Gỡ "điểm nghẽn" để dịch vụ công trực tuyến hòa cùng hơi thở cuộc sống
Doanh nghiệp phân bón tìm giải pháp tăng xuất khẩu khi nguồn cung dư thừa / Xăng dầu đồng loạt tăng giá, RON 95 III vượt mốc 24.000 đồng/lít
Ảnh minh họa.
Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) là đề án quan trọng, là cơ sở để chuyển đổi số trong cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện vẫn còn những tồn tại, hạn chế là "điểm nghẽn" làm chậm tiến độ triển khai Đề án. Không ít người dân phản ánh với Thời báo VTV về việc truy cập cổng dịch vụ chậm, việc xử lý hồ sơ quá lâu, giao diện còn khó hiểu với người sử dụng...
Để tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06 trong năm 2024, tạo tiền đề hoàn thành các mục tiêu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngày 11/2/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị số 04 yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quán triệt và thực hiện đồng bộ, thống nhất, kịp thời, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu tập trung khắc phục các nhiệm vụ chậm tiến độ; đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, gắn việc số hóa với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.
Chia sẻ với Thời báo VTV, một chuyên gia chính sách cho rằng, để triển khai Đề án 06 thành công đòi hỏi sự quyết tâm, quyết liệt hơn nữa của các bộ, ngành, đơn vị nhằm tháo gỡ những "điểm nghẽn" đã được nêu ra. Trước hết, các đơn vị liên quan cần rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo phạm vi, chức năng, nhiệm vụ được giao để ban hành, sửa đổi hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ kết nối, khai thác dữ liệu giữa Trung tâm Dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Tiếp đó là đẩy nhanh tốc độ số hóa dữ liệu kết nối vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quản lý, điều hành của chính quyền, lãnh đạo các cấp; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Công an để tích hợp những tiện ích lên ứng dụng VNeID phục vụ nhân dân, doanh nghiệp...
Phát huy hiệu quả dịch vụ công trực tuyến người dân sẽ được giảm tải khi làm các giao dịch hành chính. Ảnh: Nguyễn Quân
Anh Nguyễn Hoàng Nam (trú tại Quận Hà Đông) cũng cho rằng: "Để hoàn thiện hệ thống cổng dịch vụ công trực tuyến, cần lưu ý đến quá trình khai thác sử dụng, tái sử dụng những thông tin dữ liệu đã có của các cơ quan địa phương, nếu không thực hiện việc này thì sẽ không thể cắt giảm được các bước, các hồ sơ giấy tờ, thủ tục khi thực hiện trực tuyến. Bên cạnh đó, phải bảo đảm việc tiếp nhận giải quyết hồ sơ".
Anh Nam cho rằng phải làm tốt những điều đó bởi thực tế từ chính cuộc sống, rất nhiều hồ sơ được nộp trực tuyến nhưng người dân không biết khi nào hồ sơ được tiếp nhận, khi nào hồ sơ được giải quyết.
"Tôi cho rằng, một trong những giá trị của cổng dịch vụ công trực tuyến nằm ở chỗ người dân có thể sử dụng và thao tác bất cứ lúc nào, thậm chí là ban đêm. Nếu trường hợp người dân mở một trang web cung cấp dịch vụ công nhưng phải chờ nhiều phút để tải thông tin thì đây sẽ là trải nghiệm không tốt, người dân sẽ không đủ kiên nhẫn để chờ đợi và không sử dụng dịch vụ nữa. Vì vậy, thời gian tới, cần tiếp tục nâng cấp chất lượng hạ tầng công nghệ thông tin, bảo đảm các cổng dịch vụ công trực tuyến được vận hành trơn tru với giao thức đơn giản, dễ hiểu; đào tạo đội ngũ cán bộ hành chính có kiến thức về internet, có trách nhiệm trong tiếp nhận và giải quyết các thủ tục cho người dân", em Nguyễn Thúy Quỳnh, sinh viên Học viện Hành chính Việt Nam chia sẻ.
Để gỡ "điểm nghẽn" trong chuyển đổi số, đưa đề án thực sự phát huy được giá trị lớn trong thực tế cuộc sống, nhiều chuyên gia chính sách cũng chia sẻ thêm rằng, bên cạnh việc đẩy mạnh triển khai các mô hình, giải pháp ứng dụng tiện ích từ nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân và định danh điện tử; các bộ, ngành, địa phương cũng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp thấy rõ sự tiện ích, tiết kiệm, hiệu quả, từ đó đồng tình ủng hộ, hưởng ứng, tham gia thực hiện.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam