Gỡ rào cản đầu tư vào nông nghiệp
Dù hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh ở Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (gồm 8 tỉnh, thành phố: Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh và Bình Phước) được đánh giá là sôi động nhất cả nước, nhưng đến nay chỉ có 1% tổng số doanh nghiệp (DN) trong vùng đầu tư vào nông nghiệp với số vốn chỉ chiếm gần 3% tổng số vốn đầu tư của cộng đồng DN vào sản xuất kinh doanh.
Thiếu quỹ đất sạch
Trong đó, theo ông Đặng Vũ Trân, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý DN (Bộ NN&PTNT), có 90% số DN nhỏ và vừa (DNNVV) với số vốn dưới 10 tỷ đồng. Đáng chú ý, hơn 80% số DN đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình tìm hiểu và áp dụng nông nghiệp.
“Hầu hết DN làm nông nghiệp trong vùng là DNNVV, chiếm số lớn là các HTX”, ông Trân cho biết.
Theo chia sẻ của ông Trân tại Diễn đàn “Vai trò DN trong phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” tổ chức tại Tp.HCM cuối tuần qua, nhiều DN rất muốn đầu tư vào nông nghiệp nhưng điều khó khăn nhất và đầu tiên là quỹ đất sạch.
Việc tìm quỹ đất đầu tư cho đúng với quy hoạch phát triển của các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và phù hợp với mục tiêu đầu tư của DN đã khó, việc có quỹ đất sạch cho DN đầu tư còn khó khăn gấp bội. Chính vấn đề này đã làm nản lòng các DN muốn đầu tư công nghệ cao vào nông nghiệp.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, bày tỏ băn khoăn là giá đất nông nghiệp hiện nay khá đắt làm cản trở khả năng đầu tư.
Theo ông Nguyên, trong vùng cần phải có quỹ đất lớn và sạch để lập khu công nghiệp về nông nghiệp và cần có khu chế biến nông sản với giá đất ưu đãi để tập trung được các DN trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Hơn nữa, giao thông của vùng phải thuận lợi cho việc vận chuyển nguyên liệu.
Một vấn đề đặt ra là với những địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có nên lập khu công nghiệp nông nghiệp chế biến riêng (chẳng hạn như chế biến rau quả) ở từng tỉnh?
Ông Nguyên gợi ý trước mắt có thể làm một khu công nghiệp chế biến nông sản và trái cây có thể phục vụ cho cả vùng Đông Nam bộ, rồi dần dần sẽ phát triển ra từng tỉnh.
Để làm được điều đó trước tiên phải có nguồn đất, tiếp đến là phải có hệ thống logistics (giao thông, vận chuyển, kho lạnh), vấn đề xử lý sau thu hoạch.
Đặc biệt là cần có hệ thống xử lý nước thải từ chế biến nông sản. Nguyên nhân là hiện nay có nhiều nhà máy chế biến nông sản, thủy sản trong vùng bị phản ánh gây ô nhiễm, thải rác bừa bãi từ nguồn vỏ trái cây…
Vướng nhiều thủ tục
Vì vậy, để thu hút được nhiều DN đầu tư vào nông nghiệp ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam rất cần có khu công nghiệp nông nghiệp chế biến cho vùng. Điều này giúp tập trung xử lý nước thải, rác thải, cũng như đảm bảo về năng lượng, giao thông, logistics thuận tiện cho xuất nhập khẩu nông sản.
Theo đề xuất của ông Đặng Vũ Trân, Nhà nước cần có cơ chế giao đất cho địa phương (cấp tỉnh, thành phố) trong Vùng kinh tế trọng điểm quy hoạch các khu, vùng nông nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao.
Điều quan trọng nhất là tạo quỹ đất sạch trước khi kêu gọi DN đầu tư nông nghiệp, thay vì cứ kêu gọi đầu tư rồi sau đó lại để cho DN tự lo giải phóng mặt bằng, tự thỏa thuận, còn địa phương chỉ hỗ trợ, dẫn đến chậm tiến độ làm nản lòng giới DN.
Ts. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam, chỉ rõ cơ chế, chính sách phát triển vùng còn chưa hoàn thiện, thiếu đột phá. Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong vùng còn mang tính tự phát, chưa phát huy hiệu quả lợi thế so sánh vùng.
Khâu thủ tục đầu tư vào nông nghiệp được cho là cũng không dễ dàng. Ông Lê Huỳnh Duy, Giám đốc DN sản xuất chăn nuôi ở huyện Định Quán (tỉnh Đồng Nai), chia sẻ các thủ tục đầu tư một dự án chăn nuôi hiện nay nhiều gấp 3 lần so với 5 năm trước. Chưa kể, do thị trường bất động sản ở Đồng Nai đang là “điểm nóng” khiến giá đất nông nghiệp tăng vùn vụt khiến cho vốn đầu tư đội lên.
Ông Trần Văn Hà, một chủ DN đang muốn đầu tư vào lĩnh vực xuất khẩu chuối, cũng than phiền vấn đề hồ sơ, thủ tục về đất đai, về đầu tư dự án nông nghiệp vẫn quá rườm rà, phức tạp không kém gì dự án công nghiệp, thậm chí về tiêu chuẩn xử lý môi trường nông nghiệp cũng áp theo chuẩn công nghiệp. Ngay như việc thuê đất làm một nhà kho chứa nông sản ngay tại vùng sản xuất cũng vướng nhiều ở khâu thủ tục.
Để tăng thu hút đầu tư vào nông nghiệp cho Vùng kinh tế trọng điểm, giới chuyên gia khuyến nghị cần ban hành một cơ chế khuyến khích các DN đầu tư quy mô lớn vào nông nghiệp. Trong đó, cần tập trung vào các nội dung tích tụ đất đai, tinh giản khâu thủ tục và có cơ chế vay vốn cho DN đầu tư quy mô lớn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo