Gỡ khó, tìm đầu ra cho ngành dệt may, da giày, đồ gỗ
Nhiều ứng dụng đột phá của công nghệ logistics sẽ được giới thiệu tại TP Hồ Chí Minh / Giải pháp giúp ngăn “làn sóng” hàng hóa tăng giá theo lương
Xuất khẩu sụt giảm mạnh
Tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 7/2023 ngày 31/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trước đây, 3 ngành dệt may, da giày và đồ gỗ có mức tăng trưởng xuất khẩu rất cao và ổn định. Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, tình hình kinh tế thế giới và khu vực có nhiều biến động đã làm gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng, nhu cầu suy giảm. Trong đó, nhu cầu từ các thị trường có thế mạnh của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản suy giảm mạnh.
Hiện nhiều ngành hàng gặp khó khăn, trong đó 3 ngành công nghiệp chế biến chế tạo chủ lực gồm dệt may, da giày, đồ gỗ có mức sụt giảm nhiều nhất.
Cụ thể, 7 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm đồ gỗ chỉ đạt 7,2 tỷ USD, giảm 26,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 18,9 tỷ USD, giảm tới 15,1%. Còn tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt 11,7 tỷ USD, giảm 17,1%.
Giải thích nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này, ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, ngoài những lý do chung như Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chỉ ra, ngành gỗ chịu tác động nhiều hơn, có mức giảm sâu hơn. Đặc biệt ở nhóm sản phẩm đồ gỗ nội, ngoại thất, nhóm hàng tinh chế có giá trị gia tăng cao hơn có mức giảm lên đến trên 30%.
Mấy năm gần đây ngành gỗ tăng trưởng khá nóng, tăng trưởng liên tục trên 2 con số. Các biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là biện pháp phòng vệ thương mại mà Mỹ khởi xướng điều tra và áp đặt với một số sản phẩm gỗ của Việt Nam cũng tác động đến tăng trưởng xuất khẩu.
Ngoài ra, hiện 1 số thị trường lớn thường "nội soi" các sản phẩm xuất khẩu gỗ từ Việt Nam rất kỹ vì có những quy định mới về môi trường.
Một nguyên nhân khác có thể đang bắt đầu manh nha, đó là xu hướng tái định vị, ưu tiên dùng hàng nội khối trong bối cảnh hiện nay có quá nhiều bất trắc có thể xảy ra như dịch bệnh, chiến tranh, cước vận tải biển gia tăng mạnh mẽ.
Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đánh giá, tất cả những biến động của thị trường thế giới, đặc biệt những thị trường lớn đã "dội" vào dệt may.
Là ngành phát triển khá nóng trong thời gian vừa qua nhưng gần đây, nhất là bắt đầu từ quý IV/2022 cho đến hết thời điểm 7 tháng năm 2023, dệt may cũng như nhiều ngành hàng khác gặp nhiều khó khăn và chưa khi nào khó khăn như vậy.
7 tháng năm 2023 kim ngạch xuất khẩu dệt may chỉ đạt 22,8 tỷ USD - giảm 14,7 tỷ USD so với năm 2022. Tất cả các sản phẩm may mặc, vải, xơ sợi xuất khẩu... đều giảm sâu. Ví dụ, hàng may mặc đạt 11,8 tỷ USD, giảm 13,2%; vải đạt 1,37 tỷ USD, giảm 18%; xơ sợi đạt 2,5 tỷ USD, giảm 20,7%. Các mặt hàng xuất khẩu nguyên phụ liệu cũng chỉ đạt 700 triệu USD, giảm 17%, còn vải không dệt giảm tới 25%.
Dự báo, tổng cầu thế giới đối với hàng dệt may năm 2023 giảm 8 - 10%. Do đó, doanh nghiệp dệt may rất khó khăn.
"Trong tình hình đó, chúng tôi dự kiến, khó khăn của ngành dệt may Việt Nam phải kéo dài cho đến sang năm", ông Cẩm chia sẻ.
Với ngành da giày, bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cũng dự báo tình hình suy giảm xuất khẩu của ngành còn kéo dài cho đến quý I/2024, không thể chấm dứt ngay. Hiện đơn hàng từ thị trường Mỹ giảm tới 35%, còn EU giảm 13%.
"Chúng tôi nhận thấy khó khăn trước mắt nhất của ngành da giày là câu chuyện thiếu đơn hàng. Mức độ thiếu đơn hàng của DN là 30 -50% đối với những khách hàng truyền thống, đặc biệt đối với thị trường Mỹ và EU - 2 thị trường chiếm tới 70% kim ngạch xuất khẩu của ngành. Để bù đắp thiếu hụt này, chúng ta cần nhìn nhận cơ hội ở các thị trường khác", bà Xuân cho hay.
Xúc tiến thương mại là giải pháp tốt nhất
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, trong bối cảnh khó khăn của thị trường hiện nay càng thấy được vai trò của công tác xúc tiến thương mại. Đây là giải pháp quan trọng, hiệu quả và bắt buộc phải làm.
Để góp phần cải thiện 3 động lực tăng trưởng của nền kinh tế gồm xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phát triển sản xuất, đẩy mạnh thị trường xuất khẩu cần phải đưa ra các giải pháp phù hợp, lan tỏa nhanh nhất để hỗ trợ DN hiệu quả.
Ông Ngô Sỹ Hoài cho rằng, các DN gỗ rất cần sự hỗ trợ tiếp tục từ phía Bộ Công Thương, các thương vụ ở nước ngoài về vấn đề tiếp thị sản phẩm gỗ của Việt Nam, giúp DN tìm kiếm thị trường. Các nội dung cần tiếp thị gồm: sản phẩm gỗ sản xuất có chất lượng tốt; giá cả cạnh tranh; Việt Nam thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết quốc tế để bảo đảm cung ứng gỗ hợp pháp.
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VITAS, với biến động bất định, khó lường của tình hình trong nước và thế giới, các DN rất cần thông tin kịp thời từ các thị trường lớn như Mỹ, EU Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; hay các thị trường tiềm năng cũng như các đối thủ cạnh tranh để có chính sách ứng phó thích hợp và hiệu quả.
Còn Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho rằng, giải pháp xúc tiến thương mại là 1 trong những giải pháp tốt nhất để bù đắp tình trạng thiếu hụt đơn hàng từ nay cho đến đầu năm sau. Hiệp hội rất cần sự hỗ trợ của các thương vụ nước ngoài trong hoạt động này. Cụ thể, các thương vụ có thể trực tiếp kết nối giữa DN Việt Nam với các khách hàng quan tâm. Việc kết nối thông tin cần được thúc đẩy mạnh hơn và tốt hơn trong thời gian tới, qua đó chung tay hỗ trợ DN.
Hiệp hội cũng mong muốn ngoài việc cung cấp thông tin cho DN, các thương vụ nên đề xuất giải pháp để giúp Chính phủ, các bộ, ngành có các hoạt động triển khai kịp thời, từ đó giúp các DN nắm bắt được và tuân thủ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo