Thị trường

Giữ 'thỏi nam châm' thu hút FDI

Việc cạnh tranh trong thu hút FDI ngày càng trở nên khốc liệt hơn khi Trung Quốc đã hồi phục kinh tế trở lại sau đại dịch COVID-19, điều đó có nghĩa không dễ gì các nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi nước này để đến nước thứ 3. Với Việt Nam, để đón được dòng vốn FDI lớn, chắc chắn cần một kịch bản tính toán kỹ lưỡng.

CPI Quý I/2021 thấp nhất trong 20 năm: Không có nghĩa là cơ hội để tăng giá / Tháng 3/2021: Tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 55,5 tỷ USD, tăng gần 36%

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho thấy tính đến ngày 20/3/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức tăng khá mạnh, sau 2 tháng đầu năm liên tiếp sụt giảm.

Tranh thủ "visa" chống dịch tốt để "hút" nhà đầu tư

Sở dĩ cục diện thu hút đầu tư nước ngoài tăng trở lại là nhờ thu hút được các dự án FDI "khủng", trong đó phải kể tới Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD, tại Long An. Tiếp theo là Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD, tại Cần Thơ.

Thu-hut-FDI-2-7497-1617184014.jpg

Việt Nam cần chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để thu hút FDI.

Bên cạnh đó, còn có Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 750 triệu USD; Dự án Chế tạo lốp xe Radian (Trung Quốc) tại Tây Ninh, điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm hơn 312 triệu USD....

Tuy nhiên, các chuyên gia nhìn nhận, dù thu hút vốn FDI vào Việt Nam đã tăng trở lại nhưng không đồng nghĩa rằng cuộc cạnh tranh hút vốn FDI "dễ thở hơn". Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) mới công bố cho thấy, nhiều nền kinh tế trong khu vực đã bắt đầu phục hồi trong nửa cuối năm 2020 sau khi bị suy sụp lúc đầu. Trung Quốc và Việt Nam đang được đánh giá là phục hồi theo lộ trình hình chữ V.

Đặc biệt, Trung Quốc và Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong năm 2021, với tốc độ lần lượt là 8,1% và 6,6%. Các quốc gia còn lại trong khu vực dự kiến chỉ tăng trưởng ở mức 4,4%. Trung Quốc tăng trưởng kinh tế nhanh, vì vậy việc nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc rút vốn khỏi nước này sẽ ngày càng khó khăn hơn, dù trước đó việc dịch chuyển vốn khỏi Trung Quốc được đánh giá là "làn sóng".

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê), cho rằng cạnh tranh trong thu hút vốn FDI lúc nào cũng diễn ra chứ không phải là giai đoạn hậu COVID-19. Tuy nhiên, thời kỳ hậu COVID-19 thì khả năng cạnh tranh sẽ gay gắt hơn vì sau khi kinh tế rơi vào suy thoái, nước nào cũng muốn nhanh chóng phục hồi.

Theo ông Thúy, Việt Nam đang có những lợi thế về thu hút FDI như trong bối cảnh COVID-19, các nước trong khu vực đều tăng trưởng âm thì Việt Nam vẫn tăng trưởng 2,91% (năm 2020), các nước đều rơi vào tình trạng suy giảm hoạt động xuất nhập khẩu thì chúng ta vẫn tiếp tục đà tăng trưởng như năm 2020 tăng 6,5% và 3 tháng đầu năm (tính đến ngày 15/3/2021) tăng 24% so với cùng kỳ năm 2020.

 

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA... trong khi các nền kinh tế trong khu vực vẫn đứng ngoài sân chơi lớn. "Việt Nam có môi trường kinh doanh thuận lợi, khống chế dịch tốt sẽ là "visa" để chúng ta thu hút nhà đầu tư nước ngoài", ông Thúy đánh giá.

Tập trung phát triển trung tâm tài chính

Lợi thế là dễ thấy nhưng để những yếu tố trên hấp dẫn được nhà đầu tư thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đơn cử, Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực 8 tháng, song vẫn chưa có làn sóng vốn ngoại từ châu Âu vào Việt Nam. Một số dự án đầu tư giai đoạn gần đây là kết quả của những ý tưởng từ năm 2020. Để có giấy phép đầu tư năm 2021, các DN phải chuẩn bị từ năm 2019, 2020 hay thậm chí là rất lâu trước đó.

Trong khi đó, theo GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, Việt Nam chỉ nên bàn kế hoạch thu hút từ 3-5% vốn rời Trung Quốc, tương đương khoảng 60-100 tỷ USD. Chừng ấy cũng đủ để cho nền kinh tế như Việt Nam hấp thụ được. Đừng ảo vọng bàn con số quá lớn hay "đại bàng".

Hơn nữa, kết quả thu hút vốn FDI của Việt Nam hiện nay chủ yếu là từ các các ông lớn ở châu Á như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Úc, Singapore, Thái Lan... Ông Mại cảnh báo nếu nới kịch trần thì hơi quá nhưng để vốn của các DN châu Á vào Việt Nam nhiều hơn nữa thì rất khó. Đơn cử, với Hàn Quốc, vốn lũy kế hiện đạt 67 tỷ USD, Việt Nam muốn tăng 10-15% vốn FDI từ nước này khoảng 5-6 tỷ USD sẽ rất khó.

 

Với thị trường Mỹ và EU, lâu nay dù chúng ta đã tính tới việc làm sao để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư từ khu vực này nhưng vẫn rất ít. Do các nhà đầu tư châu Âu còn chưa mặn mà vì môi trường kinh doanh, hạ tầng, nguồn nhân lực... chưa đủ sức hấp dẫn.

Đi vào vấn đề cụ thể, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng kiến nghị cần tập trung phát triển trung tâm tài chính tại TP.HCM và Đà Nẵng. Đây là vấn đề rất lớn hiện nay. TP. HCM và Đà Nẵng cần tập trung lập đề án, chứ nếu chúng ta lại bỏ qua cơ hội một lần nữa, mà lần này không làm được thì không bao giờ chúng ta làm được.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT dẫn chứng Đảo Cayman là một ví dụ sinh động về việc trở thành trung tâm tài chính khi cách đây 40 năm đây là đảo quốc nghèo khó, nhưng với việc thành lập trung tâm tài chính, hàng trăm ngân hàng đã đăng ký thành lập ở đây, trong đó có 50 ngân hàng lớn nhất thế giới và Cayman trở thành trung tâm tài chính quốc tế lớn nhất thế giới, ước tính mỗi một ngày dòng tiền chảy qua đó khoảng 2.000 tỷ USD. Ở đó không thu thuế mà thu phí nhưng mỗi ngày thu hơn 300 triệu USD, tại sao chúng ta không làm trong khi rất nhiều điều kiện thuận lợi? Từ vị trí địa lý cho đến dân số, quy mô nền kinh tế…

"Có một điểm đặc biệt là nếu lấy compa quay một vòng khoảng cách tương đương 3 giờ bay với trung tâm là TP. HCM hay Đà Nẵng thì bao phủ toàn bộ khu vực ASEAN, rất thuận lợi. Hiện nay, chúng ta không trùng múi giờ với 21 trung tâm tài chính quốc tế, đấy là cái khe, cơ hội rất hẹp. Dòng tiền có thể hình thành và luân chuyển suốt 24 giờ trên khắp các trung tâm tài chính đó, đấy là khe rất hẹp mình chen vào đấy", ông Dũng nói.

Theo Bộ trưởng KH&ĐT, người ta rời bỏ Hong Kong rồi, các trung tâm khác quá tải, hết dư địa, hết ưu đãi, hết hấp dẫn, người ta đang đi tìm nơi trú ẩn mới. "Rất nhiều lợi thế, làm cái này chúng ta mang lại cơ hội vô cùng lớn cho đất nước, nhưng nói phải làm ngay. Nếu một trung tâm nào khác hình thành trước chúng ta thì không còn cơ hội nữa. TP. HCM và Đà Nẵng cần nhanh chóng hơn", ông nhấn mạnh.

 

Dịch COVID-19 đã gần được khống chế, nhiều nhà đầu tư đã tính các phương án đi xem xét các địa điểm tiềm năng để "xuống tiền". Do vậy, đây cũng là thời điểm để Việt Nam "lót ổ" đón "đại bàng" tới đầu tư không chỉ cho năm 2021, mà cả giai đoạn 2021-2025.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm