Gỡ khó cho xuất khẩu nông sản mùa vụ
Giá vàng giảm mạnh / Đồng hành cùng sự phát triển của ngành sữa Việt Nam
Cạnh tranh ngày càng khốc liệt
Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu tiếp tục điểm sáng trong bức tranh kinh tế khi duy trì được đà tăng trưởng hết sức ấn tượng. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, kim ngạch xuất khẩu tháng 5 đạt 32,81 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, nhóm ngành rau quả là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng so với năm ngoái. Kim ngạch tháng 5 ước đạt 700 triệu USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ ước tính xuất siêu 8,01 tỷ USD.
Tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ ở nước ngoài tháng 5/2024 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu nông sản mùa vụ” ngày 31/5, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay, nhiều nhóm mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, có khả năng cạnh tranh cao. Dư địa thị trường xuất khẩu là rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, cạnh tranh về mặt hàng nông sản, trái cây cùng loại giữa các nước tham gia xuất khẩu ngày càng khốc liệt. Khả năng thâm nhập các thị trường xuất khẩu đang và sắp vào mùa như vải, chôm chôm, nhãn, sầu riêng, bơ... sẽ gặp phải trở ngại nhất định về thị trường tiêu thụ khi vào vụ thu hoạch ồ ạt.
Nêu đặc tính mùa vụ của sản xuất rau quả, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, rau quả được canh tác đúng mùa vụ sẽ cho sản phẩm chất lượng tốt nhất, năng suất cao nhất. Sản lượng rau quả trong mùa vụ là lớn nhất so với các thời điểm không phải thời vụ. Vì vậy, nguồn cung rau quả khi vào vụ là dồi dào nhất, việc giao dịch mua bán và thực hiện hợp đồng sẽ thuận lợi và nhanh chóng hơn.
Tuy vậy, lượng rau quả thu hoạch rất lớn tạo áp lực cho cơ sở hạ tầng và các dịch vụ phục vụ việc thu hoạch, bảo quản, lưu trữ trong khi Việt nam đang rất thiếu và yếu trong vấn đề này
Áp lực về thị trường tiêu thụ khi lượng lớn rau quả cần được bán ra là rất lớn vì rau quả là các sản phẩm đặc biệt có thời gian bảo quản rất ngắn.
"Nếu không được xử lý kịp thời, không có công nghệ bảo quản và kho lưu trữ thích hợp và không có nơi tiêu thụ thì rau quả sẽ hư hỏng, gây thiệt hại cho xã hội. Câu nói “được mùa mất giá, được giá mất mùa” chính là nói về tình trạng mùa vụ của rau quả hay nông sản nói chung", ông Bình nêu.
Nêu khó khăn trong hoạt động xuất khẩu trái thanh long sang thị trường Trung Quốc, đại diện Sở Công Thương Bình Thuận chia sẻ, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính của thanh long Bình Thuận và cả Việt Nam. Song, đây cũng là quốc gia có diện tích trồng thanh long tương đương với Việt Nam và đang tiếp tục phát triển mở rộng, tập trung ở các tỉnh giáp với Việt Nam. Mùa vụ thu hoạch của Trung Quốc từ tháng 5 - 11, không chênh lệch nhiều so với thời điểm thu hoạch chính vụ của thanh long Bình Thuận từ tháng 3 - 9. Đây cũng là thời vụ thu hoạch của các loại trái cây Trung Quốc như: cam, quýt, táo, lê, nho...
Do đó, vào thời gian này thanh long Bình Thuận phải cạnh tranh với cả thanh long và trái cây Trung Quốc nên việc tiêu thụ thường bị chậm, giá cả có xu hướng giảm, trong tương lai việc tiêu thụ sẽ còn khó khăn hơn.
Ứng dụng công nghệ mới để bảo quản lâu hơn
Đưa nhiều kiến nghị nhằm thúc đẩy tiêu thụ cho nông sản mùa vụ, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam Nguyễn Thanh Bình cho biết, hiệp hội và các doanh nghiệp thành viên mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn và nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ Bộ Công thương và các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.
Đề nghị với các thương vụ và cán bộ ngoại giao kinh tế tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục mở thêm thị trường mới cho rau quả. Tư vấn về pháp luật, về các quy định và rào cản của thị trường nhập khẩu giúp cho doanh nghiệp Việt nam yên tâm và mạnh dạn hơn trong việc triển khai các hoạt động kinh doanh của mình.
Với các doanh nghiệp, ông Bình khuyến nghị việc nghiên cứu để giảm bớt tính mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp như rải vụ, trái vụ giảm bớt áp lực cho tiêu thụ và nâng cao lợi nhuận.
Đồng thời đầu tư nhiều hơn cho công nghệ sau thu hoạch, máy móc thiết bị, phương tiện thu hoạch, bảo quản, vận chuyển phù hợp với các sản phẩm rau quả để giảm bớt tỷ lệ hư hỏng.
Đầu tư kho chứa, bảo quản sử dụng công nghệ cao, để lưu trữ rau quả lâu hơn để điều tiết lượng sản phẩm tham gia thị trường khi vào chính vụ hoặc khi gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ.
Sở Công Thương Bình Thuận kiến nghị Bộ Công Thương triển khai các chương trình xúc tiến thương mại quan trọng nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá sang các thị trường: Trung Quốc, Đông Bắc Á, Mỹ, EU – 4 thị trường lớn của các mặt hàng nông sản Việt Nam trong năm 2024 theo dự báo của Bộ NN&PTNT.
Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của tỉnh giới thiệu sản phẩm, giao dịch với các doanh nghiệp, nhà phân phối trên các nền tảng thương mại điện tử phổ biến ở các thị trường.
Đưa ra kiến nghị cho các địa phương và doanh nghiệp, ông Đỗ Ngọc Hưng - Trưởng cơ quan thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho rằng, cần nâng cao giá trị gia tăng của trái cây mùa vụ bằng việc bổ sung sản phẩm chế biến như trái cây khô, bột trái cây, sản phẩm đóng hộp có thể tiêu thụ quanh năm.
Ứng dụng công nghệ mới giúp kéo dài thời gian bảo quản trái cây, ví dụ công nghệ đưa trái cây vào trạng thái ngủ đông, bảo quản tế bào sống, sử dụng chế phẩm sinh học, màng bọc, chất bảo quản được phép để kéo dài tuổi thọ trái cây.
"Đặc biệt, cần xây dựng kế hoạch tổng thể để triển khai bài bản, đồng bộ, có điểm nhấn và kiên trì công tác quảng bá, xúc tiến thương mại trái cây mùa vụ. Xây dựng câu chuyện gắn với trái cây, khai thác hình ảnh thực tế vùng trồng, tổ chức gian hàng giới thiệu sản phẩm tại các khu chợ người Việt, người châu Á", ông Hưng khuyến nghị.
End of content
Không có tin nào tiếp theo