Gỡ khó cho trái phiếu doanh nghiệp bất động sản
Một số hồ thủy điện ở mực nước chết, khó có thể phát điện / Giá heo hơi hôm nay 8/6/2023: Tăng trở lại, người nuôi phấn khởi
Theo giới phân tích, quý II được coi là điểm rơi đáo hạn trái phiếu năm 2023 với khoảng 71.900 tỷ đồng trái phiếu đến hạn thanh toán. Tuy nhiên, Nghị định 08 đã có khung pháp lý để doanh nghiệp đàm phán với trái chủ nhằm kéo dài thời gian đáo hạn trái phiếu hoặc hoán đổi trái phiếu đang lưu hành thành tài sản khác. Điều này đã giúp giảm bớt đáng kể áp lực trả nợ.
Ước tính, 28/100 doanh nghiệp đến hạn thanh toán đã đạt được thỏa thuận với trái chủ gia hạn thêm 2 năm đến năm 2025. Đây có thể được coi là điều rất đáng khích lệ khi điều kiện kinh doanh đang có nhiều thách thức với doanh nghiệp bất động sản.
Đáng chú ý, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 8/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã trả lời một số vấn đề các đại biểu quan tâm như tháo gỡ cho thị trường bất động sản,trái phiếu doanh nghiệp, giải pháp kiểm soát lạm phát hay thu hút FDI. Trong đó, các giải pháp cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã được Phó Thủ tướng làm rõ.
"Kịp thời chỉ đạo, làm sao để hoàn thiện căn cứ pháp lý, tháo gỡ vướng mắc cho thị trường hoạt động thông suốt và hiệu quả; ban hành, sửa đổi nhiều nghị định, như Nghị định 65, Nghị định 08... Trong bất động sản cũng chỉ đạo chi tiết những dự án. Gần đây, tín hiệu của thị trường trái phiếu doanh nghiệp dù không còn khó khăn nhưng việc phát hành, thanh toán bằng hình thức như bằng tài sản hoặc gia hạn thời hạn đáo hạn. Trong quý I vừa qua, dù còn khó khăn nhưng các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính đã ổn định tình hình, tiếp tục chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn", Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết.
Cần có thêm hướng dẫn về chính sách để gỡ khó cho các dự án
Nhiều doanh nghiệp đã đàm phán thành công với trái chủ để gia hạn. Một số doanh nghiệp khác hiện cũng đang nỗ lực để tìm được điểm chạm trên bàn đàm phán với nhà đầu tư. Theo tìm hiểu của phóng viên VTVMoney với đại diện nhóm trái chủ bất động sản đang phải đàm phán giãn nợ hiện nay, họ cho rằng, ngoài vấn đề giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư, cần có thêm những hướng dẫn cụ thể về chính sách để tháo gỡ khó khăn cho các dự án.
Theo giới phân tích, quý II được coi là điểm rơi đáo hạn trái phiếu năm 2023 với khoảng 71.900 tỷ đồng trái phiếu đến hạn thanh toán. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)
"Có vướng mắc từ Bộ Xây dựng, nên cơ quan chức năng phải nhảy vào hỗ trợ, tìm ra mấu chốt, Chính phủ cũng chỉ đạo để hỗ trợ họ triển khai dự án tốt hơn. Tất cả những cái đó chỉ đến khi diễn ra sớm. Tạo điều kiện cho nhau để tháo gỡ khó khăn phải dựa trên cơ sở", ông Khâu Anh Tuyên, nhà đầu tư trái phiếu, nêu quan điểm.
Ghi nhận trên thị trường cho thấy, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực trong mọi khả năng. Tuy nhiên, họ cũng cần sự trợ giúp, đặc biệt là tháo gỡ nút thắt về pháp lý dự án để họ xây xong hàng và có dòng tiền trả nợ.
Dữ liệu đang cho thấy vòng quay tồn kho bất động sản của doanh nghiệp, tức là chỉ báo thể hiện thời gian doanh nghiệp có thể bán hết hàng, đã lên tới mức 6,5 năm. Con số này cũng đang gấp đôi với thời gian đáo hạn trung bình của trái phiếu là 3 năm.
Giải pháp cho thị trường trái phiếu bất động sản
"Mấu chốt là pháp lý dự án. Các dự án thường tồn đọng, vướng mắc các vấn đề pháp lý mà họ không có cách nào để gỡ rối thì sẽ không có các phương án tài trợ nào có thể đáp ứng được yêu cầu đối với các ngân hàng hoặc chủ nợ", ông Nguyễn Hồng Khang, Giám đốc Phân tích, Công ty CP FiinRatings, cho biết.
"Chúng ta nên phân loại các nhóm dự án, có những dự án rất thiết thực với nhu cầu xã hội thì điểm nghẽn cuối là chúng ta cần đưa ra những cái nghị định dưới luật, ví dụ như Nghị định 10 gỡ trực tiếp vào Nghị định 63 về thực thi Luật Đất đai chỉ thẳng vào vấn đề bất động sản du lịch nghỉ dưỡng phải được phép cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu chẳng hạn. Đấy là một ví dụ đi trực diện vào điểm nghẽn", ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhận định.
"Trong tình thế này, nếu trái chủ không gia hạn thì họ khó có thể nhận lại tiền ngay ngắn hạn. Tất nhiên một số doanh nghiệp họ vẫn cố xoay xở nhưng khả năng là thấp, nguồn lực nếu có thì họ vẫn cần tập trung phát triển sản phẩm, chờ chu kỳ mới và bán ra hơn", ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích đầu tư, Công ty CP Chứng khoán Smart Invest, cho hay.
Theo các chuyên gia, giãn, kéo dài thời gian đáo hạn trái phiếu để doanh nghiệp có thể gỡ vướng pháp lý, khôi phục dòng tiền kinh doanh và trả nợ đang là giải pháp được nhiều bên lựa chọn hơn là trả nợ trái phiếu bằng sản phẩm khác. Nếu đẩy doanh nghiệp vào chỗ kiệt quệ nguồn lực để trả nợ có thể tạo ra các hệ quả đổ vỡ không đáng có.
Qua những chia sẻ ban đầu của đại diện Chính phủ và cơ quan quản lý, có thể thấy toàn bộ hệ thống đang rất quan tâm đến vấn đề của thị trường trái phiếu bất động sản, cũng như lợi ích của các nhà đầu tư, nỗ lực tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để cộng đồng doanh nghiệp sớm hồi phục, khai thông dòng tiền, hoàn thành các nghĩa vụ cho cổ đông và các nhà đầu tư trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
End of content
Không có tin nào tiếp theo