từ 10-15%, Chủ tịch PVOIL Cao Hoài Dương cho biết.
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp như trên, PVOIL đã chuẩn bị các giải pháp chủ động ứng phó để đảm bảo nguồn hàng cho hệ thống như: Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường và điều hành của Nhà nước; phối hợp chặt chẽ với Công ty cổ phần Lọc dầu Bình Sơn (BSR)-đơn vị quản lý vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất và Chi Nhánh Phân Phối Sản Phẩm Lọc Dầu Nghi Sơn (PVNDB)-đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong hoạt động điều độ, đảm bảo nguồn hàng từ các nhà máy lọc dầu trong nước về các kho của PVOIL; tăng cường hoạt động sản xuất pha chế.
Đại diện Petrolimex cũng cho biết, Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị thành viên vận tải đường thủy, vận tải đường bộ khai thác tối đa năng lực sẵn có để chủ động trong công tác tạo nguồn; đồng thời xây dựng các kịch bản ứng phó linh hoạt trong trường hợp nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu trong nước tăng cao. Bên cạnh đó, Petrolimex tiếp tục nâng cao chất lượng phân tích, dự báo trên cơ sở diễn biến xăng dầu thế giới ảnh hưởng bởi các yếu tố địa chính trị; bám sát nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước thông qua các thông tin về kinh tế vĩ mô, nhận định của các chuyên gia về nền kinh tế Việt Nam trong quý IV/2024 và dự báo quý I/2025.
Giám sát việc thực hiện tổng nguồn tối thiểu và tồn kho
Theo số liệu của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 được Bộ phân giao cho 36 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện tổng cộng là 28,43 triệu m3/tấn xăng dầu các loại.
Tuy nhiên từ thực tế thực hiện tổng nguồn tối thiểu của các thương nhân đầu mối thời gian gần đây, các chuyên gia cho rằng, để đảm bảo nguồn cung xăng cho thị trường trong nước, bên cạnh nỗ lực tạo nguồn đầy đủ của các doanh nghiệp lớn như Petrolimex và PVOIL, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt tình hình thực hiện tổng nguồn tối thiểu của các thương nhân đầu mối khác, nhất là những thương nhân thực hiện đạt thấp hơn tổng nguồn được phân giao.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, việc nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối đã được Bộ Công Thương phân giao chỉ tiêu cho các doanh nghiệp. Khi đã phân giao, Bộ Công Thương phải kiểm tra việc thực hiện hạn mức nhập xăng dầu của thương nhân đầu mối, có như vậy mới đảm bảo nguồn cung cho thị trường, kể cả khi có biến động xảy ra.
Bên cạnh đó, hai nhà máy lọc dầu trong nước là Dung Quất và Nghi Sơn cần chuẩn bị và đảm bảo đầy đủ nguồn nguyên liệu đầu vào, cũng như có các giải pháp để nhà máy lọc dầu vận hành ổn định, liên tục với công suất tối ưu, đảm bảo đủ nguồn hàng cung cấp cho các đầu mối xăng dầu theo hợp đồng đã ký.
Đại diện Petrolimex cũng cho rằng, Bộ Công Thương cần chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đảm bảo đầy đủ ngày tồn kho theo qui đinh tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021, bám sát tổng nguồn tối thiểu đã được Bộ Công Thương phân giao…đảm bảo các thương nhân đầu mối cung cấp đầy đủ xăng dầu cho chính hệ thống phân phối của mình.
Cùng đó, việc tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện các trường hợp hạn chế bán hàng (bao gồm cả thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, đại lý và thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu) là giải pháp quan trọng để đảm bảo quyền và trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc đảm bảo ổn định thị trường, đại diện Petrolimex chỉ rõ.
Chủ tịch PVOIL Cao Hoài Dương cũng cho biết, về tổng thể, nhu cầu xăng dầu cho việc đi lại của người dân cũng như phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm 2024 và quý 1/2025 không có nhiều đột biến, nhu cầu có thể tăng cục bộ tại một số thời điểm như dịp Tết dương lịch, Tết nguyên đán… Tuy nhiên, trong bối cảnh diễn biến phức tạp như hiện nay, một số thương nhân bán lẻ xăng dầu thường gia tăng mua hàng, tích trữ, đầu cơ… dẫn đến nhu cầu có thể tăng đột biến.
Trong khi đó, đại diện Petrolimex lại dự báo, căn cứ các thông tin về nền kinh tế vĩ mô và số liệu thống kê hàng năm thì Petrolimex cho rằng sản lượng tiêu thụ xăng dầu quý IV/2024 và quý I/2025 thường ở mức cao hơn so với bình quân năm, tuy nhiên mức độ tăng không đáng kể.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước ngày 24/12/2024: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đồng loạt giảm
Căn hộ dịch vụ cho thuê thu hút sự chú ý lớn từ các nhà đầu tư
Giá vàng thế giới ngày 24/12/2024: Giảm nhẹ khi nhà đầu tư chờ động thái từ Fed
Những dấu ấn nổi bật ngành công thương năm 2024
Triết lý “đô thị vị nhân sinh” dẫn lối hành trình kiến tạo đô thị bền vững tại The Global City
Giá heo hơi ngày 24/12/2024: Lập đỉnh mới tại miền Bắc, cả ba miền tiếp tục tăng