Thị trường

Gói hỗ trợ kinh tế tiếp theo: Chọn đối tượng nào?

Gói hỗ trợ lần 1 ước tính có quy mô 4% GDP, dự kiến có thể tăng lên tới 7% GDP trong vài năm tới.

Ban hành Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi của Việt Nam để thực hiện EVFTA / Ngành dệt may 'khát' đơn hàng, xoay xở vượt khó

Tới thời điểm này, hiện chưa có thông tin chính thức về gói hỗ trợ kinh tế lần 2 ứng phó với COVID-19, hay thậm chí là liệu sẽ có gói hỗ trợ lần 2 hay không. Tuy nhiên, việc tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp được coi là đòi hỏi bức thiết trong quá trình phục hồi nền kinh tế thời gian tới. Thực tế này đã được minh chứng ngay từ gói hỗ trợ lần 1.

Gói hỗ trợ lần 1 – Nội dung phù hợp nhưng hiệu quả chưa cao

Điển hình như gói hỗ trợ tín dụng, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, bao gồm cả cơ cấu hạn trả nợ, và cả miễn, giảm, hạ lãi suất, đạt tổng dư nợ 1,5 triệu tỷ đồng, tức là gấp khoảng 5 lần so với mục tiêu 300.000 tỷ đồng đặt ra ban đầu.

Gói giãn thuế và tiền thuê đất đã kết thúc, theo tính toán của Tổng cục Thuế, đạt khoảng 37% mức đề ra ban đầu (180.000 tỷ đồng). Gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, đạt 50% mục tiêu đặt ra.

Các gói hỗ trợ khác như giảm giá, giảm tiền điện 10.000 tỷ đồng của EVN cũng đạt 62%, theo thống kê của tổ công tác BIDV. Riêng gói hỗ trợ viễn thông thì chưa có kết quả thống kê cụ thể.

Nguyên nhân có những con số dưới mức dự tính 100% được cho là bởi bất cập và vướng mắc thủ tục hành chính, và bởi chính doanh nghiệp cũng đang thua lỗ, hoặc đóng cửa, nên không phát sinh thuế hoặc chi phí để nhận hỗ trợ.

Gói hỗ trợ kinh tế tiếp theo: Chọn đối tượng nào? - Ảnh 1.

Gói hỗ trợ lần 1 đạt hiệu quả nhất định.

"Gói thứ nhất về mặt nội dung là hợp lý, tuy nhiên thời hạn hơi ngắn. Quy mô hỗ trợ hơi ít, và kết quả thực hiện được trên thực tế là hạn chế" – ông Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định. Theo ông Nguyễn Đình Cung, doanh nghiệp thực sự vẫn rất cần sự tiếp sức thêm nữa của Chính phủ vào thời điểm này, và trong cả giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, tiếp tục hỗ trợ kinh tế cũng có nghĩa là áp lực giảm thu, tăng chi lên ngân sách tiếp tục gia tăng trong những năm tới, đòi hỏi sự điều chỉnh các mục tiêu cân đối vĩ mô so với thời điểm trước khi COVID-19 bùng phát.

Cần phải điều chỉnh mục tiêu bội chi ngân sách

Mục tiêu bội chi ngân sách năm nay là 3,44% GDP, như đã đặt ra vào cuối năm 2019 – trước khi dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, dự kiến năm nay con số này có thể tăng lên mức 5%-5,5% GDP. Để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, mục tiêu bội chi ngân sách cũng cần được cân nhắc điều chỉnh ở mức tương tự như vậy trong 2 năm tới.

Cùng với điều chỉnh mức bội chi, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, 1 số chỉ tiêu khác như trần nợ công trên GDP, hay mục tiêu CPI cũng nên được cân nhắc điều chỉnh linh hoạt theo từng giai đoạn, không nên áp theo từng năm: "Ví dụ 5 năm tới mục tiêu đặt ra là lạm phát dưới 4% chẳng hạn, nhưng có năm chúng ta cho lên mức 5%, nhưng có năm lại chỉ hơn 3%, để cộng lại vẫn trong mục tiêu dưới 4%, nhưng tạo ra độ linh hoạt trong bối cảnh hiện nay". Hiện có nhiều quốc gia cũng đang áp dụng tương tự.

Gói hỗ trợ kinh tế tiếp theo: Chọn đối tượng nào? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng.

 

Theo nhận định của Tổ trưởng Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, gói hỗ trợ kinh tế của Việt Nam có thể tăng lên mức 7% GDP – là ngưỡng mà ngân sách có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, đây cũng vẫn chỉ là mức rất khiêm tốn so với nhiều quốc gia khác.

Gói hỗ trợ tiếp theo: Chọn đối tượng nào để hỗ trợ?

Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, ông Nguyễn Đức Kiên đưa ra 3 tiêu chí để lựa chọn đối tượng nhận gói hỗ trợ. Thứ nhất, doanh nghiệp phải có thị trường, hay nói cách khác, nếu được hỗ trợ thì sẽ bán được sản phẩm và có khả năng phục hồi tốt. Thứ hai, doanh nghiệp có nhiều lao động, qua đó gói hỗ trợ sẽ góp phần lan tỏa giá trị an sinh xã hội hiệu quả hơn. Và cuối cùng, doanh nghiệp cần có khả năng thu hút vốn xã hội, chứ không chỉ vốn Nhà nước, để từ đó đầu tư đổi mới sáng tạo và mở rộng thị trường.

Liên quan tới lựa chọn ngành nghề nào để hỗ trợ, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, trước tiên cần kích cầu đối với những ngành tạo ra xu hướng trong tương lai, như công nghệ thông tin, hay chuyển đổi số. Sau đó tiến tới hỗ trợ những ngành có tính lan tỏa, kết nối mạnh, nhưng lại đang bị ảnh hưởng nặng bởi COVID-19, điển hình là ngành giao thông vận tải.

Gói hỗ trợ kinh tế tiếp theo: Chọn đối tượng nào? - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng

 

Các chuyên gia nhấn mạnh yếu tố công khai minh bạch khi thực hiện lựa chọn ngành nghề được hỗ trợ, dựa trên số liệu từ Tổng cục Thống kê. "Những ngành nào xuất khẩu nhiều, ngành nào đóng góp nhiều nhất cho GDP, ngành nào xử lý nhiều lao động, thì chúng ta hỗ trợ. Nó công khai trên số liệu công bố, chứ không mập mờ, lồng ghép tính cá nhân trong này" - ông Kiên nhấn mạnh.

Lựa chọn hỗ trợ doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp nhỏ?

Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, nên hỗ trợ doanh nghiệp lớn, bởi doanh nghiệp lớn có tính lan tỏa mạnh hơn trong nền kinh tế. Trong khi doanh nghiệp nhỏ đóng cửa chỉ mất 1-2 ngày để quay trở lại, thì doanh nghiệp lớn phá sản khó có thể quay trở lại hoạt động như trước.

Chính Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Tp. Hà Nội, ông Mạc Quốc Anh, cũng cho rằng, cần phải dành sự hỗ trợ nhiều hơn cho những doanh nghiệp lớn, mang tính dẫn dắt thị trường bởi chính từ đó sẽ kéo theo các doanh nghiệp vừa và nhỏ: "Chỉ có sự đồng hành như vậy thì các doanh nghiệp Việt Nam mới tồn tại và thích nghi được với chuỗi giá trị mới".

Đồng hành – Nhân tố thành công của gói hỗ trợ kinh tế

 

Trong bất cứ kịch bản nào, sự đồng hành giữa Chính phủ và doanh nghiệp, và giữa chính các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng - sẽ là nhân tố cốt lõi quyết định sự thành công của các gói hỗ trợ. Ví dụ điển hình là gói hỗ trợ tín dụng, là 1 gói hỗ trợ nhận được nhiều sự quan tâm, cũng như đã mang lại hiệu quả nổi bật thời gian qua.

Ý kiến khuyến nghị từ các hiệp hội doanh nghiệp các ngành nghề khác nhau, các chuyên gia, và các số liệu, đánh giá từ chính các bộ ngành, sẽ là nguồn thông tin tổng hợp mang tính quyết định với sự thành công của gói hỗ trợ tới đây. Không chỉ để đảm bảo sự sống còn của doanh nghiệp, mà còn để đảm bảo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn phục hồi, khi mà doanh nghiệp tại các quốc gia khác cũng đang nhận được các gói hỗ trợ với quy mô không hề nhỏ.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm